Văn Yên đưa nước về đồng

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/2/2010 | 8:48:37 AM

YBĐT - Những cơn mưa vừa qua được coi là “mưa vàng, mưa bạc” trên đồng đất Văn Yên, nhưng vẫn chưa đủ làm vơi đi nỗi lo của nhà nông, khi mà vụ sản xuất đông xuân đang đối mặt với hạn hán trên diện rộng. Các đập, hồ chứa nước lớn nhỏ trong huyện, mực nước chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Công tác chống hạn, giải quyết nước tưới cho vụ xuân đang được huyện đặt lên hàng đầu.

Vụ đông xuân năm nay, huyện Văn Yên phấn đấu gieo cấy 2.630 ha lúa nước với cơ cấu 60% lúa lai, còn lại là lúa thuần chất lượng cao. Để hoàn thành kế hoạch, nông dân trong huyện đã cày bừa được trên 70% diện tích và diện tích còn lại chủ yếu chưa thu hoạch cây vụ đông. Để chủ động sản xuất, các loại giống, phân bón được huyện khẩn trương chuẩn bị với nỗ lực cao nhất. Tuy nhiên, giống như nhiều địa phương khác, nhà nông Văn Yên đang phải đối mặt với khô hạn kéo dài từ nhiều tháng nay. Các hồ chứa, khe suối đều cạn nước và nhiều diện tích ruộng nứt nẻ vì thiếu nước. Văn Yên đang phải dồn hết sức để chống hạn.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Văn Yên, hơn 170 ha ruộng nước của nông dân bị hạn sẽ phải chuyển sang trồng màu. Các hồ chứa: Khe Dứa, Khe Lợ, đập Ông Chắn (Yên Phú), đập Khe Vải (Xuân Ái), Khe Trinh (An Thịnh) đều thấp hơn mặt tràn từ 1 - 3 mét. Đáng lo ngại nhất là nhiều xã không chủ động được nguồn nước như: Yên Hợp, An Thịnh, Yên Phú, Đông Cuông... Các xã này, lượng nước sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào các hồ chứa, nhưng do các hồ chứa xuống thấp nên nguy cơ hạn rất lớn. Ông Khổng Giang Lam - Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Lượng mưa trên địa bàn thấp hơn nhiều so với mọi năm. Mực nước ở các con suối, hồ, đập đều ở mực thấp. Hiện tại, có thể sẽ đủ nước gieo cấy lúa xuân và làm cỏ đợt 1. Nhưng nếu từ nay đến tháng 2, tháng 3, lượng mưa không nhiều thì diện tích hạn sẽ còn cao hơn nữa, có thể lên đến 450 ha”.

Xã Yên Hợp có diện tích hạn lớn nhất huyện với trên 20 ha, tập trung ở thôn Yên Hòa, chắc chắn sẽ phải chuyển sang trồng màu. Ông Tạ Quang Thanh - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Để chủ động chống hạn, chúng tôi đã huy động nạo vét kênh mương nội đồng, nhưng khó khăn nhất hiện nay là các công trình thủy lợi đã được tu sửa, nhưng mực nước tại các hồ chứa rất thấp, không thể dẫn nước về ruộng. Biện pháp  chống hạn của xã  là yêu cầu các hộ dân gom diện tích để gieo mạ (từ 5-7 hộ trên cùng một thửa ruộng). Cùng với đó, các gia đình phải chủ động nguồn nước để gieo mạ. Xã cũng đang làm mới kênh mương qua 3 thôn: Khe Hóp, Chè Ba, Yên Thịnh với chiều dài 1,6km. Trường hợp không thể khắc phục được để trồng lúa, xã sẽ chỉ đạo bà con chuyển sang trồng rau màu”.

Huyện thành lập Ban chỉ đạo phòng chống hạn và yêu cầu các xã chủ động vật tư, phương tiện chống hạn; thường xuyên kiểm tra tu sửa, gia cố các công trình đầu mối kênh mương dẫn nước; chỉ đạo các địa phương ra quân làm thủy lợi khơi thông dòng chảy; dự trữ, quản lý, điều tiết sử dụng nguồn nước các hồ chứa hợp lý, triệt để tiết kiệm. Công ty TNHH Đại Lợi là đơn vị đã ký hợp đồng quản lý công trình thủy lợi và cung cấp nước cho 8 xã chuyên canh lúa với diện tích trên 1.200 ha, đã có nhiều phương án để phục vụ cho cây trồng vụ đông xuân, đặc biệt là cây lúa. Theo chỉ đạo của huyện, Công ty TNHH Đại Lợi đã khẩn trương huy động lực lượng nạo vét kênh mương trọng điểm, sửa chữa máy bơm chống hạn sẵn sàng vận hành khi có yêu cầu, đồng thời điều hành hệ thống tưới chính một cách hợp lý. Đến nay, Công ty đã nạo vét, dọn được 61 công trình thủy lợi; đặt một máy bơm dầu tại xã Yên Phú; chuẩn bị mua 2 máy bơm đặt tại An Thịnh và Yên Hợp để sẵn sàng vận hành khi cần thiết. Công ty cũng bỏ ra hơn 200 triệu đồng để sửa chữa các công trình thủy lợi. Cùng với đó, để phòng chống hạn, UBND huyện chỉ đạo chỉ mở cống điều tiết nước đúng lịch gieo cấy; các xã cần xây dựng và chỉ đạo nghiêm túc, không “xé rào” gieo cấy lúa xuân để việc điều tiết nước phục vụ gieo cấy hợp lý từ khâu gieo mạ đến khâu cấy và dưỡng lúa sau này. Phòng NN&PTNT, Trạm Khuyến nông huyện chỉ đạo nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật làm mạ khay, mạ sân tránh làm mạ dược để tiết kiệm nước. Đối với những diện tích không có khả năng gieo cấy lúa xuân, huyện cũng xây dựng kế hoạch chuyển sang trồng màu, chủ yếu là trồng ngô để bảo đảm sản lượng lương thực.

Văn Thông

Các tin khác

Sau một phiên bất ngờ tăng mạnh đầu tuần, giá vàng thế giới trên sàn New York đêm qua (2/2) tiếp tục tăng do đồng USD chưa ngừng giảm so với Euro và một số đồng tiền chủ chốt khác.

Đồng chí Hoàng Thương Lượng - Chủ tịch UBND tỉnh tham quan gian hàng triển lãm tại Hội chợ Xuân 2010.

YBĐT – Tối 2/2/2010, tại Trung tâm Km 5 thành phố Yên Bái, Ban Kinh tế đối ngoại và xúc tiến đầu tư Yên Bái đã tổ chức khai mạc Hội chợ triển lãm Thương mại - Đầu tư xuân Yên Bái 2010. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng đông đảo nhân dân đã dự khai mạc.

YBĐT-Vụ xuân 2010, Yên Bái phấn đấu đưa vào gieo cấy trên 18 ngàn ha lúa xuân, nhưng mới bước vào đầu vụ sản xuất nhà nông Yên Bái phải đối mặt với hạn hán kéo dài. Song với sự chỉ đạo, nỗ lực của các cấp chính quyền và bà con nông dân cùng với những trận mưa liên tiếp trong cuối tháng 1, đồng ruộng đã “hạ nhiệt”. Những ngày này bà con nông dân các địa phương đang hối hả ra đồng tập trung gieo cấy lúa đông xuân. 

YBĐT - Ngày 2/2, Ban chỉ đạo chính sách Nhà ở – Thị trường bất động sản tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2009 triển khai nhiệm vụ năm 2010. Đồng chí Nguyễn Văn Bình – Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chính sách nhà ở, thị trường bất động sản tỉnh chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục