“Lột xác” cho ngành giấy
- Cập nhật: Thứ tư, 4/11/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Ngành nghề sản xuất giấy ở Yên Bái còn khá non trẻ nhưng lại hết sức ốm yếu. Nguyên liệu thiếu thốn, sản xuất cầm chừng, môi trường ô nhiễm và tiêu thụ vô cùng khó khăn.
Đóng gói sản phẩm giấy đế xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Yên Sơn , thành phố Yên Bái. (Ảnh: T.P)
|
Xuất phát từ việc chúng ta xây dựng nhà máy mà không quan tâm đến vùng nguyên liệu; không đầu tư trồng mới, không cải tạo chăm sóc; cây nguyên liệu dù non, già mua tất, miễn sao có tre, nứa, vầu cho vào máy nghiền. Thế rồi, nứa, vầu trên rừng cũng cạn; tre, hóp trong vườn cũng hết, các nhà máy lâm vào tình trạng đói nguyên liệu. Trước đây, tại các nhà máy giấy, nguyên liệu tre, nứa chất như núi và các nhà máy chỉ tạm thiếu nguyên liệu vào các thời điểm lễ, tết hay khi bà con bận mùa màng, gặt hái không khai thác được. Giờ thì khác hẳn, không lúc nào là đủ nguyên liệu.
Ông Nguyễn Trung Kiên làm nghề buôn nguyên liệu giấy ở thị trấn Cổ Phúc (Trấn Yên) cho biết: “Không những rừng đã cạn tre, nứa để chặt mà có còn nhiều đi nữa thì thu mua cũng khó vì giá nguyên liệu rất thấp, bởi hiện tại là trên 500 nghìn đồng/tấn, có thời điểm xuống hơn 400 nghìn nên bà con làm không có công”. Công ty cổ phần Yên Sơn là đơn vị rất quan tâm đến khâu nguyên liệu. Hơn thế nữa, các nhà máy giấy của Công ty đã thay đổi công nghệ, giảm nguyên liệu và hạ thấp công suất chế biến từ trên 100 tấn/ngày, xuống còn 50 – 60 tấn/ngày. Mặc dù vậy, các nhà máy của Công ty vẫn luôn trong tình trạng “đói” nguyên liệu.
Có thể ví các nhà máy giấy của ta như “anh chàng” ăn khoẻ, làm nhiều nhưng sản phẩm làm ra chất lượng không cao và nguồn phát thải thì vô cùng to lớn. Theo số liệu thống kê, năm 2008 các nhà máy giấy trên địa bàn Yên Bái sản xuất ra 32 ngàn tấn sản phẩm, chiếm tỷ lệ 9% giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh nhưng sản phẩm chủ yếu là giấy đế, vàng mã, là những mặt hàng có giá trị kinh tế không cao, làm nguyên liệu cho các nhà máy khác hoặc thị trường tiêu thụ hẹp (giấy vàng mã chủ yếu xuất khẩu sang Đài Loan). Với công nghệ lạc hậu, chủ yếu nhập về từ Trung Quốc, đặc biệt các nhà máy không có hệ thống xử lý chất thải, nước thải hoặc có cũng chỉ là qua loa, đại khái nên 100% các nhà máy giấy đều gây ô nhiễm môi trường một cách nghiêm trọng.
Trước thực tế trên, ngành giấy lúc này rất cần thời kỳ “lột xác”. Nói như ông Cù Đức Đua – Giám đốc Sở Công thương thì: “Sau khủng hoảng kinh tế, một trong những việc cần làm là cơ cấu lại ngành giấy để cho ra những sản phẩm tốt, giá trị cao, sử dụng ít nguyên liệu và đặc biệt là không ô nhiễm môi trường”.
Còn ông Nguyễn Đức Hậu - Giám đốc Công ty Cổ phần Yên Sơn nói: “Chúng ta sai từ đâu thì chúng ta bắt đầu lại từ đấy!”. Ông Hậu còn cho biết thêm: Yên Sơn cũng đã xây dựng chiến lược phát triển cây nguyên liệu và tại nhiều cuộc họp ở tỉnh, vấn đề này đã được đưa ra. Đưa đối tượng cây luồng Thanh Hóa vào trồng đại trà bằng nhiều cách như: tỉnh cấp đất trồng rừng cho doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp bỏ giống, vốn cho nông dân trồng, khi thu hoạch nông dân bán lại cây cho doanh nghiệp với giá thị trường...
Cũng cách làm như trên, Thanh Hoá, Phú Thọ, Hoà Bình đã rất thành công: đất được phủ kín, cây luồng khai thác hàng năm (không chặt trắng), giá trị kinh tế cao; các nhà máy có nguyên liệu để sản xuất, hơn nữa đó còn là nguyên liệu tốt nhất. Tuy nhiên, một mình doanh nghiệp làm thì không xong, phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền, ngành nông lâm nghiệp và nhất là sự hợp tác chặt chẽ của nông dân. Luồng Thanh Hoá dễ sống, phát triển mạnh trên mọi địa hình, chất đất và hiệu quả kinh tế cao. Doanh nghiệp và các cấp, các ngành quyết tâm là làm được. Có nguyên liệu, có đầu vào, các doanh nghiệp phải tiến hành đầu tư dây chuyền công nghệ, bảo đảm làm ra những sản phẩm chất lượng tốt... Cần kết thúc tình trạng sản phẩm làm ra chỉ là nguyên liệu thô cho các đơn vị khác hoặc đơn điệu một mặt hàng.
Chỉ tính riêng mặt hàng bao bì chất lượng cao thì ngay thị trường trong nước cũng là tiềm năng vô cùng lớn cho các nhà máy giấy khai thác. Việc sản xuất giấy vàng mã xuất khẩu đi Đài Loan cũng cần phải xem xét lại, tránh tình trạng “Sản phẩm của mình, nhìn xộc xệch, hình thức không đẹp, chất lượng không cao, giá cả rất thấp” – lời nhận xét của ông Cù Đức Đua – Giám đốc Sở Công thương sau khi đi thị sát thị trường Đài Loan trở về. Đặc biệt là vấn đề môi trường, chúng ta cần kết thúc những chuyện làm bừa, làm liều của các cơ sở sản xuất nói chung và các nhà máy giấy nói riêng khi họ hồn nhiên đổ chất thải chưa qua xử lý xuống sông, xuống suối. Đã có sẵn các điều luật, các chế tài, vấn đề là chúng ta mạnh dạn làm hoặc ít nhất là gia hạn cho các nhà máy phải thay đổi công nghệ, đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nước thải đảm bảo các tiêu chuẩn quy định. Đến thời điểm đó, các nhà máy không đáp ứng được thì ra quyết định đóng cửa.
Giấy đế, sản phẩm được xác định là một trong những sản phẩm công nghiệp mũi nhọn của Yên Bái, nhưng nay “mũi nhọn” cần phải gọt giũa để nó sắc nhọn trở lại bằng cơ chế, chính sách, bằng sự vào cuộc thực sự của các cấp, các ngành. Ngành giấy phát triển sẽ mang lại giá trị sản xuất công nghiệp cao, nâng kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm cho người lao động và giúp hàng vạn nông dân sống và gắn bó với rừng.
Lê Phiên
Các tin khác
Tại Nghị định số 81/2009/NĐ-CP, Chính phủ đã quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực trong việc bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp vừa ban hành thì công trình, nhà ở trong hành lang an toàn điện được bồi thường đến 70%.
Sáng nay 4/11, giá vàng trong nước phá vỡ mọi kỷ lục từ trước đến nay và tạm giữ ở mức “đỉnh” mới 2,458 triệu đồng/chỉ. Nhà đầu tư vẫn giữ xu hướng mua vào là chủ yếu.
YBĐT - 9 tháng đầu năm 2009, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã thu hút trên 405 tỷ đồng đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở và phát triển sản xuất, trong đó vốn đầu tư của Nhà nước 64 tỷ đồng, còn lại huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp.
YBĐT - Khoanh nuôi tái sinh rừng là quá trình lợi dụng triệt để khả năng tái sinh tự nhiên với sự can thiệp hợp lý của con người nhằm thúc đẩy quá trình tái tạo thông qua các biện pháp kỹ thuật lâm sinh bảo đảm sự tồn tại của rừng và có xu hướng mở rộng diện tích rừng, cung cấp nguồn gỗ ổn định, giảm giá thành đầu tư cho trồng rừng và phát huy chức năng phòng hộ.