Mang nợ với chè

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/1/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Với 13 nghìn ha chè kinh doanh (lớn nhất toàn quốc), sản lượng chè búp tươi 80 nghìn tấn, hàng vạn hộ dân ở khắp các huyện thị làm nghề chè; có vùng chè đặc sản Shan tuyết Suối Giàng độc đáo và nức tiếng cả nước... cây chè là thế mạnh của nông - lâm nghiệp Yên Bái, được xác định là "cây xóa đói, giảm nghèo". Vậy nhưng thời gian qua, câu chuyện về cây chè Yên Bái thật kém vui.

Hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần chè Phú Tân (Văn Chấn).
(Ảnh: Quang Tuấn)
Hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần chè Phú Tân (Văn Chấn). (Ảnh: Quang Tuấn)

Xin mở đầu bằng phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trong buổi làm việc với ngành nông - lâm nghiệp tháng 10 năm 2008: "Chúng ta kỳ vọng, chúng ta đầu tư để rồi ngành chè của chúng ta què quặt như thế". Sự yếu kém trong vấn đề sản xuất kinh doanh chè đã được nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều bài viết đăng tải trên Báo Yên Bái, nhưng lời đánh giá rằng ngành chè đang "què quặt" của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thật sự rất đáng suy nghĩ, nhất là với các đại biểu, những cán bộ chủ chốt của ngành nông nghiệp dự buổi làm việc hôm đó. 13 nghìn ha chè kinh doanh, một diện tích khổng lồ nhưng năng suất bình quân mới chỉ đạt 5,5 tấn/ha.

Nguyên nhân được cho là giống chè của chúng ta đã rất lạc hậu, già cỗi, trong khi điều kiện canh tác rất kém. Diện tích lớn là thế mạnh của ngành chè, nhưng quan điểm không trồng thêm nữa mà tập trung cải tạo, nâng cao năng suất chè búp tươi là một quyết định hết sức đúng đắn, cho dù quyết định này đưa ra có phần hơi muộn.

Việc cải tạo diện tích chè cũ, đưa vào trồng những giống mới cho năng suất và chất lượng cao hơn là việc làm cấp thiết, nhưng tư tưởng làm theo phong trào đã "xé nát diện tích". Gần 1000 ha chè đặc sản với các giống như Bát Tiên, Phúc Vân Tiên lại được trồng phân tán thành hàng nghìn, hàng vạn mảnh nhỏ ở nhiều xã thuộc nhiều huyện... để đến hôm nay khi chè đặc sản đã cho thu hái lại rất lúng túng, không biết đặt nhà máy chỗ nào cho phù hợp?! Vùng nguyên liệu rộng lớn nhưng năng suất thấp lại công thêm việc chế biến hết sức luộm thuộm. Phải chăng chúng ta đã quá dễ dãi trong việc cấp phép cho các cơ sở kinh doanh, chế biến chè trên địa bàn tỉnh, để đến hôm nay nhà máy chè mọc lên như nấm sau mưa?

Tại các vùng chè trọng điểm, một xã có đến 2, 3 thậm chí là 4, 5  nhà máy chế biến chè mà phần lớn các nhà máy này không có vùng nguyên liệu, công nghệ chế biến lại rất lạc hậu. Công suất chế biến của các nhà máy chế biến trên địa bàn Yên Bái đã vượt xa sản lượng chè từ rất lâu và hệ quả của nó là, các nhà máy cạnh tranh nhau bằng mọi cách có thể, trong đó có cả đâm, chém nhau, có cả bỏ qua phẩm cấp chè búp tươi...

Vậy là vùng chè trở nên hỗn loạn. Người dân thấy nhà máy mua tất tần tật chè già, chè dài bỗng dưng quay ra dùng liềm cắt, khiến nạn "chè liềm" bùng phát khắp các vùng chè từ Việt Cường, Vân Hội, tới Nghĩa Tâm, Cát Thịnh, Liên Sơn. Không bao giờ có chuyện nguyên liệu chất lượng thấp, công nghệ chế biến lạc hậu lại cho ra sản phẩm tốt và chè đương nhiên cũng vậy. Khi sản phẩm không tốt thì giá bán không cao, lại rất khó tiêu thụ và càng khó xuất khẩu. Một số ít doanh nghiệp cương quyết không mua chè già, chè dài, chè liềm; áp dụng công nghệ chế biến tốt như Phú Tân (Văn Chấn), Hưng Thịnh (Trấn Yên), Văn Hưng (Yên Bình), nhưng việc đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất không hề đơn giản, có doanh nghiệp mua chè ngay tại nhà máy giá chỉ 2000 đồng/kg và phải đi cả trăm cây số sang tận Tuyên Quang mua 3.500 đến 4.000 đồng/kg.

Năm 2008, Yên Bái xuất khẩu được chưa đầy 1000 tấn chè, Phú Thọ xuất khẩu được hơn 15 nghìn tấn, trong khi 2/3 sản lượng chè xuất khẩu của Phú Thọ được mua từ Yên Bái là thông tin khiến người làm chè Yên Bái chạnh lòng, những người có trách nhiệm chua xót. Bức tranh ngành chè Yên Bái vốn đã u ám, đến cuối vụ, khi chè vẫn có thể hái tận thu thì hàng loạt nhà máy đóng cửa ngừng sản xuất. Chè đến lứa, nông dân vẫn phải hái và giá bán chỉ có 700 đồng đến 800 đồng/kg, bằng 1/3 so với giá bình quân đầu vụ. Nếu so sánh theo kiểu người làm chè thì năm trước, cân chè ngang cân gạo, còn thời điểm cuối tháng 10/2008, gần 20 cân chè mới mua được 1 cân gạo.

Phải vực lại ngành chè Yên Bái là điều nhất thiết phải làm. Ý kiến của ông Chu Quốc Tuấn - một người làm chè lâu năm và thành đạt trong số doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân cho rằng: Một mặt đẩy nhanh việc cải tạo giống chè cũ, năng suất, chất lượng thấp, mặt khác tỉnh cần mạnh dạn cho đóng cửa những nhà máy công nghệ lạc hậu, mua chè già, chè liềm, sản phẩm làm ra kém chất lượng. Nhất thiết phải thành lập cho được Hiệp hội sản xuất kinh doanh chè Yên Bái với những người tâm huyết, gắn bó, làm ăn đứng đắn, lâu dài. Hiệp hội này có quy chế làm việc hoàn thiện với chế tài mạnh để xử lý những doanh nghiệp "đứng ngoài quỹ đạo" mua chè già, chè liềm, sản xuất ra sản phẩm không tốt, bán giá thấp... nhằm chấm dứt tình trạng mạnh ai nấy làm như hiện nay.

Đối với chè đặc sản, phải nhanh chóng lấy lại thương hiệu chè Suối Giàng bằng việc tổ chức lại sản xuất, không chạy theo số lượng, làm ra sản phẩm tốt, giá trị cao. Cần thực hiện lại chương trình trồng chè chất lượng cao: Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, trên tinh thần trồng tập trung, gắn với chế biến và lựa chọn một vài đơn vị có năng lực, có tâm huyết làm nòng cốt để phát triển và xây dựng thượng hiệu. Làm được những điều trên không hề dễ, đòi hỏi sự cố gắng của nhiều cấp, nhiều ngành và sự chấp nhận hy sinh, loại bỏ những "bộ phận què quặt thì cơ thể mới trở nên cường tráng".

Vực dậy ngành chè là việc phải làm và đã có sự quyết tâm rất cao của đội ngũ lãnh đạo và những người tâm huyết với chè. Tất cả vì đời sống hàng vạn nông hộ, vì sự phát triển chung của ngành chè Yên Bái.

Lê Phiên

Các tin khác
Đôn đốc thu nộp thuế tại chợ Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).           (Ảnh: Linh Nhung)

YBĐT - Trong buổi làm việc với ngành thuế tỉnh Yên Bái cuối năm 2008, đồng chí Hoàng Thương Lượng - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã nói: "Năm 2008, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làn rộng và ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của chúng ta. Yên Bái gặp thêm khó khăn bởi rét đậm, rét hại và lũ lụt. Trong bối cảnh ấy mà nền kinh vẫn phát triển, đặc biệt công tác thu ngân sách vẫn hoàn thành vượt mức dự toán giao, điều đó có được là nhờ sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành và nhất là đội ngũ cán bộ công chức ngành thuế tỉnh nhà".

Cá thả xen lúa đã trở thành hàng hóa ở chợ Mường Lò (Nghĩa Lộ). (Ảnh: H.N)

YBĐT - Tại Yên Bái, phong trào nuôi cá chép lai địa phương đã phát triển từ rất lâu và vẫn còn duy trì đến nay. Hình thức nuôi ngày càng đa dạng và qui mô ngày càng mở rộng từ nuôi cá ao, hồ nhỏ hộ gia đình đến phát triển nuôi cá đầm, hồ lớn và đặc biệt là phong trào nuôi cá ruộng miền núi. Tuy nhiên, năng suất và sản lượng còn rất thấp do lai tạo huyết thống, tiêu chuẩn cá giống đem nuôi chưa thực sự đảm bảo.

(Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Năm 2008 là một năm thành công trong lĩnh vực thu hút vốn đầu tư phát triển của Yên Bái. Tổng số vốn đăng ký của 45 dự án được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư đã vượt 5.300 tỷ đồng, gần gấp 5 lần số vốn thu hút đầu tư 3 năm, từ 2005 đến 2007. Kiên trì thực hiện các chính sách, cơ chế thu hút, khuyến khích đầu tư, đổi mới và cải cách triệt để thủ tục hành chính, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư - đó là những nỗ lực của Yên Bái để khơi thông môi trường, tạo điều kiện cho dòng vốn đầu tư vào tỉnh ngày càng mạnh mẽ…

Chị Sa Thị Thiêm là một trong nhiều chị em được Hội phụ nữ xã Đồng Khê giúp đỡ thoát nghèo.

YBĐT – Trong những năm gần đây, nhờ bám sát vào các phong trào, chương trình trọng tâm của công tác Hội các cấp, Hội phụ nữ xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong đó, phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc được triển khai có hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục