Trấn Yên: Trồng rừng mở hướng thoát nghèo
- Cập nhật: Thứ tư, 11/11/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trấn Yên là một huyện của tỉnh Yên Bái có nhiều đồi núi phù hợp với việc phát triển kinh tế rừng. Vì vậy, huyện tích cực vận động nhân dân tham gia trồng rừng. Nhiều hộ dân hiện đã sống nhờ rừng và thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng của nông dân Trấn Yên.
|
Đến xã Lương Thịnh, từ đầu xã cho đến cuối xã, đâu cũng thấy một màu xanh bạt ngàn của keo, quế và bồ đề. Ông Nguyễn Ngọc Đạm - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xã có 18 thôn, cuộc sống của người dân chủ yếu nhờ rừng trồng. Bởi vì, toàn xã có tổng diện tích tự nhiên là 6.814,70 ha thì đất lâm nghiệp 5.807,39 ha, đất rừng sản xuất 4.151,70 ha, rừng phòng hộ là 1.655,60 ha”. Người dân ở Lương Thịnh trồng rừng với phương thức sản xuất theo chu kỳ 5 năm, 7 năm hoặc 10 năm tuỳ từng loại cây và điều kiện kinh tế của từng hộ.Đi đôi với việc trồng rừng, xã đã xây dựng 33 xưởng chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn. Mỗi xưởng có khoảng từ 7 đến 15 người vận hành máy móc và từ 30 đến 50 người giúp việc như phơi và thu gom, bảo quản sản phẩm sau khi đã chế biến.
Bà Phạm Thị Thảo ở thôn Phương Đạo 3 cho biết: “Nhờ có các xưởng chế biến gỗ trồng ngay trên địa bàn mà nhiều người như tôi hiện nay đã tìm kiếm được việc làm, có thu nhập cho gia đình và bình quân mỗi ngày có thể thu được từ 50 đến 60 ngàn đồng/người. Còn các chủ rừng trồng bán gỗ mỗi năm có thể thu về trên dưới trăm triệu đồng”. Ở Lương Thịnh, các gia đình: ông Phạm Văn Sơn ở thôn đá Trắng, ông Phạm Văn Măng ở thôn Phương Đạo 2, ông Nguyễn Văn Chờ ở thôn Đồng Bằng 1+2…, mỗi hộ có từ 15 đến 20 ha rừng trồng.
Đến thăm xã Quy Mông - một xã có diện tích rừng trồng không kém gì Lương Thịnh. Toàn xã có tổng diện tích tự nhiên là 2.022,4 ha thì đất lâm nghiệp chiếm khoảng trên 1.100 ha. Quy Mông cũng là một trong những xã sớm phát triển kinh tế đồi rừng với khoảng 800/1.294 hộ dân tham gia trồng rừng và có gần 300 hộ dân đã có nguồn thu lớn từ rừng. Đến nay, Quy Mông không còn diện tích đất rừng bỏ hoang, những diện tích đất trống đồi núi trọc đã được phủ xanh bằng các loại cây keo, quế, bồ đề và nhiều loại cây nguyên liệu khác. Bán gỗ rừng trồng cho các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn, nhiều hộ ở thôn Tân An, Tân Việt và nhiều thôn khác không có đất sản xuất nông nghiệp, hầu như 100% cuộc sống dựa vào rừng. Giờ đây, trên địa bàn Quy Mông đã có tới 10 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, thu hút và tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương có nguồn thu nhập ổn định. Hàng năm, những cơ sở chế biến gỗ này đã thu mua của nông dân hàng ngàn mét khối gỗ với giá trên dưới 700 ngàn đồng/m3.
Còn Y Can, ngoài 196 ha rừng trồng thuộc Lâm trường Việt Hưng giao cho người dân quản lý chăm sóc, xã còn tích cực vận động nhân dân trồng 1.093 ha rừng các loại và trên địa bàn hiện nay đã có 3 xưởng chế biến gỗ giúp các hộ trồng rừng tiêu thụ nguyên liệu. Mỗi xưởng đã thu hút được từ 25 đến 40 lao động, trong đó tiêu biểu như xưởng của ông Nguyễn Minh Cách ở thôn Khe Chè luôn tạo việc làm cho trên 40 lao động. Ông Triệu Tiến Châu ở thôn Minh An, Nguyễn Trọng Nam ở thôn Khe Chè và nhiều hộ khác từ việc trồng rừng mà nay đã có thu nhập cao và ổn định.
Việc phát triển kinh tế rừng trồng không chỉ ba xã Lương Thịnh, Quy Mông và Y Can mà còn nhiều xã khác như Kiên Thành, Hồng Ca, Hưng Khánh, Hưng Thịnh, Hoà Cuông, Tân Đồng… Theo ông Nguyễn Thành Lê - Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện các loại cây được người dân chọn để phát triển hiện nay chủ yếu là tre măng Bát Độ, bồ đề, keo và quế vì những loại cây này có giá trị kinh tế cao. Hàng năm những hộ trồng tre măng và quế có thể thu nhập đạt từ 25 - 35 triệu đồng. Nay toàn huyện đã có gần 779 ha rừng trồng đang khai thác, 11.778,9 ha rừng giao khoán bảo vệ, 1.967,8 ha rừng trồng mới.
Trong 10 tháng đầu năm 2009, toàn huyện đã khai thác, tiêu thụ đạt trên 54.380 m3 gỗ rừng trồng các loại và 2.208 tấn tre, vầu, nứa. Nhờ đó mà chất lượng cuộc sống của nhiều hộ gia đình trên địa bàn được nâng lên, đói nghèo dần được đẩy lùi. Những ngôi nhà xây mới đang mọc lên ngày càng nhiều đã chứng tỏ rằng, phát triển kinh tế bằng trồng rừng là một hướng đi đúng trong công cuộc xoá đói giảm nghèo ở Trấn Yên.
Sùng Đức Hồng
Các tin khác
YBĐT - Đội đã kiểm tra 106 vụ, xử lý 47 vụ (tăng hơn 1,5 lần so với cùng kỳ 2008).
Theo Cục Lâm nghiệp, từ đầu năm đến nay trên địa bàn các tỉnh phía Bắc đã phát hiện gần 10.200 vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng.
Ngày 10/11, Quỹ Thách thức Việt Nam (VCF) - một công cụ tài chính mới, tài trợ cho các dự án kinh doanh sáng tạo nhằm mang lại lợi ích trực tiếp cho người nghèo – đã được chính thức khởi động với nguồn kinh phí 3 triệu USD cho giai đoạn 2009 - 2011.
Một khoản vay phục vụ cho việc kích thích kinh tế và giảm nghèo trị giá 54,9 tỉ yen (tương đương 600 triệu USD) vừa được Nhật Bản dành cho Việt Nam.