Văn Chấn: Kết quả bước đầu trong phát triển nền nông, lâm nghiệp bền vững
- Cập nhật: Thứ hai, 26/4/2010 | 3:41:17 PM
YBĐT - Trong 5 năm phấn đấu thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII, sản xuất nông - lâm nghiệp của huyện Văn Chấn (Yên Bái) được tỉnh đánh giá có tốc độ tăng trưởng bền vững.
Chế biến gỗ rừng trồng ở xã Cát Thịnh (huyện Văn Chấn).
|
Chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa do được tập trung đầu tư thâm canh, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hình thành rõ nét vùng sản xuất tập trung, kinh tế hộ, kinh tế trang trại... được hình thành phát triển mạnh về số lượng và chất lượng; số hộ nghèo giảm nhanh, hộ giàu tăng đáng kể.
Nhiệm kỳ 2005-2010 khóa XVIII, Nghị quyết Đảng bộ huyện Văn Chấn (Yên Bái) nêu rõ “... Tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế toàn diện, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững theo hướng CNH-HĐH. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, áp dụng KHKT tiên tiến vào sản xuất để nâng cao khối lượng và chất lượng sản phẩm hàng hóa... Phấn đấu đến năm 2010, cơ bản đưa Văn Chấn thoát khỏi huyện nghèo, đời sống nhân dân được nâng lên và cải thiện một bước quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn 2010 - 2020...”.
Từ đó, huyện xây dựng 26 mục tiêu chủ yếu đó là: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 11 đến 12% năm, trong đó nông - lâm nghiệp 7,5%, tỷ trọng nông - lâm nghiệp 34%, GDP bình quân đầu người 9,5 triệu đồng/năm; phấn đấu lương thực có hạt đạt 55.000 tấn; diện tích chè 4.100 ha sản lượng búp tươi 40.000 tấn; có 3.300 ha cây ăn quả; trồng và khoanh nuôi tái sinh rừng 4.000 ha/năm, có tỷ lệ tán che phủ trên 50%; đàn trâu bò có 35.000 con, lợn 75.000 con..., hộ nghèo giảm còn 20%.
Quá trình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, đến nay Văn Chấn đã hình thành 3 vùng sản xuất tập trung rõ nét:
Vùng 1: thâm canh 3000 ha lúa nước, trồng cây vụ đông chăn nuôi lợn và cá ruộng.
Vùng 2: gồm 9 xã, thị trấn vùng ngoài, chủ yếu trồng, chế biến chè và trồng cây lâm nghiệp giấy sợi.
Vùng 3: 18 xã vùng cao tập trung trồng và bảo vệ rừng, chăn nuôi đại gia súc và phát triển chè đặc sản Shan tuyết.
Trong 5 năm phấn đấu thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII, sản xuất nông - lâm nghiệp của huyện được tỉnh đánh giá có tốc độ tăng trưởng bền vững, chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa do được tập trung đầu tư thâm canh, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hình thành rõ nét vùng sản xuất tập trung, kinh tế hộ, kinh tế trang trại... được hình thành phát triển mạnh về số lượng và chất lượng; số hộ nghèo giảm nhanh, hộ giàu tăng đáng kể.
Mục tiêu phát triển cây lương thực đạt kết quả rõ nét. Vùng lúa chất lượng cao đã hình thành hàng năm và được mở rộng diện tích, năng suất mỗi năm một tăng và có giá trị trên một đơn vị diện tích ngày một cao. Năm 2005, diện tích lúa xuân đạt 3.000 ha (năng suất 50 tạ/ha); vụ mùa cấy gần 4.000 ha (năng suất 42 tạ/ha), năng suất cả năm đạt 92 tạ/ha. Năm 2009, lúa xuân cấy 3.900 ha năng suất 55,34 tạ/ha, vụ mùa 4.071 ha, năng suất 46,6 tạ/ha, năng suất cả năm 101,94 tạ/ha. Giống lúa chất lượng cao, chiếm tỷ lệ gần 90% Văn Chấn không những đã cân đối đủ lương thực tiêu dùng mà hàng năm còn xuất đi các tỉnh gần 4.000 tấn.
Việc tăng vụ, tăng hệ số sử dụng đất được huyện chỉ đạo quyết liệt, từ 2 vụ lên 3 vụ và năm 2005 đạt gần 1.000 ha thì năm 2007 đạt 1.850 ha, năm 2009 đạt 2.100 ha, chủ yếu là cây ngô, khoai tây... Các xã vùng cao việc chuyển đổi cây trồng, tăng vụ đã có chuyển biến tích cực: năm 2005 làm tăng vụ được 81 ha, năm 2007 đạt 120 ha, năm 2009 đạt 800 ha. Cây đậu tương, lạc, đậu đỗ các loại... trồng thuần, trồng xen, trồng gối vụ, được đẩy mạnh góp phần tăng hệ số sử dụng đất, cải tạo đất trồng và tăng thu nhập cho nông dân.
Cây chè được xác định là cây chủ lực của huyện, được chú trọng mở rộng diện tích bằng các giống có năng suất, chất lượng cao, tích cực thay thế diện tích chè trung du, giống năng suất, chất lượng thấp. Mỗi năm, huyện trồng mới, cải tạo từ 250 ha đến 300 ha. Năm 2005, toàn huyện có gần 3.000 ha chè thì năm 2009 đã có 4.330 ha, sản lượng chè búp tươi gần 40.000 tấn, năng suất đạt trên 85 tạ/ha. Các xã vùng cao đẩy mạnh trồng chè Shan tuyết và trong 3 năm, xã Nậm Búng trồng 176,5 ha, xã Gia Hội trồng 100 ha, xã Sơn Lương trồng 50 ha...; 100% là giống chè Shan tuyết. Các xã vùng cao có 987 ha chè cổ thụ được chăm sóc, bảo vệ tốt và phần lớn đã có cơ sở thu mua, chế biến chè như Suối Giàng, Nậm Mười, Nậm Lành... tạo động lực cho nhân dân tích cực trồng mới chăm sóc, bảo vệ thu hái chè búp bán cho Nhà nước mỗi năm một tăng.
Thu hái chè Shan tuyết ở xã Suối Giàng (Văn Chấn).
Diện tích cây ăn quả của Văn Chấn có trên 3.000 ha chủ yếu là cam, quýt, hồng... được trồng bằng giống mới, có sản lượng quả mỗi năm trên 10.000 tấn đã đem lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân.
Về lâm nghiệp, đã kết hợp giữa trồng rừng với khoanh nuôi bảo vệ và những năm gần đây, việc khai thác, chế biến gỗ rừng là chủ yếu. Việc giao đất, giao rừng khoán đến hộ, nhóm hộ, giúp công tác bảo vệ rừng được tốt hơn; phong trào trồng cây lâm nghiệp xã hội được đẩy mạnh; thay đổi tư duy, trồng rừng vụ thu kém hiệu quả sang trồng rừng vụ xuân.
Phát triển chăn nuôi của huyện đã có những kết quả khá hơn trước và toàn diện. Tổng đàn gia súc toàn huyện có gần 120 ngàn con, trong đó đàn trâu, bò, ngựa chiếm 34%, đàn lợn gần 65%. Hiện nay, huyện có 10 trang trại chăn nuôi lợn thịt, 5 trang trại nuôi lợn nái, 4 trang trại nuôi gia cầm và có hàng trăm hộ chăn nuôi quy mô lớn có trên 80 hộ nuôi ba ba, nuôi nhím, hươu, có
hộ đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Chăn nuôi thủy sản được đẩy mạnh, có 270 ao hồ nuôi cá giống mới có hiệu quả, phong trào nuôi cá ruộng phát triển mạnh ở vùng thấp.
Có được kết quả đó là do huyện luôn quan tâm đến công tác bồi dưỡng kiến thức cơ bản về sản xuất nông - lâm nghiệp cho hộ nông dân, trưởng thôn bản các chủ trang trại. Những mô hình sản xuất có hiệu quả được áp dụng mở rộng. Các lĩnh vực như khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật, kiểm lâm... thường xuyên sâu sát cơ sở để chỉ đạo chuyên môn, tháo gỡ khó khăn tại cơ sở. Mỗi năm đã tổ chức được từ 5.000 đến 7.000 lượt người bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ. Các chương trình, dự án được đầu tư trọng tâm, trọng điểm.
Huyện luôn coi trọng việc xây dựng HTX nông nghiệp, HTX tín dụng, mô hình trang trại nông - lâm nghiệp... Đến nay, huyện đã có gần 70 HTX nông lâm nghiệp, tín dụng và HTX dịch vụ... Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn có những chính sách ưu đãi vay vốn cho nông dân, HTX nông lâm nghiệp để mở rộng sản xuất, đầu tư chiều sâu.
Văn Chấn đã được tỉnh quan tâm và huyện đã có chính sách, giải pháp thiết thực giúp nông dân, các HTX về vốn, giống cây trồng vật nuôi, vật tư nông nghiệp; có sự quan tâm đặc biệt đến hộ nghèo, hộ chính sách, cơ sở khó khăn và đặc biệt là 15 xã đặc biệt khó khăn. Nhiều năm nay, các xã đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 100% phân bón, bình quân 750.000 đồng/ha; xây dựng 15 tủ thuốc, trị giá 2,5 triệu đồng/tủ. Những hộ chuyển đổi đất nông nghiệp sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây màu, cây ngắn ngày, nuôi thủy sản... được hỗ trợ 20 triệu đồng/ha. Từ năm 2005 lại đây, mỗi năm huyện hỗ trợ hàng ngàn con trâu, bò (năm 2008 là 2.058 con) cho các hộ nghèo hộ thiếu gia súc cày kéo.
Huyện đã cùng chính quyền xã, thị trấn nhiều năm nay đã thực hiện chủ trương liên kết “4 nhà”, liên doanh liên kết giữa xã, thị trấn, các HTX với các công ty chè, lâm trường, các cơ quan KHKT ban, ngành của tỉnh để đầu tư, hỗ trợ cây con giống, vật tư và đặc biệt là đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất. Thực hiện tốt công tác định canh định cư ở 18 xã vùng cao, huyện đã xây dựng được một số cụm dân cư tập trung cho xã vùng cao, đầu tư đồng bộ các cơ sở hạ tầng, bố trí đất sản xuất hợp lý như các khu dân cư ở Suối Giàng, Sùng Đô, An Lương, Suối Quyền... Đồng thời, huyện đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, đến nay, 31/31 xã thị trấn có đường ô tô đến trung tâm; hộ dùng điện lưới quốc gia chiếm 93%; các xã, thị trấn có công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu chủ động; cơ sở học tập, tủ sách pháp luật và nông nghiệp hầu hết được hình thành tại các cơ sở...
Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, năm 2007 còn 34,7% thì năm 2008 giảm còn 27,3%, năm 2009 hộ nghèo còn 21,67%, thu nhập bình quân đầu người 9 triệu đồng/năm, lương thực 365 kg/năm.
Với những giải pháp thiết thực và chỉ đạo sâu sát của huyện Văn Chấn, tin chắc rằng, huyện sẽ tiếp tục phát triển đi lên toàn diện, góp phần nhanh chóng xóa đói nghèo để thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trên địa bàn huyện.
Hoàng Hữu Nghiêm
Các tin khác
Mấy ngày qua, hàng trăm hành khách Jetstar Pacific Airlines phải chịu cảnh "ăn chực nằm chờ" vì hoãn chuyến. Đội bay 6 chiếc của hãng có lúc chỉ còn 3 vì bảo dưỡng định kỳ hoặc bị sự cố kỹ thuật.
YBĐT - Để hoạt động thu ngân sách đạt kết quả cao, hàng năm, Chi cục Thuế huyện Lục Yên (Yên Bái) đã chỉ đạo hoạt động nghiệp vụ quản lý tốt các nguồn thu từ việc kiểm tra lại toàn bộ số hộ kinh doanh, công tác điều hành ngân sách và các nguồn thu khác đều được quản lý qua hệ thống vi tính hoá, công khai minh bạch các khoản thu... đã góp phần chống tiêu cực trong quản lý, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.
YBĐT - Tỉnh Yên Bái có 5 khu và 20 cụm công nghiệp tập trung với tổng diện tích đất quy hoạch trên 2.000 ha. Ngoài ra, còn có 53 dự án đầu tư xây dựng hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp với số vốn đầu tư lên đến trên 2.300 tỷ đồng.