Qua dịch lở mồm long móng ở Văn Chấn: Cần quản lý chặt chẽ nguồn cung ứng
- Cập nhật: Thứ hai, 30/11/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Những đợt dịch liên tiếp xảy ra ở Văn Chấn (Yên Bái) trong những năm gần đây cho thấy việc kiểm soát nguồn gốc cũng như chất lượng nguồn trâu, bò cung ứng cho người dân chưa được tốt.
Chăn nuôi trâu ở vùng đồng bào Dao, xã Nậm Lành (Văn Chấn).
|
Sau gần hai tháng, dịch lở mồm long móng (LMLM) ở Văn Chấn đã lan rộng ra 9 xã với 218 con gia súc mắc bệnh. Sau khi phát hiện có dịch, huyện đã nỗ lực huy động mọi nguồn lực khoanh vùng dập dịch khá hiệu quả. Đến ngày 15/11, trên địa bàn toàn huyện không phát hiện thêm gia súc bị nhiễm bệnh. Nhưng có một điều đáng nói là đã 3 năm liên tiếp Văn Chấn là “điểm nóng” của dịch LMLM. Nguyên nhân bùng phát dịch bệnh đã rõ nhưng vẫn chưa tìm ra được cách ngăn chặn hữu hiệu!
Thực hiện dự án tăng đàn trâu, bò năm 2009, cuối tháng 8/2009, huyện Văn Chấn đã nhập trâu, bò của nhà cung ứng là Công ty TNHH Thẩm Hường (huyện Trấn Yên) phân bổ cho các xã trong huyện. Số trâu, bò trên đều được kiểm dịch thú y đúng thủ tục do Trạm Thú y huyện Trấn Yên cấp. Do vậy, số trâu, bò trên được chuyển từ Trấn Yên về các xã và được giao cho các hộ dân đăng ký mua mà không có bất kỳ sự kiểm dịch nào khác và cũng “quên” luôn qua khâu nuôi cách ly để theo dõi dịch bệnh theo quy định.
Nhận về nuôi được vài ngày, một số hộ dân mới thấy trâu, bò của gia đình có triệu chứng chân đau, có nhiều dấu hiệu của bệnh LMLM nên đã báo cán bộ thú y và chính quyền địa phương. Sau vài ngày theo dõi đã xác định số trâu, bò này đã mắc bệnh LMLM. Và chỉ vài ngày sau từ mầm bệnh này đã lây lan ra đàn gia súc của người dân quanh vùng.
Tính đến ngày 17/9, toàn huyện đã có 28 thôn của 9 xã bị dịch LMLM và đã có 218 con gia súc mắc bệnh, trong đó có 82 con trâu, bò và 17 con lợn của người dân bị lây nhiễm. Như vậy, đây là năm thứ 3 liên tiếp Văn Chấn là “điểm nóng” của dịch LMLM. Điều đáng nói hơn nữa là nguồn gốc của trâu, bò mang mầm bệnh đều từ một nhà cung ứng là Công ty TNHH Thẩm Hường và huyện Văn Chấn sao lại bỏ qua khâu kiểm dịch lại và nuôi cách ly trước khi nhập đàn?
Sau khi phát hiện dịch LMLM trên địa bàn, huyện Văn Chấn đã tập trung toàn bộ nhân lực và phương tiện nhằm nhanh chóng khống chế và dập tắt dịch bệnh. Huyện thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch, bệnh do Phó chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban, cấp xã cũng thành lập ban chỉ đạo. Đồng thời, huyện chủ động lập các chốt kiểm dịch tạm thời tại các xã phát dịch, nghiêm cấm việc vận chuyển gia súc trong vùng dịch. Huy động cán bộ chuyên môn xuống cùng chính quyền sở tại và nhân dân bao vây dập dịch, hướng dẫn nông dân chữa trị. Tuyên truyền vận động nhân dân không giấu dịch, không mua gia súc mắc bệnh, sản phẩm gia súc mắc bệnh; không bán chạy gia súc mắc bệnh, không thả rông, không tự vận chuyển ra vùng dịch, không vứt xác gia súc nghi mắc bệnh LMLM bừa bãi.
Chi cục Thú y cũng tăng cường cán bộ xuống cơ sở phối hợp với Trạm Thú y và chính quyền địa phương giám sát dịch bệnh đến từng hộ dân, đồng thời tiến hành bao vây khống chế, phun hoá chất dập dịch. Đến nay, đã tổ chức tiêm 63 nghìn liều vác-xin LMLM cho toàn bộ số trâu, bò, lợn trong vùng dịch, cấp trên 2.156 lít thuốc tiêu độc, khử trùng cho các hộ chăn nuôi để phun tại chuồng, trại.
Nhờ làm tốt công tác chống dịch đến nay Văn Chấn đã cơ bản khống chế được dịch LMLM trên địa bàn. Từ thực tế nêu trên, vấn đề đặt ra lúc này là huyện Văn Chấn cần quản lý chặt chẽ nguồn cung ứng giống gia súc, nhất là trâu, bò.
Trong thời gian qua cho thấy, mỗi khi Văn Chấn nhập đàn mới thì lại mang mầm bệnh về cho địa phương khiến nhiều người dân lo nơm nớp. Để chăn nuôi an toàn, hiệu quả, huyện Văn Chấn, ngành thú y cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra phát hiện dịch bệnh; thực hiện tốt Thông tư số 22/2009/TT-BNN, ngày 28/4/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về yêu cầu con giống vật nuôi, kiểm dịch vận chuyển giống vật nuôi.
Đối với nhà cung ứng giống, cần thực hiện nghiêm Hướng dẫn số 22 về việc thu mua con giống có nguồn gốc rõ ràng và sạch bệnh. Mặc dù đến nay dịch bệnh đã được khống chế, nhưng không ai dám chắc số trâu, bò đã mắc dịch và được chữa trị kia đã khỏi bệnh thực sự!
Có nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc làm tốt công tác kiểm dịch, tiêm phòng dịch bệnh thì Văn Chấn cần tiêu huỷ toàn bộ số trâu, bò đã mắc bệnh. Bởi cho đến nay vẫn chưa có một cơ sở khoa học nào, một loại thuốc nào chữa khỏi bệnh LMLM mà chỉ làm giảm triệu chứng và khỏi về mặt lâm sàng! Bên cạnh đó cho thấy, số trâu, bò này tuy đã được tiêm phòng vác-xin LMLM nhưng việc tiêm vác-xin chỉ có ý nghĩa đối với những con khoẻ mạnh còn đối với những con vừa mắc bệnh, ủ bệnh thì tiêm phòng không có ý nghĩa đối với chủng vi rút gây bệnh.
Những đợt dịch liên tiếp xảy ra ở Văn Chấn trong những năm gần đây cho thấy việc kiểm soát nguồn gốc cũng như chất lượng nguồn trâu, bò cung ứng cho người dân chưa được tốt.
Để chấm dứt tình trạng cơ sở cung cấp giống trâu, bò gây dịch LMLM, cần có ban hành những văn bản quy định rõ hơn về trách nhiệm trong việc kiểm soát nguồn gốc cũng như chất lượng đối với nguồn gốc trâu, bò giống cung ứng cho nhân dân. Đồng thời, nếu đơn vị nào khi cung ứng giống gia súc mà gây dịch bệnh thì phải bồi thường mọi thiệt hại do trâu, bò chết cũng như chi phí cho việc triển khai hoạt động dập dịch. Nếu không, mọi hậu quả lại đổ lên vai người dân phải gánh chịu với tổn thất kinh tế rất lớn và trên diện rộng.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Cục Thống kê tỉnh Yên Bái cho biết, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2009 tăng 0,64% so với tháng trước và tăng 2,31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 217/2009/TT-BTC ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Ô-xtrây-li-a - Niu Di-lân giai đoạn 2010-2012 (thuế suất ưu đãi AANZFTA).
Đầu tháng, giá gas tăng 14.000 đồng/bình 12kg, đến ngày 11/11 giá tăng thêm 5.000 đồng/bình 12kg và cuối tháng, giá lại tiếp tục tăng 22.000 đồng/bình 12kg.
YBĐT - Ngày 28/11, tại thành phố Yên Bái đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng cung cấp thiết bị cơ điện và dịch vụ kỹ thuật giữa công ty Cổ phần thuỷ điện Văn Chấn với nhà thầu liên danh Nam Điền Phúc Kiến (Trung Quốc) và công ty ứng dụng và phát triển công nghệ (NEAD).