Sản xuất nông nghiệp qua một năm sóng gió
- Cập nhật: Thứ hai, 22/12/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Chưa bao giờ sản xuất nông-lâm nghiệp Yên Bái lại gặp nhiều khó khăn, sóng gió như trong năm 2008. Bước vào đầu vụ xuân rét đậm, rét hại kéo dài, cuối vụ sâu bệnh hoành hành, đến vụ mùa bão lũ xảy ra liên tiếp, giá cả vật tư phân bón tăng cao…gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân và kìm hãm tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp.
Nông dân xã Đông Cuông (Văn Yên) thu hoạch lúa mùa.
|
Có lẽ đến giờ vẫn chưa có hộ nông dân nào quên được trận rét đậm, rét hại kỷ lục cả về thời gian lẫn cường độ trong những ngày đầu năm 2008. Trận rét lịch sử này đã làm thiệt hại hàng trăm tấn giống và trên 10 ngàn ha lúa phải gieo cấy lại, trên 7000 con trâu bò bị chết. Ước thiệt hại kinh tế hàng chục tỷ đồng, không chỉ có vậy mà nó đã vô hình chung đẩy nhiều hộ gia đình vào cảnh đói nghèo.
Mặc dù tỉnh đã có những chỉ đạo, huy động tất cả các hệ thống chính trị vào cuộc giúp bà con nông dân đồng thời hỗ trợ giống lúa, tiền mua trâu bò khôi phục lại sản xuất. Vượt lên khó khăn, bà con nông dân đã cơ bản được gieo cấy hết diện tích, lúa sinh trưởng phát triển tốt. Tưởng mọi khó khăn đã qua đi, nhưng ác thay khi lúa đàng kỳ đứng cái làm đòng sâu bệnh lại hoành hành trên diện diện rộng.
Ngành nông nghiệp, bà con nông dân lại chạy đôn chạy đáo phòng trừ sâu bệnh. Do làm tốt công tác tình hình dự báo, phòng trừ hiệu quả không làm ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng lúa. Toàn bộ diện tích lúa vụ xuân đã được thu hoạch vẫn đạt năng suất cao, bình quân gần 50 tạ/ha. Bước vào sản xuất vụ mùa các huyện Yên Bình, Văn Yên, Lục Yên, Trấn Yên lại bị ảnh hưởng của lũ lụt, trên 4 ngàn ha lúa mùa bị nhấn chìm trong nước, nhiều diện tích hoa màu, ruộng nương bị đất, cát, đá vùi lấp.
Quyết tâm đảm bảo an ninh lương thực tỉnh, huyện, bà con nông dân tiến hành cải tạo đồng ruộng gieo cấy lại, những diện tích không kịp thời vụ chuyển đổi sang trồng cây màu giá trị kinh tế cao. Khi cây vừa lên xanh tốt trận lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 5 lại nhấn chìm tất cả. Nhiều diẹn tích cây vụ đông gieo trồng gặp thời tiết bất lợi ngập lụt, mưa nhiều cây không sinh trưởng phát triển được.
Trong tổng số 5.422 ha ngô vụ đông đã gieo trồng theo dự báo chỉ có 70% diện tích là có khả năng cho thu hoạch. Bên cạnh khó khăn về thời tiết, lũ lụt, sâu bệnh giá cả vật tư phân bón tăng mạnh, nhiều loại phân đã tăng gấp đôi, gấp ba so với cùng kỳ. Bà con nông dân vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn, khả năng đầu tư cho thâm canh phần nào bị hạn chế.
Khắc phục những khó khăn, cùng với sự chỉ đạo tích cực của tỉnh, ngành nông nghiệp và sự nỗ lực của bà con nông dân. Đặc biệt phải nói đến các cơ chế chính sách hỗ trợ giống, mua trâu bò, khôi phục lại ruộng nương sau bão lũ của tỉnh với số tiền hàng chục tỷ đồng. Bà con nông dân đã đưa vào gieo trồng trên 111 ngàn ha cây nông nghiệp, bằng 102,42% kế hoạch.
Trong đó diện tích cây lương thực có hạt đạt 56.998 ha, giảm 367 ha so cùng kỳ ( 39.532 ha lúa, giảm 2.044 ha, ngô đạt 17.446 ha, tăng 1.676 ha). Năng suất lúa bình quân đạt 47,03 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực đạt trên 215 ngàn tấn, giảm 2.534 tấn so cùng kỳ. Riêng sản lượng thóc chỉ đạt 170.198 tấn, giảm 8 ngàn tấn so với cùng kỳ.
Mặc dù so với kế hoạch nhiều chỉ tiêu không đạt nhưng với những khó khăn như đã nói ở trên thì đạt được những kết quả đó là một thành công. Tuy nhiên bên cạnh những khó khăn về thời tiết, lũ lụt và dịch bệnh thì cũng phải nói đến công tác chỉ đạo, điều hành của ngành nông nghiệp và các huyện thị. Đành rằng thời tiết rét đậm, rét hại với cường độ lớn, nhưng cũng phải thấy rằng nhiều bà con nông dân không áp dụng nghiêm ngặt lịch thời vụ, gieo cấy trước cả chục ngày. Trong khi gieo mạ không áp dụng các biện pháp kỹ thuật, che ni lon chống rét cho mạ dẫn đến chết hàng loạt.
Trong chăn nuôi cũng vậy, trâu bò chăn thả tự nhiên, không có chuồng trại và có áo ấm, thậm chí thức ăn dự trữ cũng không. Khi thời tiết rét đậm kéo dài đã làm chậm thời vụ từ 15-20 ngày, vậy mà khi lúa xuân chín không vận động nhân dân thu hoạch làm đất gieo cấy vụ mùa ngay, đến khi lúa mùa chín cũng không khẩn trương thu hoạch. Đó cũng là lý do cơ bản dẫn đến sản xuất cây vụ đông không hoàn thành kế hoạch, số đã gieo trồng thì có đến trên 20% diện tích khả năng không cho thu hoạch.
Để sản xuất nông nghiệp năm 2009 và những năm tiếp theo đạt hiệu quả trước tiên ngành nông nghiệp và các huyện thị phải chuẩn bị đầy đủ giống, phân bón, đồng thời khẩn trương vận động nhân dân thu hoạch diện tích cây vụ đông. Đối với diện tích cây vụ đông gieo trồng muộn, trong khi thời vụ gieo cấy vụ xuân 2009 đã đến cần thu hoạch ngay thậm chí phá bỏ để đảm bảo đúng thời vụ.
Bên cạnh đó khẩn trương, tranh thủ mọi nguồn lực khôi phục diện tích ruộng, các công trình thuỷ lợi bị lũ lụt phá hỏng trong năm 2008 nhằm ổn định sản xuất. Cùng với đó là làm tốt công tác chuyển dịch cơ cấu giống, quy hoạch đồng ruộng, tiến tới xây dựng vùng lúa chất lượng cao hàng hoá.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Ngày 19/12/2008, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị Ban chỉ đạo kinh tế tập thể tỉnh lần thứ 5, Ban chấp hành Liên minh HTX tỉnh lần thứ 2 khóa II (nhiệm kỳ 2008-2013).
Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hoạt động đầu tư quản lý chất thải rắn đạt hiệu quả cao về kinh tế, kỹ thuật; tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường được hưởng ưu đãi về: thuế nhập khẩu, thuế thu nhập DN, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và chi phí giải phóng mặt bằng…
Ngày 20-12, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam phối hợp cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức lễ tổng kết phong trào thi đua xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đến tham dự.
Ngày 19/12, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm hàng loạt các mức lãi suất cơ bản, tái cấp vốn, tái chiết khấu, lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc..., trong đó lãi suất cơ bản xuống 8,5%. Đây là một trong những bước đi nhằm thực hiện mục tiêu số 1 hiện nay là ngăn chặn suy giảm kinh tế, kích thích sản xuất, tiêu dùng.