Sản xuất công nghiệp ở Yên Bái: Ba nghìn tỷ khó thành hiện thực
- Cập nhật: Thứ hai, 7/6/2010 | 9:08:25 AM
YBĐT - Gần nửa chặng đường của năm kế hoạch 2010 đã kết thúc nhưng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Yên Bái đạt thấp và đang có chiều hướng giảm dần. Giá trị sản xuất tháng 5/2010 ước đạt 204,4 tỷ đồng, luỹ kế ước đạt 931 tỷ đồng, bằng 32% kế hoạch năm...
Bài toán ưu tiên điện của ngành công thương chỉ áp dụng được cho những nhà máy quy mô lớn như Xi măng Yên Bình, Xi măng Yên Bái, YBB...
|
Trong đó: công nghiệp Trung ương đạt 75,8 tỷ (5 tháng đạt 328 tỷ), công nghiệp địa phương đạt 123,9 tỷ (5 tháng ước đạt 586 tỷ); công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 5 tháng mới đạt giá trị 16,23 tỷ đồng.
Một số sản phẩm chủ lực tuy đã tăng mạnh nhưng cũng chỉ đạt trên dưới 30% như xi măng - clanhker 391 ngàn tấn, bằng 32,6% kế hoạch; giấy đế 7,988 ngàn tấn, bằng 38% kế hoạch; giấy vàng mã ước đạt 2,769 ngàn tấn, bằng 39% kế hoạch; chè chế biến 4.073 tấn, bằng 18% kế hoạch. Trong khi đó, nhiều sản phẩm giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước và kế hoạch giao như: điện thương phẩm ước đạt 51,3 triệu Kwh, bằng 9,33% kế hoạch và giảm 74% so với cùng kỳ năm trước; tinh bột sắn 8,85 ngàn tấn, bằng 38% kế hoạch; quặng sắt ước 18,4 ngàn tấn, bằng 6,16% kế hoạch và giảm 32,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn vào các con số nói trên thì mục tiêu năm 2010 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 3.000 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2009 rất khó thành hiện thực.
Sản xuất điện và điện cho sản xuất là những vấn đề, những nguyên nhân ảnh hưởng đến giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh 5 tháng đầu năm. Được xác định là ngành kinh tế quan trọng với những nhà máy đã đi vào sản xuất ổn định như: Thác Bà, Nậm Đông, Nậm Tục và tới đây là Ngòi Hút, Hồ Bốn, Mường Kim... nhưng thời tiết cuối năm 2009 và từ đầu năm đến nay hạn gay gắt, mực nước hồ Thác Bà xuống thấp, nguồn thuỷ năng của Nậm Đông, Nậm Tục cũng cạn kiệt nên sản lượng điện thương phẩm giảm đến 74% so với cùng kỳ.
Bước sang tháng 5 trời đã có mưa nhưng lượng không đáng kể nên mực nước hồ Thác Bà vẫn chưa lên, trong khi các nhà máy thuỷ điện còn lại không có hồ chứa nước nên nắng nóng mấy hôm lại “đói” nước. Sản xuất điện khó khăn nên điện cho sản xuất thiếu trầm trọng. Trong bối cảnh thiếu nguồn, ngành điện chỉ còn biện pháp cuối cùng là cắt điện luân phiên với lịch cắt ngày một dày thêm đã khiến nhiều doanh nghiệp khốn đốn.
Bài toán ưu tiên điện cho sản xuất mà ngành công thương đưa ra cũng chỉ áp dụng được tại khu công nghiệp, những nhà máy quy mô lớn như Xi măng Yên Bình, Xi măng Yên Bái, Liên doanh Cac bon nat Can xi YBB và một số nhà máy chè; hàng trăm doanh nghiệp còn lại sử dụng lưới điện chung với điện chiếu sáng, điện sinh hoạt dân cư nên việc tách lưới ưu tiên rất khó khăn, đòi hỏi chi phí lớn, nhiều thời gian cũng như thao tác, vận hành đóng, cắt của công nhân điện. Vậy là xưởng gỗ, xưởng giấy, xưởng chè nằm tận trong xã, trong thôn mất điện liên miên, công nhân nghỉ việc dài dài.
Ông Trần Anh Đức, chủ một xưởng chế biến gỗ ở Trấn Yên, cho biết: “Hàng gỗ bóc giá ổn và bán chạy lắm, nắng to thế này phơi lại nhanh khô nhưng không điện thì máy nghỉ, thợ nghỉ, chủ cũng nghỉ luôn. Bố trí làm đêm hoặc tăng năng suất những hôm có điện cũng chỉ ở mức độ nhất định. Làm khuya quá thì ồn mà tăng công suất thì vẫn máy ấy, người ấy chẳng có cách gì để bù lại điện hôm có, hôm không”. Anh Nguyễn Văn Toàn - chủ một cơ sở chế biến chè ở Văn Chấn thì phàn nàn: “Người làm gỗ, làm gạch không có điện thì nghỉ cho khoẻ, gỗ chưa mục, đất, than vẫn nguyên, riêng ngành chè thì khác, chè thu mua rồi mà không đưa vào chế biến chắc chắn ôi thiu, ảnh hưởng đến chất lượng; nếu máy đang vò, đang sao mà mất điện thì đảm bảo những sản phẩm đó chỉ làm.... phân bón cho cây trồng”.
Bên cạnh những doanh nghiệp, những sản phẩm gặp khó khăn vì thiếu điện là những đơn vị, những mặt hàng được kỳ vọng nhiều cũng đang khai thác, sản xuất và tiêu thụ kém trong đó phải kể đến tinh bột sắn, khai thác đá, quặng sắt....Khó có thể hình dung hàng trăm cơ sở băm sắn rồi đưa vào lò sấy, hàng làm ra đến đâu tiêu thụ hết ngay đến đó khiến cả người trồng, người chế biến và nhà buôn mừng vì ăn nên làm ra trong khi các nhà máy quy mô lớn, hưởng nhiều sự quan tâm, giúp đỡ lại đang khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Tình cảnh các doanh nghiệp khai thác quặng sắt còn bi đát hơn. Lối làm ăn theo kiểu phong trào đang phải trả giá, hàng chục điểm mỏ hoặc khai thác cầm chừng, hoặc án binh bất động bởi một lẽ đơn giản, hàm lượng quặng của ta rất thấp (chủ yếu trên dưới 40%) thì không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, càng không đủ tiêu chuẩn để đưa vào lò luyện gang, trong khi đào được một mét khối quặng lên xe ô tô nhà đầu tư phải đào ít nhất 9 mét khối đất đá. Một vấn đề không thể không nhắc đến là ngày 30/6 đang đến rất gần, đây là thời hạn cuối cùng cho các cơ sở sản xuất giấy đế đảm bảo hệ thống xử lý và mức độ chất thải của mình hợp chuẩn với các quy định về bảo vệ môi trường, nếu cơ sở nào không thực hiện sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh, đóng cửa nhà máy.
Trong bối cảnh khó khăn của ngành công nghiệp đòi hỏi phải có những giải pháp mạnh từ nội lực doanh nghiệp đến các ngành chức năng. Cần phải hiểu rằng tình trạng thiếu điện từ tháng 2 đến tháng 6 đã diễn ra từ nhiều năm qua và chưa thể giải quyết trong một vài năm tới.
Bên cạnh việc các doanh nghiệp chủ động nguồn như đầu tư mua máy phát điện là việc gom các cơ sở chế biến gỗ, giấy, chè... thành những cụm công nghiệp, làm như vậy sẽ thực hiện được việc ưu tiên cấp điện, dễ dàng hơn trong việc bảo vệ môi trường, quản lý nhà nước... Khi các dự án thuỷ điện như Văn Chấn, Ngòi Hút... đi vào sản xuất, công suất của các nhà máy thuỷ điện của Yên Bái (trừ Thác Bà) đã trên 100MW, sản lượng ấy đáp ứng đủ nhu cầu dùng điện của cả tỉnh.
Nên chăng, chúng ta lập phương án ưu tiên cho nền sản xuất tỉnh nhà, không hoà vào lưới điện quốc gia khi chúng ta đang quá thiếu điện? Dù sao đó cũng là giải pháp lâu dài, còn trước mắt không cách gì khác hơn là tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, nhất là các sản phẩm chủ lực như xi măng, bột đá, gỗ rừng trồng, chè... để bù đắp những thiếu hụt mà 5 tháng đầu năm để lại.
Lê Phiên
Công nhân Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn phấn đấu đạt doanh thu 140 tỷ đồng năm 2015.
Ảnh: đức toàn
Các tin khác
Bộ Công thương đã phê duyệt danh sách 228 doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của năm 2009.
Bộ Thông tin - Truyền thông vừa xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về mô hình tổ chức các NXB và lộ trình thực hiện Luật Doanh nghiệp 2005.
Đó là khẳng định của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tại hội thảo bên lề Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á (diễn ra trong hai ngày 6 và 7-6) vào ngày 5-6.
Tại hội nghị triển khai công tác quản lý điều hành giá năm 2010 do Bộ Tài chính tổ chức ở Đà Nẵng ngày 4-6, cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa khẳng định: để chấn chỉnh tình trạng tăng giá bất hợp lý, nhiều mặt hàng thép, gas, thuốc tây... sẽ phải đăng ký giá.