Mù Cang Chải: Đoàn kết các dân tộc, thi đua lao động sản xuất

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/12/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Mù Cang Chải là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái, nhưng trong một vài năm trở lại đây đã có những bước phát triển mạnh về kinh tế-văn hoá xã hội. Nhân dân các dân tộc đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống nhân dân dần được ổn định.

Rừng phòng hộ đầu nguồn ở Mù Cang Chải đang được khoanh nuôi, bảo vệ tốt.
Rừng phòng hộ đầu nguồn ở Mù Cang Chải đang được khoanh nuôi, bảo vệ tốt.

Từ một huyện khó khăn nhất nước, số hộ đói nghèo chiếm tỷ lệ cao, phong tục tập quán cổ hủ, lạc hậu, sản xuất manh mún chỉ dựa vào kinh nghiệm là chính thì trong 5 năm trở lại đây Mù Cang Chải luôn giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt từ 10-12%. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ bên ngoài đồng thời khai thác, phát huy tốt nguồn nội lực, đoàn kết các dân tộc, thi đua lao động sản xuất, xoá đói giảm nghèo.

Các tổ chức đoàn thể làm nòng cốt vận động nhân dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, thâm canh tăng vụ, gắn sản xuất nông - lâm nghiệp với chế biến. Một trong những thành công lớn trong phát triển kinh tế là việc vận động nhân dân khai hoang ruộng nước và gieo cấy lúa vụ đông xuân.

Từ năm 2003-2008, bà con nhân dân các dân tộc trong huyện đã khai hoang được 444,6 ha ruộng nước, đưa tổng diện tích lúa nước toàn huyện lên 2.344 ha. Những năm trước do tập quán canh tác, cùng với thiếu kiến thức khoa học bà con dân tộc Mông chỉ gieo cấy lúa một vụ mùa, vụ đông xuân thì bỏ hoang cho cỏ mọc. Kiên trì vận động, cùng với việc xây dựng các mô hình gieo cấy lúa xuân đồng thời cán bộ kỹ thuật, khuyến nông đến các thôn bản cùng làm với bà con.

Nhờ vậy, diện tích gieo cấy lúa đông xuân ngày một tăng lên, vụ đông xuân 2007-2008 đã đạt 650 ha. Bên cạnh đó, bà con đã đưa giống lúa lai năng suất cao vào gieo cấy, trong sản xuất đã biết đầu tư phân bón, phòng trừ sâu bệnh, đưa năng suất lúa đạt bình quân 40 tạ/ha. Năm 2008, là năm sản xuất nông - lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn nhất, vậy mà huyện vẫn đạt tổng sản lượng lương thực trên 17 ngàn tấn. Những diện tích đất ven đồi trước đây bỏ không, nay phủ kín nào là ngô xuân hè, hè thu, thu đông, tổng diện tích ngô gieo trồng hàng năm đạt gần 2.300 ha, sản lượng đạt trên 5 ngàn tấn. Những chỉ đạo, hướng đi tích cực trong sản xuất nông nghiệp đến nay huyện đã cơ bản đảm bảo được an ninh lương thực, bình quân lương thực đạt 300kg/người/năm.

Việc giữ rừng, bảo vệ rừng luôn gặp khó khăn, thì nay người Mông đã biết trồng và tu bổ rừng. Không chỉ bảo vệ tốt diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, mỗi năm còn trồng mới trên 900 ha rừng phòng hộ đầu nguồn. Đặc biệt từ năm 2006, người dân còn nhân đất trồng rừng kinh tế, đây đã và đang là một hướng đi mới đầy hứa hẹn ở huyện vùng cao này. Phát huy lợi thế về đất đai và nguồn thức ăn nhân dân đã phát triển khá mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, tổng đàn gia súc đạt trên 44 ngàn con, tăng gần 12 ngàn con so với năm 2003. Những gia đình từ nghèo khó nay đã trở nên giàu có và có thu nhập vài chục triệu đồng/năm từ chăn nuôi gia súc, gia cầm không còn là chuyện hiếm.

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, huyện còn vận động nhân dân xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở khu dân cư. Xác định cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá, xoá bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong nhân dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc Mông là xoá đói, giảm nghèo.

Các hộ dân, bản, tổ dân phố đăng ký thực hiện nếp sống văn hoá ngày càng nhiều qua mỗi năm cũng đồng nghĩa với đời sống văn hoá được nâng lên. Các tệ nạn xã hội giảm, đời sống kinh tế ngày càng phát triển, sự tương trợ lẫn nhau, cùng nhau thi đua sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét.

Nhất là việc thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang trong đồng bào dân tộc Mông. Các đám cưới, đám tang trên địa bàn về cơ bản đã thực hiện tốt theo quy định, các tập tục lạc hậu như ăn uống linh đình, phúng viếng tốn kém đã giảm. Đặc biệt là không còn tình trạng sử dụng thuốc phiện trong đám cưới, đám tang là một thành công lớn. Nếu như trước đây các lễ hội của đồng bào Mông diễn ra quanh năm ngày tháng, thì nay hầu như không còn, mà chỉ tập trung diễn ra vào những ngày lễ tết cổ truyền của người Mông và Tết Nguyên đán.

Dẫu còn nhiều khó khăn và nhiều việc phải làm nhưng với những hướng đi và cách làm hiện nay, Mù Cang Chải chắc chắn thành công trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, từng bước thoát ra khỏi huyện khó khăn nhất nước.

Thanh Phúc

Các tin khác

Thuế GTGT tăng lên 10% sẽ ảnh hưởng đến giá thép. Thay vì mức thuế trước đây là 5%, từ 1-1-2009 thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với thép tăng lên 10%, bên cạnh đó giá nguyên liệu đầu vào là thép phế nhập khẩu đang tăng khiến cho nhiều doanh nghiệp thép lo lắng.

Ông Kawamura

Trong vòng 10 năm tới, 92% kim ngạch thương mại hai chiều sẽ được miễn thuế hoàn toàn. Phía Nhật Bản sẽ miễn thuế 95% các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam...

Tổ chức chuyên đánh giá thương hiệu Intangible Business và Informa Telecoms and Media thuộc World Cellular Information Service (có trụ sở tại Anh) vừa công bố 100 nhãn hiệu nhà khai thác di động lớn nhất thế giới.

YBĐT - Vừa qua, HĐND huyện Văn Yên (Yên Bái) tổ chức kỳ họp thứ 11 – HĐND huyện khóa XV nhiệm kỳ 2004 – 2009 để đánh giá tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2008 và đề ra phương hướng nhiệm vụ cho năm 2009.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục