Doanh nghiệp, doanh nhân: Góp phần quan trọng phát triển nền kinh tế
- Cập nhật: Thứ hai, 29/12/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Có thể nói, năm 2007 và 11 tháng của năm 2008, các thành phần kinh tế trong tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới lớn nhất trong 40 năm qua, đã tác động mạnh đến nền kinh tế trong nước, đặc biệt là hệ thống tài chính, ngân hàng. Thị trường chứng khoán liên tục sụt giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến việc huy động vốn của nhiều doanh nghiệp (DN).
Giá cả thị trường biến động phức tạp, lãi suất ngân hàng tăng cao và chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ để kềm chế lạm phát đã tác động trực tiếp đến giá thành sản phẩm hàng hoá. Sản xuất chế biến chè là thế mạnh của tỉnh cũng bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều bạn hàng nước ngoài không mua hoặc mua với số lượng ít, thị trường trong nước tiêu thụ chậm, do việc hạn chế chi tiêu của người dân nên chè thành phẩm còn tồn đọng khá lớn.
Thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài đã làm thiệt hại lớn cho sản xuất nông, lâm nghiệp và đàn gia súc, gia cầm. Các huyện, thị xã, thành phố đều chịu hậu quả nghiêm trọng của mưa bão, gây khó khăn lớn cho sản xuất kinh doanh (SXKD) và nhiều DN bị thiệt hại hàng tỷ đồng. Các DN đều có qui mô vừa và nhỏ, đang trong quá trình chuyển đổi, sắp xếp lại, công nghệ lạc hậu, năng lực tài chính, năng lực quản trị kinh doanh và sức cạnh tranh thấp, hầu hết đều thiếu vốn sản xuất. Số lượng DN có vốn đầu tư nước ngoài ít và mới thành lập, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực sản xuất chè, vàng mã và khai thác đá, các ngành nghề khác hầu như không có.
Song, từ tinh thần cộng đồng trách nhiệm của các cấp, các ngành, các DN, doanh nhân trong tỉnh đã nêu cao tinh thần tự chủ trong SXKD, khắc phục khó khăn, thích ứng với cơ chế thị trường, phát triển tương đối mạnh cả về số lượng và chất lượng, tạo việc làm ổn định cho người lao động, từng bước nâng cao hiệu quả SXKD, đóng góp một phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế. Tỉnh cũng đã có nhiều giải pháp tháo gỡ để giải quyết cho DN vay vốn, xử lý các tồn đọng về tài chính như: khoanh nợ, giãn nợ, xoá nợ các khoản phải nộp ngân sách nhà nước (NSNN) đối với DN nợ thuế do nguyên nhân bất khả kháng, hỗ trợ chi phí, giúp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và nước ngoài, nhằm tạo môi trường cho SXKD phát triển ổn định.
Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, Nhà nước đã bổ sung hoàn thiện dần hệ thống chính sách thuế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để khuyến khích đầu tư và xuất khẩu, bảo hộ hợp lý, có chọn lọc và có thời hạn cho sản xuất trong nước, tạo sự bình đẳng về nghĩa vụ thuế, giúp DN, doanh nhân tích tụ vốn, tăng khả năng cạnh tranh. Ngành thuế cũng đã và đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng cung cấp dịch vụ về thuế tốt nhất, đầy đủ và kịp thời nhất, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người nộp thuế (NNT). Xây dựng lề lối làm việc, tác phong giao tiếp của công chức thuế theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, lịch sự. Phát huy hiệu quả của cơ chế “một cửa”, kịp thời giải đáp vướng mắc, đảm bảo cho NNT hiểu thấu đáo chính sách thuế để tự giác thực hiện. Đại bộ phận DN, doanh nhân đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế, thực hiện tốt cơ chế tự tính, tự khai, tự nộp, góp phần tăng thu cho NSNN.
Do đó, tổng thu cân đối ngân sách của tỉnh năm 2007 đạt 313,5 tỷ đồng, bằng 104% dự toán Bộ Tài chính giao và bằng 101% dự toán phấn đấu của tỉnh, tăng 14% so với năm 2006. Đến trung tuần tháng 12/2008, đã thu đạt 360 tỷ đồng, bằng 100% dự toán phấn đấu, tăng 15% so với năm 2007, trong đó có 6/9 huyện, thị xã, thành phố hoàn thành vượt dự toán cả năm.
Kết quả trong SXKD và nộp ngân sách của các DN, doanh nhân đã tạo đà mạnh mẽ cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp, xây dựng và dịch vụ lên 63,4%, giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thuỷ sản xuống còn 36,6%, đưa mức độ tăng trưởng kinh tế năm 2007 đạt 11,66%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Những đóng góp to lớn này đã được tôn vinh, ngoài mục đích động viên, khen thưởng, còn nhằm nâng cao uy tín cho DN, doanh nhân.
Ngày 16/12 vừa qua, Cục Thuế tỉnh đã tổ chức hội nghị tuyên dương 73 lượt tổ chức, cá nhân được UBND tỉnh, Tổng cục Thuế và Cục Thuế khen thưởng năm 2007. Trong hàng chục DN, doanh nhân tiêu biểu, nổi bật lên các điển hình như: Công ty Xăng dầu, Công ty Xổ số kiến thiết, Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn, Công ty chè Phú Tân, Công ty cổ phần chè Liên Sơn, Công ty TNHH xây dựng Thành Đại, ông Phạm Thanh Xuân, ông Tạ Minh Duật (huyện Yên Bình), ông Bùi Đức Thiện (thành phố Yên Bái)... Ông Nguyễn Văn Chung - Cục trưởng Cục Thuế cho biết: “...Hoạt động SXKD trong điều kiện là tỉnh nghèo, ngân hàng mới chỉ đáp ứng được vốn từ 15-20%, nhưng kết quả thu ngân sách hàng năm của tỉnh đều vượt từ 5-10% dự toán là một cố gắng rất lớn của các DN, doanh nhân trên địa bàn”.
Tuy nhiên, để phấn đấu đưa số thu NSNN năm 2009 của tỉnh đạt mức 500 tỷ đồng như đại biểu NNT đã hứa trong hội nghị tuyên dương vừa qua, đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của riêng cộng đồng DN, doanh nhân mà còn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các cấp, các ngành trong việc chỉ đạo công tác thu ngân sách và cùng chung tay tháo gỡ khó khăn cho SXKD. Đồng thời, mong muốn sự hợp tác tích cực hơn nữa của các tầng lớp dân cư trong việc phát hiện và lên án mạnh mẽ hành vi cố tình vi phạm chính sách thuế, góp phần xây dựng hệ thống chính sách thuế ngày càng công bằng, minh bạch.
Linh Nhung
Các tin khác
Giá gas thế giới đang chào bán với mức 355 USD/tấn, tăng 17,5 USD so với đầu tháng 12 vừa qua. Theo các hãng gas tại TPHCM, nhiều khả năng mức giá này cũng sẽ được chốt cho giá gas giao tháng 1- 2009.
Theo tin từ Bộ Công Thương, ngày 26/12, một số sản phẩm công nghiệp đang tồn đọng như: phôi thép, thép xây dựng, xi măng, phân bón, giấy, hóa chất… sẽ được hỗ trợ tiêu thụ. Nguyên tắc hỗ trợ là cơ cấu lại thời hạn vay, thực hiện miễn giảm lãi suất các khoản vay có lãi suất cao theo chính sách của Chính phủ.
Từ ngày 1-1-2009, Nghị định 115/2008/NĐ-CP về miễn thủy lợi phí của Chính phủ sẽ có hiệu lực. Đây được đánh giá là một “khoán 10” trong ngành thủy lợi Việt Nam. Như vậy, từ năm 2009, Nhà nước sẽ hoàn toàn chịu các khoản đầu tư cho thủy lợi.
Theo các giải pháp được Bộ Tài chính đưa ra báo cáo số 191 gửi Chính phủ để trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, năm 2009 sẽ tiếp tục điều hành giá theo cơ chế thị trường đối với các mặt hàng: điện, than, nước sạch, cước vận chuyển xe buýt…