Mù Cang Chải: Phòng chống cháy rừng - nhiều vấn đề cấp bách
- Cập nhật: Thứ tư, 25/11/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Mù Cang Chải (Yên Bái) có 91% đồng bào Mông sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức về pháp luật còn nhiều hạn chế, tập quán canh tác lạc hậu, tình trạng phát nương làm rẫy còn phổ biến, người dân sống chủ yếu vào rừng và khai thác tài nguyên rừng là chính. Vì thế, công tác quản lý bảo vệ, phòng chống cháy rừng (PCCR) ở Mù Cang Chải vẫn là vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết.
Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải lập biên bản thu giữ súng săn tự chế, máy cưa xăng, búa là tang vật của lâm tặc. (Ảnh: Đức Hồng)
|
Nhiều năm nay, Mù Cang Chải luôn là điểm nóng về cháy rừng, có năm diện tích cháy lên tới 400 ha. Mùa khô hanh năm 2008 - 2009, Mù Cang Chải tiếp tục xảy ra 11 vụ cháy rừng với diện tích thiệt hại 193,5 ha. Trong đó, riêng xã Nậm Có 5 vụ với diện tích cháy lên tới 173 ha. Theo Bí thư Đảng ủy xã Nậm Có - Hàng A Sa, trong số 5 vụ cháy thì có một vụ do đốt nương, bốn vụ còn lại do người dân cố ý, đến nay vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Mù Cang Chải với 7.500 ha rừng tự nhiên và 91% là đồng bào dân tộc Mông thì 62% trong số đó vẫn thiếu đói giáp hạt từ 2-4 tháng nên đối với một bộ phận dân thì khai thác tài nguyên rừng là cách duy nhất để bảo đảm cuộc sống.
Toàn huyện có trên 1.300 ha lúa nương, trong đó có tới 70% diện tích nằm ở bìa rừng, quản lý việc đốt nương trong khi ý thức của người dân chưa cao là một trong những vấn đề rất khó. Hạt Kiểm lâm huyện đã xử lý nhiều vụ việc liên quan đến việc phát, đốt nương cháy lan vào rừng tự nhiên phòng hộ, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân mà các vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm.
Thời gian gần đây, việc phát triển cây thảo quả cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác bảo vệ rừng. Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm, diện tích cây thảo quả hiện là 800-1.000 ha. Hàng năm vào tháng 11 là mùa thu hoạch, trước đó người dân đã hạ cây rừng để chuẩn bị làm củi sấy thảo quả khi thu hoạch, việc này đang làm ảnh hưởng các khu rừng tự nhiên phòng hộ.
Ông Vàng A Lử-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: “Công tác quản lý bảo vệ rừng ở Mù Cang Chải luôn gặp nhiều khó khăn do địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, lực lượng kiểm lâm lại mỏng nên rất khó kiểm soát các hoạt động phát nương làm rẫy. Trong khi công tác này lại chưa được chính quyền xã quan tâm, nhận thức của các xã chưa cao, vẫn coi đây là việc của kiểm lâm.
Nhiều giải pháp cho công tác quản lý bảo vệ rừng ở Mù Cang Chải đã được thực hiện trong những tháng đầu năm 2009 như: tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân cùng tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; đẩy mạnh công tác xây dựng và thực hiện quy ước BVR trong cộng đồng dân cư. Việc xây dựng quy ước bảo vệ rừng theo phù hợp với điều kiện thực tế của từng xã, thôn, bản và thể chế hoá Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quản lý khai thác vận chuyển chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn”.
Lực lượng kiểm lâm luôn phải bám cơ sở vào các ngày làm việc, đến Hạt Kiểm lâm huyện thường chỉ thấy duy nhất một lãnh đạo và cán bộ văn phòng trực còn kiểm lâm viên, lãnh đạo khác nằm vùng ở các xã, thôn, bản. Không chỉ có kiểm lâm mà vào những lúc cao điểm chặt phá rừng, khai thác rừng cả chủ tịch, phó chủ tịch UBND huyện cùng các ngành chuyên môn cũng thường xuyên đi kiểm tra cơ sở.
Việc xử lý vi phạm lên quan đến công tác bảo vệ rừng cũng được huyện đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền phòng chống cháy rừng đang gặp nhiều trở ngại do các cuộc họp ở thôn người dân không đến đông đủ. Theo ông Vàng A Lử, thì kinh phí cho công tác tuyên truyền không có. Người dân trước đây đã quen đi họp theo các dự án của các tổ chức phi chính phủ là đi họp được tiền nhưng nay thì không.
Nghị quyết 30a của Chính phủ đối với 62 huyện nghèo nhất cả nước, trong đó có Mù Cang Chải có chính sách nâng mức giao khoán bảo vệ từ 30.000 đồng/ha lên 200.000 đồng/ha, đây là chính sách rất thiết thực để người dân sống gần rừng có một khoản thu nhập. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp khác cũng được Mù Cang Chải thực hiện nhằm gắn lợi ích kinh tế của người dân với rừng. Đáng chú ý là việc phát triển cây sơn tra dưới tán rừng phòng hộ, vì gần đây quả sơn tra được tiêu thụ mạnh và rất có giá trên thị trường. Năm 2009 giá sơn tra tăng gấp 3 lần so với năm 2008. Nhiều xã như Nậm Có người dân thu về hàng tỷ đồng từ hái quả sơn tra. Tuy nhiên, việc phát triển sơn tra cũng chỉ thực hiện được ở một số xã có điều kiện khí hậu phù hợp.
Công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Mù Cang Chải đang được quan tâm, nhiều giải pháp đã được thực hiện, tuy nhiên để làm tốt vẫn phải có sự tham gia của cả cộng đồng, đặc biệt chính quyền cơ sở. Huyện cần sớm có quy hoạch sản xuất nương rẫy cụ thể để phát triển kinh tế toàn diện, gắn bảo vệ rừng với lợi ích kinh tế để nâng cao đời sống, nhận thức cho nhân dân.
Anh Dũng
Các tin khác
Khách hàng sẽ được giảm giá khi mua bằng thẻ Flexicard là 350 đồng/lít đối với xăng và diezen; 250 đồng/lít đối với dầu hoả so với giá bán lẻ niêm yết.
YBĐT – Mới bắt đầu vào đầu đông, nhưng trong các vườn, triền đồi từ Cát Thịnh, thị trấn Trần Phú đến Thượng Bằng La của huyện Văn Chấn (Yên Bái) vàng rực một màu cam chín. Năm nay, người trồng cam có vẻ phấn khởi hơn năm trước bởi thời tiết thuận lợi, giá cam cũng khá hơn năm ngoái, bên cạnh niềm vui ấy, người trồng cam vẫn còn nhiều điều trăn trở.
Mở cửa giao dịch sáng nay (24.11), giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn điều chỉnh tăng mạnh 80.000 đồng/lượng so với giá đóng cửa chiều qua, cụ thể giao dịch mua bán lần lượt ở mức 28,43 và 28,53 triệu đồng/lượng.
YBĐT - Ngày 24/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo trực tuyến góp ý kiến dự thảo Luật Khoáng sản sửa đổi. Đồng chí Phạm Khôi Nguyên - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng Ban dự thảo Luật Khoáng sản chủ trì hội thảo. Cùng với 34 tỉnh, thành phố, tại Yên Bái, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì cùng lãnh đạo các Sở liên quan và các Công ty khai thác Khoáng sản trên địa bàn tỉnh tham gia hội thảo