"Xanh" thương hiệu, "đỏ" đảng viên

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/4/2010 | 6:55:24 PM

YBĐT - “Cũng là kinh doanh nhưng mình thích mô hình hợp tác xã hơn. “Hợp tác xã” hay “chủ nhiệm” - nghe không oai bằng “công ty” hay “giám đốc” nhưng lại giản dị, mộc mạc và gần dân lắm” - tâm sự ấy của đảng viên Lương Ngọc Chiểu - Chủ nhiệm Hợp tác xã sản xuất, chế biến chè Hương Lý (Yên Bình) đã gây ấn tượng với chúng tôi.

Chủ nhiệm Lương Ngọc Chiểu (bến trái) kiểm tra chất lượng sản phẩm chè đen. (Ảnh: Văn Thông)
Chủ nhiệm Lương Ngọc Chiểu (bến trái) kiểm tra chất lượng sản phẩm chè đen. (Ảnh: Văn Thông)

Một ngày cuối xuân, chúng tôi đến thăm xưởng chế biến chè Hương Lý khi nơi đây đang bắt đầu một niên vụ sản xuất mới.

Ấn tượng xưởng chè Hương Lý

Bước vào cổng nhà máy, chúng tôi bị thu hút bởi những tấm biển. Tấm biển thứ nhất: “Nhà máy Chè Hương Lý - công trình chào mừng Đại hội Công đoàn tỉnh Yên Bái lần thứ XVII”. Tôi và anh bạn đồng nghiệp nhìn nhau như thể cùng nhận định, trong thời buổi cơ chế thị trường, các cấp công đoàn chọn được công trình để gắn biển chào mừng đại hội đâu có dễ vậy mà một doanh nghiệp nhỏ thuộc thành phần kinh tế tư nhân lại gắn tấm biển rất trang trọng này thì thật đáng quý.


Tấm biển thứ hai: “Thông báo Hợp tác xã thu mua chè búp tươi, giá từ 3.200 đồng đến 3.400 đồng/kg”. Nếu không phải dân làm chè, không hiểu về tình hình sản xuất, kinh doanh chè thì mọi người sẽ không quan tâm đến nội dung của biển thông báo. Còn đối với những người biết về nghề chè sẽ dành sự chú ý bởi mức giá thu mua này đã cao hơn các cơ sở chế biến khác từ một trăm đồng đến bốn trăm đồng cho mỗi ki-lô-gam.

Tấm biển thứ ba: “Thay giầy, dép trước khi vào nhà xưởng”. Chúng tôi nghiêm túc thực hiện đúng chỉ dẫn. Thấy vậy, nhân viên của Hợp tác xã (HTX) ra đón khách tỏ vẻ ái ngại: “Các anh thông cảm, Chủ nhiệm đã quán triệt: chè là thứ uống vào miệng nên yêu cầu phải sạch!”.

Chủ nhiệm Lương Ngọc Chiểu niềm nở đón khách. “Rất mong thông cảm vì không tiếp các anh tại trụ sở được bởi tôi đang chỉ đạo chế biến. Đã vào cuối kỳ chè xuân nên quá trình chế biến phải khác một tí thì chất lượng mới tốt” - anh giãi bày chân tình rồi đưa chúng tôi đi thăm xưởng chế biến. “Nhà máy của chúng tôi đâu có lớn. Chỉ với ba nhà xưởng, sản lượng trên 300 tấn chè khô/năm, tài sản trên chục tỷ đồng, ba chục xã viên và hơn chục lao động thời vụ có việc làm và thu nhập ổn định. Dây chuyền cũng đơn giản, công nghệ của Liên Xô từ những năm 1960 - 1970. Máy vò thì “cơ khí ông Lê” - sản phẩm của Công ty Cơ khí Hồng Hà ở Yên Bái, Giám đốc tên Lê. Mọi người cứ nói, công nghệ là phải máy móc hiện đại, thay đổi công nghệ là phải mua những cỗ máy khác lạ. Nói vậy không sai nhưng cũng chưa đúng. Tại sao cũng máy móc đó nhưng sản phẩm chè đen mỗi cơ sở lại bán giá khác nhau và có khi hơn kém nhau đến vài nghìn đồng một cân? Xin được nói thêm, hơn kém nhau vài nghìn đồng không phải chuyện nhỏ bởi có khi, thành bại chính ở vài trăm đồng mỗi cân chè vì khối lượng rất lớn, toàn trăm tấn, nghìn tấn cả thôi. Công nghệ chế biến thì còn phụ thuộc vào tay nghề và kinh nghiệm của người thợ. Anh phải biết chè nào thì phơi héo bao lâu, thời gian vò và thời gian lên men ra sao, rồi độ ẩm và nhiệt độ nữa... Tôi không dám nhận mình tài trong lĩnh vực chế biến chè nhưng lại rất chịu đọc sách, chịu học hỏi kinh nghiệm của các anh, các bác làm trước. Riêng chuyện thu mua chè tươi với giá cao thì có thể nói thế này, ai cũng hiểu rằng, chỉ có nguyên liệu tốt mới cho sản phẩm tốt nhưng tiếc là không phải ai cũng chấp nhận chỉ mua chè tốt với giá cao về để chế biến. Chúng tôi cũng đã quan tâm xây dựng thương hiệu, từ đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn sản phẩm đến thiết kế lô-gô, nhất là bao bì đóng gói để đẩy mạnh tiêu thụ trong nước cũng như tăng cường quảng bá sản phẩm chè xanh Hương Lý qua các kỳ hội chợ”.

Trách nhiệm của người đảng viên

Chủ nhiệm Chiểu tiếp dòng câu chuyện: “Sinh năm 1955, đến năm 1989 tôi được kết nạp Đảng và chuyển Đảng chính thức đúng vào thời kỳ hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan vỡ. Lúc ấy, HTX Tân Ngoại, xã Tân Hương (Yên Bình) hết sức khó khăn. Tôi đã quyết định “bung” ra ngoài tập hợp anh em lại để giữ nghề chè truyền thống. Năm 1992 nghỉ chế độ nhưng tôi vẫn nhiệt tình tham gia công tác Đảng ở khu dân cư. Cấp trên tin tưởng, đảng viên tín nhiệm, tôi làm Bí thư Chi bộ Tổ nhân dân số 8, thị trấn Yên Bình với trên 40 đảng viên và là đơn vị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Năm 2002, Tổ hợp tác mà sau này là HTX chè Hương Lý ra đời.

Năm 2007, Ban Chấp hành Trung ương Đảng có Hướng dẫn số 164 về vai trò của tổ chức Đảng trong các HTX, Ban chủ nhiệm HTX Chè Hương Lý đã thành lập tổ chức cơ sở Đảng và là đơn vị đầu tiên, duy nhất trong số các HTX có chi bộ. Tôi là Bí thư Chi bộ kiêm Chủ nhiệm HTX. Điều đáng quý là các đảng viên dù ở vị trí nào cũng phát huy tốt tính tiền phong gương mẫu trong thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật và nội quy, quy chế, xây dựng nếp sống văn hóa cũng như đi đầu trong mọi hoạt động, phong trào thi đua. Tôi và Chi bộ thống nhất quan điểm, nguồn phát triển Đảng không thiếu nhưng không thể phát triển ồ ạt và chỉ kết nạp những quần chúng ưu tú nhất. Đặc biệt, tổ chức Đảng, tổ chức công đoàn, HTX phải lo đủ việc làm, thu nhập ổn định cho xã viên và người lao động”.

Câu chuyện với người Bí thư Chi bộ tâm huyết với công tác Đảng, người Chủ nhiệm say nghề cứ đậm đà cùng bao chuyện đời, chuyện nghề và cả chuyện thơ trong ngát hương chè xanh Hương Lý...

 Lê Phiên

Các tin khác

YBĐT - Ngày 13/ 4, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức triển khai phương án bảo đảm thông tin liên lạc (TTLL) phục vụ công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) của ngành năm 2010.

Việc hạ lãi suất giúp doanh nghiệp và người dân mạnh dạn vay vốn sản xuất kinh doanh.

Ngày 12-4, một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn (NHTM) công bố sẽ bơm mạnh tín dụng lãi suất thỏa thuận giá rẻ, dưới mức 15%/năm. Động thái này dự báo sẽ tạo làn sóng cạnh tranh giảm lãi suất trong thời gian tới.

Nếu thực hiện theo chuẩn nghèo mới hoặc bị ảnh hưởng thiên tai, mất mùa thì tỷ lệ hộ nghèo vùng này sẽ trở lại rất cao. Ảnh MQ

Một số mục tiêu quan trọng của Chương trình xóa đói giảm nghèo qua Chương trình 135 giai đoạn 2 (2006 – 2010) khó có thể đạt được, còn có những con số “chưa đủ tin cậy”.

Lãnh đạo thành phố Yên Bái, kiểm tra cơ sở sản xuất nấm của ông Vũ Hữu Lê.

YBĐT - Trong những năm gần đây, nhân dân thành phố Yên Bái đã tích cực đầu tư phát triển sản xuất nấm thực phẩm, nấm dược liệu. Riêng từ năm 2008 đến nay, thành phố có hơn 20 hộ và hợp tác xã ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến nông, lâm sản xuất nhập khẩu, tiến hành nuôi trồng nấm với quy mô lớn và tổng vốn đầu tư trên 1,5 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục