Mô hình trồng rau vụ đông ở Trạm Tấu: Cần đa dạng về giống và coi trọng tính hiệu quả
- Cập nhật: Thứ hai, 19/4/2010 | 10:07:21 AM
YBĐT - Là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, Trạm Tấu lâu nay thường xuyên thiếu rau xanh. Một câu hỏi được đặt ra là, tại sao Trạm Tấu lại không thể tự sản xuất rau xanh để phục vụ nhu cầu tại chỗ?
Mô hình trồng rau vụ đông ở Trạm Tấu thu lợi trên 30 triệu đồng/ha.
|
Năm 2006, tại xã Hát Lừu, người dân đã trồng một số loại cây rau vụ đông để tự phục vụ nhu cầu của mình và phần sử dụng không hết thì đem bán. Tuy nhiên, với 3 ha rau vụ đông khi đó, người trồng rau không bán được sản phẩm cho dù nhu cầu của thị trường hạn chế, chỉ duy có nhất một loại rau là su hào. Bởi vậy, rau không dùng hết người dân đem làm thức ăn chăn nuôi, cho hàng xóm... Vậy là từ đó trở đi, mỗi nhà chỉ trồng một vài luống vừa đủ ăn.
Mới đây, nằm trong Chương trình 30a của Chính phủ. Trạm Khuyến nông Trạm Tấu được giao xây dựng 2 mô hình trồng rau vụ đông, nhằm từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng đất và góp phần thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo nguồn sản phẩm hàng hoá có giá trị. Đây cũng là điều cần thiết để bổ sung các giống rau mầu năng suất, chất lượng tốt trong cơ cấu cây trồng của huyện. Quan trọng hơn là từng bước tạo vùng sản xuất hàng hoá, cung ứng cho thị trường tại chỗ, nâng cao thu nhập, tạo thói quen sản xuất rau vụ đông cho người nông dân.
Mô hình được triển khai tại thôn Khấu Ly, xã Bản Mù và thôn Búng Tầu, xã Hát Lừu với tổng diện tích 4ha. Mô hình được triển khai từ tháng 12/2009 và đến tháng 2/2010 thì cho thu hoạch. Kết quả, theo đánh giá của Trạm Khuyến nông huyện thật đáng ngạc nhiên. Riêng xã Bản Mù có 20 hộ tham gia với diện tích 2 ha; chi phí cho 1 ha là 26,2 triệu đồng; sản lượng thu được 10 tấn, tính theo giá thị trường khi đó thì giá trị thu được là 60 triệu đồng. Trừ mọi chi phí, người dân thu lợi nhuận 33,8 triệu đồng, cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. Mặt khác, thời vụ thu hoạch vẫn kịp thời cho sản xuất lúa vụ xuân.
Tuy nhiên, đây là cách tính của những người làm mô hình, còn thực tế thì do nhiều nguyên nhân mà lợi nhuận thu được của người nông dân không được như cách tính trên.
Chị Lò Thị Bút, thôn Búng Tầu, xã Hát Lừu là người tham gia mô hình với diện tích 700 m2. Nếu tính như trên thì vụ thu hoạch vừa qua, chị cũng thu được trên 6 triệu đồng, tuy nhiên thực tế chị chỉ thu được 1,5 triệu đồng. Theo chị, không phải toàn bộ số rau thu được đều đem bán, mà chỉ một phần rất nhỏ được bán do nhu cầu thị trường tiêu thụ su hào không lớn, rau chủ yếu sử dụng vào mục đích chăn nuôi, nhu cầu gia đình.
Đánh giá một cách khách quan thì mô hình trồng rau vụ đông đã đem lại hiệu quả nhất định. Trước đây, người dân chưa biết trồng rau xanh, hoặc rất ít người trồng, thì nay việc xây dựng mô hình với những thành công ban đầu tại xã Bản Mù và Hát Lừu đã từng bước tạo ra một thói quen trồng rau cung ứng cho nhu cầu tại chỗ.
Đến một giai đoạn nào đó, khi mà người dân đã có thể tự phục vụ cho mình và dư thừa thì chắc chắn sẽ không còn những chuyến hàng rau phải đem từ thị xã Nghĩa Lộ lên nữa. Vấn đề tiếp theo đối với những người làm công tác khuyến nông Trạm Tấu đó là cung ứng giống và cần phải có những mô hình thử nghiệm những loại giống mới, tạo ra sự đa dạng các loại rau cho thị trường sau này.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng vụ, là điều rất cần thiết đối với vùng cao Trạm Tấu. Tuy nhiên, các chương trình khi triển khai cần phải đổi mới, cần tính đến hiệu quả lâu dài, duy trì các mô hình sau khi đã được làm điểm. Một điều quan trọng khác đó là, cần tính đến hiệu quả thực tế đem lại cho người nông dân.
Anh Dũng
Các tin khác
YBĐT - Vụ xuân năm 2010, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) gieo cấy lúa xuân với cơ cấu 100% giống kỹ thuật. Thời gian qua, thời tiết khô hạn kéo dài nên toàn huyện bị khô hạn 9 ha lúa xuân.
Bộ Công Thương vừa ban hành chỉ thị nhằm đảm bảo việc cung - cầu, bình ổn giá cả mặt hàng thép, góp phần kiềm chế lạm phát trong năm 2010.
Số liệu xuất, nhập khẩu hàng hóa thực hiện quý 1/2010 vừa được Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, xuất khẩu tăng hơn cùng kỳ, thay vì giảm trong các ước tính trước đó, nhập siêu cũng giảm “căng thẳng” hơn so với con số dự kiến.
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về các giải pháp hạn chế, kiểm soát nhập khẩu nông sản, thực phẩm không cần thiết.