Khó hạ lãi suất cho vay doanh nghiệp
- Cập nhật: Thứ ba, 6/4/2010 | 1:56:14 PM
Thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ cho phép vay ngắn hạn theo lãi suất thỏa thuận đã phần nào tháo gỡ khó khăn lâu nay của doanh nghiệp và ngân hàng. Tuy nhiên, “kẻ mừng” thì ít, “người lo” thì nhiều, bởi lãi suất thoả thuận có khả năng làm khó khăn thêm cho mục tiêu hạ lãi suất cho vay mà Chính phủ yêu cầu.
|
Chính thức hóa chuyện “đi đêm”
Mới đây NHNN đã thông báo sẽ cho phép vay vốn ngắn hạn theo cơ chế thỏa thuận. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp (DN) cho rằng, lâu nay DN và ngân hàng vẫn cùng “lách” luật để được vay gói ngắn hạn theo cơ chế thỏa thuận. Bởi cả hai đều thấu hiểu những cái khó của nhau, một bên thì bị cản vì quy định chặt chẽ của việc vay có thỏa thuận và khó sinh lời vì mức trần lãi suất, một bên thì “khát” vốn ngắn hạn. Và DN và ngân hàng chấp thuận chuyện “xé rào đi đêm” bằng lãi suất thỏa thuận cao vút với hàng loạt hợp đồng 12 tháng 1 ngày đã thành gói trung hạn để được vay, v v..
Việc cho phép vay vốn ngắn hạn theo cơ chế thỏa thuận sẽ chính thức hóa việc “đi đêm” lâu nay của ngân hàng, còn với DN vẫn là mối lo vay thỏa thuận đồng nghĩa với mức lãi suất cao.
Khó hạ lãi suất?
Trước những dấu hỏi về nguy cơ lãi suất tăng cao nếu cho vay ngắn hạn theo cơ chế thỏa thuận, mới đây trả lời báo giới, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho rằng, hiện nay, lãi suất huy động và cho vay của các NHTM đang ở mức cao, xét theo lãi suất thực dương và khả năng hấp thụ của nền kinh tế. NHNN đã và đang thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để ổn định lãi suất thị trường theo xu hướng giảm dần như tích cực hỗ trợ thanh khoản đối với NHTM với kỳ hạn dài hơn, khối lượng lớn hơn so với trước đây, hỗ trợ thông qua tái cấp vốn và hoán đổi ngoại tệ, chỉ đạo các NHTM Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong cung ứng vốn và điều chỉnh lãi suất giảm dần phù hợp diễn biến nền kinh tế.
Thống đốc khá tin tưởng vào các NHTM Việt Nam, “với ý thức chính trị của mình hoạt động vì lợi ích chung của đất nước, trong đó có lợi ích của ngân hàng mình; các ngân hàng nước ngoài, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh luôn luôn đồng thuận chính sách của Chính phủ; hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy hoạt động tốt đẹp này…”.
Tuy nhiên một số DN cho rằng việc “trấn an” tinh thần này cần đi liền với thực tế. Bởi hiện nay DN vẫn phải chịu vay vốn với lãi suất cao 15-17%, thậm chí lên tới 18-20%. Với lãi suất “trên giời” này, khó có DN nào có thể sinh lời được.
Ông Nguyễn Xuân Đảng, Giám đốc công ty tái chế OTAL cho rằng, trước đây DN khó tiếp cận được vốn, nay tiếp cận vốn có phần dễ dàng hơn nhưng đổi lại DN phải chấp nhận mức lãi suất cao. Tuy vậy, mức lãi suất cao sẽ khiến nhiều DN không muốn tiếp tục mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh. DN đã vay thì buộc phải tính đến tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ, nhưng nhiều DN sẽ rất khó khăn vì hiện nhiều mặt hàng cơ bản cũng đã tăng giá. Ngay như sắt, thép, xi măng đầu tháng 4 cũng tiếp tục tăng giá khiến DN khó điều chỉnh kế hoạch kinh doanh kịp với những biến động của thị trường.
Thực tế này cũng được ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam khẳng định, trước đây DN đang được hưởng gói lãi suất có hỗ trợ của Chính phủ, nay không được hỗ trợ mà lãi suất cho vay hiện nay quá cao cộng với nhiều mặt hàng khác tăng giá khiến nhiều DN gặp khó khăn. Mặt bằng lãi suất cho vay cần được giảm xuống ở mức khoảng 10%/năm hoặc thấp hơn DN mới có thể tạo lợi nhuận và giảm giá thành sản phẩm.
Một số ngân hàng cho biết, nếu hạ lãi suất thấp hơn thì ngân hàng cũng không có lãi. Hiện lãi suất cho vay trung và dài hạn cao (17-18%) nhưng mức này lại phù hợp với mặt bằng lãi suất huy động đang áp dụng. Bởi, hiện các ngân hàng đang phải trả chi phí huy động vốn gồm lãi suất theo công bố, khuyến mãi và thưởng là trên 12% và chi phí cho vay khoảng 3%.
(Theo VNMedia)
Các tin khác
Với cáo buộc hãng xe lớn nhất Nhật Bản đã che giấu “một lỗi nghiêm trọng”, hôm 5/4, Mỹ cho biết, Toyota sẽ phải chịu án phạt 16,4 triệu USD.
YBĐT - Sặt là loài thuộc họ tre, trúc nhưng cây chỉ to hơn ngón tay cái. Ở Yên Bái, cây sặt mọc tự nhiên khá nhiều ở ngay trong nhiều khu vườn của người dân vùng đồng bằng Mường Lò, nhưng nhiều nhất là ở các vùng đồi, gò có bình độ thấp thuộc các xã Nghĩa An, Nghĩa Phúc, Nghĩa Lợi của thị xã Nghĩa Lộ, một số xã vùng trong của huyện Văn Chấn và huyện Trạm Tấu.
YBĐT - Năm 2010, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã có nhiều giải pháp tích cực nhằm cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các dự án đầu tư có hiệu quả vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Ngày 5-4, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo cung cấp điện trong các tháng mùa khô năm 2010.