Miền Trấn Yên xanh
- Cập nhật: Thứ năm, 15/4/2010 | 9:40:39 AM
YBĐT - Huyện Trấn Yên (Yên Bái) giờ đây độ che phủ của rừng đạt 68%, người làm rừng đã sống được và làm giàu từ rừng. Trong số gần 47.000 ha rừng trong toàn huyện, đã có trên 30.000 ha là rừng trồng cây nguyên liệu giấy, quế, tre măng Bát Độ.
Người dân ở Lương Thịnh (Trấn Yên) xuất bán quế vỏ.
(Ảnh: Quang Tuấn)
|
Khoảng hơn ba mươi năm về trước, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã: Hồng Ca, Lương Thịnh, Tân Đồng, Kiên Thành... chỉ sống bằng nghề phát nương làm rẫy, xẻ gỗ rừng để kiếm sống thì giờ đây qua việc giao đất giao rừng đã tìm thấy giá trị đích thực của rừng.
Đất Trấn Yên đã đem lại sự hồi sinh mới cho người dân nơi đây, cái đói, cái nghèo dần mờ xa sau những dãy núi mà rừng đang lên xanh.
Vào trang trại của Hợp tác xã 6 - 12 ở xã Đào Thịnh, những đồi quế trên 10 tuổi, to như cột điện chen nhau vươn lên xanh ngăn ngắt quanh chân dãy Chóp Dù.
Ông Nguyễn Văn Thắng, vốn là lính xe tăng của Sư đoàn 316 ngày nào, nay là Chủ nhiệm HTX 6- 12 dẫn chúng tôi thăm rừng và cho biết: thành lập từ những năm 1991 với trên chục anh em đã qua lính, lúc đầu cũng chỉ là nhận khoán bảo vệ rừng, rồi trồng thêm lúa nương, sắn, gừng, quế, tre Bát Độ và nuôi thêm con trâu, bò, lợn, gà theo kiểu "lấy ngắn nuôi dài".
Đến nay, HTX đã có 80 ha rừng trồng, trong đó chủ yếu là cây quế và bồ đề, còn lại trồng 4 ha tre Bát Độ, 3 ha chè Bát Tiên đang cho thu hoạch. Đất rừng chẳng phụ công người, dù giá nông sản có lúc thấp lúc cao, biết nhặt thì chặt bị, mỗi năm trừ tất tần tật chi phí thì mỗi xã viên còn được 35 triệu đồng, chưa kể đến củi đun...
Anh Thắng hạch toán nhanh: tiền bán quế vỏ; tinh dầu quế tận thu từ cành và lá quế tỉa thưa; gừng củ; sắn tươi; hơn ba ha chè Bát Tiên, tết vừa rồi bán với giá 150 ngàn/kg chè búp khô mà không có đủ bán. Riêng nuôi bảy chú hươu lấy nhung, mỗi năm cắt hai lần cũng đem lại nguồn thu đáng kể. Cơ ngơi trang trại vì thế có nhà xây kiên cố, có nước sạch dẫn từ đỉnh núi về mát lạnh, điện sinh hoạt được lấy từ khe Sấu nhờ máy phát điện công suất nhỏ tự lắp.
Dù xa tỉnh lộ gần 5km, nhưng từ công sức xã viên và được Hội Cựu chiến binh tỉnh hỗ trợ 100 triệu, nay đã làm mới con đường đủ sức cho xe ô tô vào tận trang trại.
Theo ông Phạm Lâm Phóng - Phó chủ tịch UBND huyện Trấn Yên thì: mô hình trang trại tổng hợp như HTX 6 - 12 kể trên ở huyện khá nhiều, số trang trại đủ theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 74 trang trại, còn số hộ gia đình và tổ nhóm có từ 5 ha trở lên đã có hàng trăm.
Các trang trại VACR (vườn, ao, chuồng, rừng) đã đem lại thu nhập cho nông dân từ việc kết hợp trồng cây lâm nghiệp, chăn nuôi gia cầm, gia súc, nuôi cá, ba ba. Nhờ chủ động được nguồn nguyên liệu, các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng trong huyện đã phát triển lên 122 cơ sở, sản phẩm chủ yếu là gỗ xẻ thanh, gỗ bao bì, gỗ ván bóc, đũa xuất khẩu, ván dán... tạo việc làm cho gần 1.000 lao động tại chỗ.
Năm qua, doanh thu từ chế biến lâm sản là hơn 50 tỷ đồng, từng bước tạo dựng các khu công nghiệp ở trong huyện như: Hưng Thịnh, Hưng Khánh, Báo Đáp, Y Can...
Cái được ở Trấn Yên, phải kể đến cây tre măng Bát Độ. Sau những thăng trầm, giờ đây măng Bát Độ đã có một chỗ đứng xứng tầm trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của huyện. Năm 2003, Huyện ủy chủ trương trồng thử nghiệm 40 ha ở xã Kiên Thành với bao lo lắng, nào chuyện thu hồi đất lâm sinh sẽ nảy sinh kiện tụng; nào tỷ lệ giống bị chết cao do lần đầu đồng bào Tày nơi này tiếp cận cây trồng mới; nào chuyện tiêu cực trong thực hiện dự án...
Đến khi có măng thì đầu ra lại không ổn định. Đồng bào đã dọa đổ cả chục tấn măng luộc ra sân nhà Bí thư Đảng ủy xã “ăn vạ”! Khi có Công ty TNHH Vạn Đạt vào ký hợp đồng kinh tế trực tiếp với nông dân, cung ứng phân và một phần chi phí khác thì cây tre măng Bát Độ đã lên ngôi.
Riêng năm 2009, dân trực tiếp bán cho Công ty trên 9.800 tấn, giá thu mua từ 2,5 ngàn đến ba ngàn/kg măng luộc thì người dân trong vùng đã có trên 25 tỷ đồng.
Cây măng Bát Độ thành cây trồng chủ lực ở các xã: Hồng Ca, Kiên Thành, Hưng Khánh, Tân Đồng... với tổng diện tích lên đến 1.290 ha. Nhiều ngôi nhà mới với các tiện nghi sinh hoạt hiện đại ở các xã này được xây mới từ tiền bán măng tre Bát Độ và xóa đi sự nghèo đói ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài vùng hàng hóa sản xuất tập trung là tre măng Bát Độ, diện tích trồng lúa gần 2.500 ha đủ đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ. Vùng quế trên 7.000 ha với một nhà máy chế biến tinh dầu quế có vốn đầu tư 2 triệu đô la, công suất 150 tấn tinh dầu quế/năm thì cây chè vẫn gắn bó chặt chẽ với người nông dân sau cây lúa. Nòng cốt từ những đồi chè bát ngát của công ty chè Yên Bái, công ty chè Việt Cường và người dân địa phương từ chỗ "cầm tay chỉ việc" nay đã chủ động đầu tư phân bón, áp dụng tiến bộ khoa học vào thâm canh và đưa giống chè chất lượng cao vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ.
Ông Chu Quốc Tuấn, giám đốc Công ty TNHH chè Hưng Thịnh cho biết: “Tuy có tranh chấp về vùng nguyên liệu, nhưng do Công ty chủ động về vốn và có giá thu mua chè búp tươi cao hơn, nên năm 2009 chúng tôi đã chế biến hơn 1.100 tấn chè khô, doanh thu đạt trên 17,6 tỷ đồng, thu nhập của người lao động đạt 2,2 triệu đồng/người”.
Nhờ có nhiều cơ sở chế biến chè cạnh tranh, người dân trồng chè bán được giá cao, nên tiếp tục đầu tư chăm sóc diện tích chè cũ. Một số hộ ở các xã: Báo Đáp, Vân Hội, Hưng Khánh, Hưng Thịnh, Bảo Hưng, Việt Cường...mạnh dạn đầu tư giống chè chất lượng cao như chè Ô long, chè Bát Tiên, chè Phúc Vân Tiên, tạo hướng đi mới cho cây chè ở Trấn Yên với sản phẩm có giá trị cao trên thị trường trong nước.
Từ cơ chế thông thoáng, có sự liên kết ký hợp đồng giữa doanh nghiệp với người nông dân, gắn sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm một cách đồng bộ; người nông dân ở 22 xã được cán bộ khuyến nông cơ sở tận tình hướng dẫn cách áp dụng tiến bộ KHKT trong trồng gấc, dâu tằm, nuôi cá rô phi đơn tính, thâm canh trên đất dốc, trồng xen canh đậu tương với các loại cây lương thực khác... đã bước đầu tạo ra các cánh đồng có thu nhập 130 triệu đồng/năm; có 49 trang trại sản xuất tập trung nuôi lợn nái, lợn thịt, gà cho thu nhập từ 80 đến 90 triệu đồng/năm.
Bằng nhiều cách làm sáng tạo trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân; từ màu xanh của rừng, của đồi, của đồng ruộng đã tạo ra nhiều của cải vật chất, góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện hiện nay xuống còn 9,02%. Đây là những minh chứng cho sự thành công của một chính sách đúng và cơ chế thông thoáng, giúp người nông dân và các doanh nghiệp có điểm tựa vững chắc trong cơ chế thị trường, vì một xã hội no ấm và tươi đẹp hơn.
Mỹ Sinh
Các tin khác
YBĐT - Huyện Mù Cang Chải đã phát động phong trào “Phát triển xanh” giai đoạn 2010 - 2015 với nội dung “Ba xanh, năm có, năm không”.
Từ ngày 1-6, cá nhân, hộ sản xuất ở nông thôn có thể được xem xét cho vay tín chấp tối đa đến 50 triệu đồng.
Chiều 14/4, nằm trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản trong 7 ngày từ 13 – 20/4/2010, Đoàn Đại biểu Bộ Kế hoạch Đầu tư do Bộ trưởng Võ Hồng Phúc dẫn đầu đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nhật Bản Katsuya Okada tại thủ đô Tokyo.
Hiện giá cao su xuất khẩu đã đạt mức cao nhất trong vòng 2 năm qua, và vẫn đang tiếp tục đà tăng, là tín hiệu hứa hẹn một năm tăng trưởng mạnh của ngành cao su Việt Nam.