Mù Cang Chải: Chuyển biến sau hai năm thực hiện đề án phát triển kinh tế - xã hội
- Cập nhật: Thứ ba, 16/12/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Mù Cang Chải là huyện có 100% số xã đặc biệt khó khăn và xa xôi nhất của tỉnh Yên Bái, sau gần hai năm triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội đến nay đời sống của người Mông các xã trong huyện đã và đang dần khởi sắc. Nhiều hộ bước đầu đã biết làm giàu bằng các nguồn vốn cho vay của nhà nước như vốn người nghèo, vốn 120, vốn 327…
Thanh niên xã Kim Nọi (Mù Cang Chải) khắc phục lở đất trên tuyến đường Kim Nọi đi Chế Tạo.
(Ảnh: Anh Dũng)
|
Điển hình như ở xã Hồ Bốn, cấp uỷ và chính quyền cơ sở đã thực hiện đổi mới phương thức quản lý, phát huy trách nhiệm và tính tiên phong của đảng viên cơ sở, đi đầu trong các phong trào xoá đói giảm nghèo ở địa phương. Với 80 ha lúa nước, vụ mùa vừa qua, xã đã tuyên truyền vận động bà con gieo cấy 100% giống mới, chất lượng cho năng suất cao.
Dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo sâu sắc của cấp uỷ từ huyện đến cơ sở, mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng xã Hồ Bốn đã chỉ đạo nhân dân tiếp tục gieo trồng vụ đông xuân năm 2008-2009 đạt kế hoạch gieo trồng 40ha huyện giao. Từ đầu năm do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm kéo dài làm chết gần 100 con trâu, bò nhưng huyện đã chỉ đạo cho cán bộ thú y xuống tận xã bám dân, hướng dẫn cho dân cách phòng, chống rét và dịch bệnh cho gia súc nên đến nay đàn gia súc của xã đã phục hồi, ổn định và phát triển tốt với số lượng gần 2.700 con, trong đó có 23 con được sinh thêm trong năm 2008.
Xác định rõ nhiệm vụ trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn để đảm bảo môi trường sinh thái, bên cạnh việc phát triển và giữ vốn rừng hiện có, người Mông ở xã Hồ Bốn còn nhận khoanh nuôi và bảo vệ rất tốt hơn 2.100ha rừng, không để xảy ra tình trạng cháy rừng do phát nương làm rẫy. Nhờ đó, đã đưa tỷ lệ che phủ của rừng trong xã lên trên 35%, tăng 10% so với năm 2007.
Nhằm giúp dân xoá đói giảm nghèo, năm 2008, huyện đã tạo điều kiện hỗ trợ giúp dân được vay hơn 2,6 tỷ đồng sử dụng đúng mục đích và đạt hiệu quả phát triển kinh tế cao. Nhiều hộ đã có tiền khôi phục lại đàn trâu, bò bị chết rét và phát triển mạnh kinh tế chăn nuôi gia súc theo hướng bán công nghiệp, phát triển mạnh kinh tế đồi rừng. Có thể nói, sau gần hai năm thực hiện kết luận của Tỉnh uỷ về Đề án phát triển kinh tế – xã hội huyện Mù Cang Chải, cấp uỷ, chính quyền các cấp đã phát huy tiềm năng thế mạnh của huyện tập trung vào khai hoang ruộng nước, chuyển đổi cơ cấu giống mới, đẩy mạnh phát triển đàn gia súc, cải tạo, thay thế và trồng mới nhiều diện tích chè, tích cực trồng rừng mới, góp phần nâng độ che phủ của rừng lên 47%.
Xuất phát từ nhu cầu thiết yếu của người dân, huyện đã thực hiện đầu tư nhiều công trình quan trọng về giao thông, thuỷ lợi, đường điện, trường học và trạm xá, có sự giám sát của người dân nên đã đem lại hiệu quả thiết thực phục vụ đời sống của đồng bào nhân dân các dân tộc trong huyện. Hiện tại công trình thuỷ điện Mường Kim có tổng mức đầu tư 270 tỷ đồng đang được các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng. Với công suất 13,5 MW, công trình hứa hẹn sẽ cung cấp cho huyện vùng cao Mù Cang Chải sản lượng điện khổng lồ 55 triệu KWh mỗi năm. Đây sẽ là điều kiện quan trọng giúp vùng cao đổi mới, người vùng cao sẽ được nắm bắt nhiều kinh nghiệm làm giàu qua các kênh thông tin tuyên truyền khi bản làng có điện.
Qua gần 2 năm thực hiện Đề án, huyện Mù Cang Chải đã tiến hành khai hoang được trên 248ha ruộng nước, đạt 70% kế hoạch giai đoạn, diện tích lúa hai vụ đạt 600ha, riêng vụ xuân đã gieo cấy 100% giống mới. Năm 2008, tổng sản lượng lương thực toàn huyện dự ước sẽ đạt 16.500 tấn đưa mức bình quân lương thực đầu người tăng từ 330-340 kg/người/năm, đạt trên 92% kế hoạch. Kết quả nổi bật nhất trong thực hiện Đề án là ổn định dân cư bản Làng Giàng, xã Nậm Có.
Đến nay, tổng nguồn vốn của các dự án đã đầu tư cho dự án quy hoạch sắp xếp định canh định cư của bản Làng Giàng giai đoạn 2007-2010 tính đến hết tháng 10/2008 là trên 5 tỷ đồng, đạt 35,5% kế hoạch của UBND tỉnh đề ra.Về văn hoá xã hội vùng cao Mù Cang Chải cũng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ sau khi triển khai thực hiện Đề án của tỉnh. Toàn huyện có 2 trường học được công nhận trường chuẩn quốc gia và 4 trường đạt chuẩn phổ cập đúng độ tuổi. Với 13/14 xã, thị trấn có trạm y tế, trong đó có 5 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, đồng bào dân tộc Mông ở Mù Cang Chải đang được chăm sóc tốt hơn về sức khoẻ cũng như cách phòng, chống các dịch bệnh mùa hè.
Những kết quả đạt được trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội của Mù Cang Chải sau gần hai năm qua đáng được ghi nhận, song để hoàn thành và đảm bảo tiến độ thực hiện Đề án về một số nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế- xã hội của huyện Mù Cang Chải giai đoạn 2007-2010, huyện rất cần có sự chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của các cơ quan chức năng từ tỉnh đến cơ sở. Trước mắt là tỉnh cần giao chỉ tiêu kế hoạch và nguồn vốn kịp thời, đúng tiến độ để thực hiện hiệu quả Đề án. Huyện cũng cần phát huy sức mạnh nội lực của nhân dân, xã hội hoá việc thực hiện các nội dung, chương trình hành động mà Đại hội Đảng bộ huyện, xã đã đề ra cho nhiệm kỳ để đạt mục tiêu xây dựng và phát triển nông thôn vùng cao theo hướng CNH-HĐH. Có như vậy Đề án phát triển kinh tế-xã hội vùng cao Mù Cang Chải mới đạt được những kết quả như mong đợi.
Thanh Hương
Các tin khác
Tại hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các làng nghề ngày 15/12, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ bỏ thuế xuất khẩu, giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng của làng nghề để giúp các làng nghề tháo gỡ khó khăn.
YBĐT - Năm 2008, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp của huyện Văn Chấn (Yên Bái) bị ảnh hưởng nặng nề của thời tiết và những biến động của giá cả thị trường. Song, với sự chỉ đạo sát sao của các ban, ngành của huyện, sự nỗ lực của nhân dân nên hầu hết các chỉ tiêu phát triển nông nghiệp đều có mức tăng trưởng so với cùng kỳ và đạt so với kế hoạch đề ra.
YBĐT - Là một trong 2 huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, Trạm Tấu có vị trí địa lý phức tạp, địa hình rộng, dân cư không tập trung, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế chậm phát triển và kém bền vững, nguồn thu nghèo nàn, các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh (NQD) nhỏ lẻ, manh mún.
YBĐT - Thực hiện Nghị quyết 03 của Ban thường vụ Tỉnh ủy và Quyết định 326 của UBND tỉnh Yên Bái về Đề án phát triển kinh tế - xã hội huyện giai đoạn 2006-2010, UBND huyện Trạm Tấu đã xây dựng kế hoạch cho cả giai đoạn và kế hoạch chi tiết từng năm, đồng thời lập 21 dự án và dự toán theo các nhiệm vụ đặc thù ghi trong Đề án.