Những bất cập cần tháo gỡ
- Cập nhật: Thứ năm, 5/11/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Năm 2008, huyện Văn Yên đã có 7 hộ đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, gà hàng hoá và được hỗ trợ theo Nghị quyết 09 của Tỉnh uỷ. Từ sự hỗ trợ này, đã tạo động lực thúc đẩy chăn nuôi và góp phần nâng cao năng suất, chất lượng vật nuôi với lượng hàng hoá lớn là điều khó ai có thể phủ nhận được. Tuy nhiên, số hộ thực hiện chăn nuôi theo hướng hàng hoá còn ít, hiệu quả chưa cao và còn những bất cập cần được tháo gỡ kịp thời!
Để khuyến khích và tạo điều kiện phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá, ngoài chính sách hỗ trợ 30 triệu đồng/trang trại của tỉnh, huyện Văn Yên còn hỗ trợ thêm 20 triệu đồng trên một trang trại chăn nuôi lợn thịt quy mô 100 con/lứa. Nhờ đó, năm 2008, huyện có 7 hộ dân đầu tư vốn xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn và gia cầm với quy mô lớn. Nó đã góp phần làm thay đổi tập quán chăn nuôi quảng canh sang chăn nuôi theo phương thức bán công nghiệp và công nghiệp vừa giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông thôn lại tạo ra nguồn phân hữu cơ phục vụ sản xuất.
Từ đó, xuất hiện nhiều hộ chăn nuôi cho thu nhập cao, hàng năm xuất ra thị trường 25 - 30 tấn thịt lợn hơi và hàng tấn thịt gia cầm cho thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng. Người chăn nuôi đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất từ khâu xây dựng chuồng trại, chọn con giống, tiêm phòng bệnh và xử lý môi trường những việc mà từ trước đến nay không làm.
Tuy nhiên, chăn nuôi lợn, gia cầm hàng hoá ở Văn Yên đang gặp phải những khó khăn cần được tháo gỡ. Năm 2008, trong tổng số 14 hộ đăng ký và đã xây dựng trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm nhưng khi nghiệm thu thì có đến một nửa không đảm bảo các tiêu chí như: chưa đảm bảo diện tích chuồng trại và số con giống. Do đó, chỉ có 7 trang trại được nghiệm thu hỗ trợ (5 trang trại chăn nuôi lợn thịt có quy mô từ 100 con trở lên, 2 trang trại chăn nuôi gia cầm). Trong số 7 trang trại đã được nghiệm thu cho đến nay có 2 trang trại chăn nuôi thua lỗ nặng và gần như không thể phục hồi được.
Ngoài nguyên nhân khách quan là do ảnh hưởng của cơn bão số 4, trang trại chăn nuôi của hộ ông Lê Cao Vy xã An Bình, Tạ Văn Vinh xã Đông An bị bị thiệt hại hoàn toàn không đủ năng lực tái đầu tư thì hầu hết các hộ chăn nuôi không tạo mối liên kết trong phát triển sản xuất, dẫn đến không tạo được vùng sản xuất hàng hoá tập trung. Sản phẩm chăn nuôi vẫn ít, không đáp ứng nhu cầu thị trường.
Công tác thú y, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn gần như bỏ ngỏ, thị trường thức ăn chăn nuôi gần như không kiểm soát nổi. Một vấn đề nữa là các hộ chăn nuôi lợn thịt chưa chủ động được nguồn con giống chất lượng mà vẫn chủ yếu là mua trôi nổi trên thị trường nên rất khó kiểm soát dịch bệnh. Khi mua được con giống về không thực hiện chặt chẽ việc cách ly rồi mới nhập đàn nên đã xuất hiện dịch trên đàn lợn như hộ ông Hoàng Văn Hoành ở xã Đại Phác, ông Đỗ Văn Sơn ở Yên Phú dẫn đến lợn ốm, lợn chết gây thiệt hại lớn về kinh tế và cho đến nay những hộ này vẫn để trống chuồng.
Năm 2009, huyện Văn Yên xây dựng 20 trang trại, trong đó 10 trang trại chăn nuôi lợn thịt, 5 trang trại lợn nái và 5 trang trại nuôi gia cầm nhưng đến nay đã có 49 hộ ở 17 xã trong huyện đăng ký thực hiện phát triển chăn nuôi trang trại, trong đó có 26 trang trại chăn nuôi lợn thịt, 15 trang trại chăn nuôi lợn nái, 8 trang trại chăn nuôi gia cầm. Đến thời điểm đầu tháng 11, huyện tiến hành nghiệm thu được 5 trang trại đảm bảo đủ các tiêu chí theo quy định. Qua đó, cho thấy người dân đã nhận thức rõ về hiệu quả trong chăn nuôi với quy mô lớn và xác định chăn nuôi không chỉ xoá đói giảm nghèo mà còn có cơ hội làm giầu, xây dựng nông thôn mới.
Để chính sách phát triển chăn nuôi hàng hoá phát huy hiệu quả, bên cạnh việc hỗ trợ của tỉnh, của huyện thì các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ về lợi ích của chăn nuôi trang trại; lựa chọn các hộ có đủ khả năng về vốn sản xuất; đảm bảo nhân công; có kiến thức kỹ thuật kinh nghiệm chăn nuôi; làm tốt công tác vệ sinh thú y, tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc theo quy định...; các chủ hộ chăn nuôi cũng nên tự sản xuất con giống, nếu nhập con giống từ ngoài vào phải báo cáo các cơ quan chuyên môn và tuân thủ việc cách ly trước khi nhập đàn nhằm đảm bảo an toàn con giống; các xã cần có chính sách quy hoạch đất đai định hướng lâu dài ổn định các vùng chăn nuôi công nghiệp tập trung. Bố trí đất đai để các hộ chưa có đất, xây dựng các trang trại xa khu dân cư, chuyển diện tích đất trồng trọt, ruộng kém hiệu quả sang xây dựng chăn nuôi tập trung. Bên cạnh đó, Văn Yên cũng nên đẩy mạnh hơn công tác tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho người chăn nuôi một cách thường xuyên.
Văn Thông
Các tin khác
Theo nguồn tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), chiều 4-11 Việt Nam đã trúng gói thầu xuất khẩu 150.000 tấn gạo loại 25% tấm cho Philippines với giá 480 USD/tấn (giá CIF). Trong đợt mở thầu này, Philippines công bố mua 250.000 tấn.
Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng Chính phủ chương trình quy hoạch xây dựng nông thôn giai đoạn năm 2010-2015.
YBĐT - Sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết chuyên đề số 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Trấn Yên (Yên Bái) khóa 19 về việc phát triển sản xuất lúa chất lượng cao giai đoạn 2006 - 2010, đến nay, huyện Trấn Yên đã xây dựng được một số vùng lúa đặc sản chất lượng cao với diện tích trên 1.170 ha. Sản xuất lúa thuần ở Trấn Yên đã đem lại hiệu quả cao gấp 1,5 đến 2 lần so với sản xuất lúa khác.
YBĐT - Là huyện có diện tích đất lâm nghiệp khá lớn, chiếm 2/3 tổng diện tích đất tự nhiên của toàn huyện và đây là điều kiện khá thuận lợi để nhân dân phát triển kinh tế rừng. Tuy nhiên, do nhận thức về rừng của nhân dân còn hạn chế, việc chăm sóc bảo vệ và phát triển rừng còn mang tính tự phát nên nhiều diện tích rừng ở Văn Chấn (Yên Bái) chưa đạt hiệu quả như mong muốn.