Minh Chuẩn: Triển vọng mô hình thâm canh keo tai tượng
- Cập nhật: Thứ ba, 17/11/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Thực hiện kế hoạch của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái, năm 2009 Trạm Khuyến nông Lục Yên tiếp tục triển khai thực hiện mô hình trồng thâm canh keo tai tượng tuyển chọn năm thứ 2 tại xã Minh Chuẩn.
Rừng keo 2 năm tuổi ở xã Minh Chuẩn (Lục Yên) đang phát triển tốt.
|
Qua đánh giá về hiệu quả và khả năng nhân rộng của mô hình, ông Hoàng Văn Số – Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết: “Qua mô hình, chúng tôi thấy rằng giống keo này hoàn toàn phù hợp với điều kiện đất đai và khả năng canh tác của nông dân. Tuy nhiên, để phát huy tốt đặc điểm quý của giống keo này thì bà con cần tuân thủ quy trình kỹ thuật từ lựa chọn đất, chăm sóc, bón phân thì sẽ cho kết quả cao hơn”.
Minh Chuẩn là địa phương có đầy đủ các điều kiện tự nhiên phù hợp cho trồng rừng như: đất đai, khí hậu, đất rừng chủ yếu là đồi thấp, tỷ lệ người dân ở đây sống dựa vào rừng và thu nhập từ rừng khá cao nhưng người dân chủ yếu vẫn khai thác, tận dụng, trồng rừng theo tập quán, sử dụng rừng chỉ để trồng cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày.
Mô hình thâm canh keo tai tượng được triển khai tại xã Minh Chuẩn từ năm 2008 với sự tham gia của 30 hộ dân, quy mô thực hiện 30 ha. Các gia đình đã được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ 60% cây giống và 40% phân bón. Ngay từ khi triển khai, mô hình đã nhận được sự ủng hộ và tạo điều kiện tối đa của Đảng ủy, chính quyền cơ sở, đặc biệt là sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Nhờ đó, năm đầu thực hiện đã cho kết quả rất khả quan: tỷ lệ cây sống sau trồng cao (trên 90%); keo sinh trưởng mạnh hơn giống keo đang trồng phổ biến tại địa phương, là giống ưa thâm canh, chống chịu khí hậu, sâu bệnh khá, thể hiện ở những diện tích được bón phân, chăm sóc đầy đủ, keo sinh trưởng và phát triển đồng đều hơn, đặc biệt không nhiễm sâu bệnh hại.
Thấy rõ hiệu quả ban đầu của mô hình, bước sang năm 2009, mô hình tiếp tục nhận được sự đầu tư của Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Trạm Khuyến nông huyện Lục Yên đã phân công, hợp đồng cán bộ kỹ thuật tiếp tục theo dõi, chỉ đạo, cung ứng vật tư, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ tham gia. Sau 2 năm triển khai mô hình, diện tích ban đầu được giữ nguyên. Rừng trồng 1 năm tuổi đạt chiều cao trung bình 3,5 – 5m, đường kính thân đạt trung bình từ 4 – 5cm. Rừng keo không có hiện tượng đổ, gẫy, không xuất hiện sâu bệnh và bệnh lạ. So sánh với diện tích trồng có điều kiện thổ nhưỡng và chăm sóc kém hơn cho thấy, ở diện tích đất tơi xốp, được bón phân chăm sóc đầy đủ, keo sinh trưởng mạnh, lá xanh tốt và ngược lại ở nơi trồng trên đất khô cằn, nghèo dinh dưỡng, không bón phân chăm sóc kịp thời, keo sinh trưởng chậm, lá vàng.
Sau khi tổng hợp các kết quả đạt được, các kỹ sư nông lâm nghiệp đã đánh giá kết quả và hiệu quả so sánh với giống keo đang được trồng phổ biến tại địa phương cùng thời điểm: tỷ lệ sống của keo giống mới cao hơn, cây phát triển mạnh hơn, độ đồng đều lớn, khả năng chống chịu tốt. Đặc biệt, có sự chênh lệch về tốc độ sinh trưởng do đất, bón phân, chăm sóc, điều này chứng tỏ giống keo mới tuyển chọn là giống ưa thâm canh.
Với tốc độ sinh trưởng nhanh, đồng đều và ổn định, nếu được đầu tư thâm canh tốt, giai đoạn khai thác có thể đạt trữ lượng lớn. Theo hạch toán của các nhà chuyên môn cho 1 ha rừng trồng chi phí đầu tư bao gồm: giống, phân bón, công lao động hết gần 27 triệu đồng. Sau 5 năm thâm canh, sản phẩm dự kiến đạt 60m3 gỗ, tương đương số tiền gần 41 triệu đồng, lợi nhuận ước tính gần 14 triệu đồng.
Cũng với cách tính đó, sản phẩm cho rừng thâm canh 10 năm tuổi đạt 100m3 gỗ và lợi nhuận ước tính hơn 223 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện mô hình còn gặp một số những khó khăn. Ông Trần Văn Hoan – kỹ thuật viên thực hiện mô hình tại xã Minh Chuẩn cho biết: “Mô hình xây dựng chưa tập trung, số hộ tham gia còn rải rác nên khó khăn cho công tác hướng dẫn và chỉ đạo. Thứ hai là, phần đối chứng của các hộ còn thấp hoặc không thực hiện nên định mức thâm canh chưa đạt, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây và hiệu quả của mô hình. Một số diện tích trồng với mật độ quá cao nên các giai đoạn sinh trưởng của cây sẽ xảy ra sự đấu tranh không gian dinh dưỡng và ánh sáng, ảnh hưởng đến sự phát triển đồng đều của cây”.
Mai Huyên
Phúc Lợi: Trồng được 333 ha rừng Năm 2009, xã Phúc Lợi (Lục Yên) được giao trồng mới 130 ha rừng kinh tế. Ngay từ đầu năm, xã đã giao kế hoạch, chỉ tiêu cụ thể tới từng thôn bản, thành lập ban chỉ đạo trồng rừng phân công cụ thể cho mỗi thành viên phụ trách thôn bản vận động bà con tận dụng hết diện tích đất hoang hóa, những diện tích vừa khai thác xong để trồng rừng. Đến nay, toàn xã đã trồng được 333,5 ha rừng, bằng 256% kế hoạch, trong đó chỉ có 50 ha bồ đề, còn lại là cây keo. Các thôn có diện tích trồng lớn như: thôn 1 Vàn, thôn 2 Túc, thôn 4 Thuồng. Trong tổng diện tích này, có 185 ha là được Dự án 661 hỗ trợ cây giống và phân bón, 18,5 ha là thực hiện mô hình keo tai tượng của Trạm Khuyến nông huyện và 130 ha còn lại là nhân dân trồng tự do.
Các tin khác
Bộ Công Thương đã thống nhất chọn dòng xe đa dụng, loại 6-9 chỗ ngồi là dòng xe chiến lược quốc gia trong phân khúc ô tô du lịch cần tập trung ưu đãi thuế để khuyến khích phát triển. Loại xe này có dung tích xilanh dưới 1,5 lít, đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 2.
Trên cơ sở đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý sáp nhập nguyên trạng Tổng công ty Muối vào Tổng công ty Lương thực miền Bắc.
3 doanh nghiệp đầu mối gồm: Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) và Công ty Xăng dầu Saigon Petro vừa có văn bản gửi Liên bộ Tài chính - Công thương đề nghị tăng giá bán xăng dầu thêm từ 500 đồng - 1.000 đồng/lít.
Ngày 14/11, Bộ NN-PTNT cho biết, Thủ tướng đã đồng ý áp dụng chính sách hỗ trợ phòng, trừ đại dịch vàng lùn và lùn xoắn lá trên lúa tại các tỉnh ở phía Bắc.