Đổi thay ở Bản Mù

  • Cập nhật: Thứ hai, 14/6/2010 | 2:52:03 PM

YBĐT - Xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) có 8 thôn, bản, trong đó thôn Giàng La Pán có 99/100 hộ đồng bào công giáo. Cách đây chừng 10 năm, vì chưa có đường giao thông thuận tiện, chưa có điện lưới quốc gia nên người dân Bản Mù đời sống khó khăn và có thời điểm như năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 80%. Khó khăn chồng chất khó khăn song Bản Mù đã từng bước phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, dần dần đổi thay.

Đồng bào Mông xã Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu) tham gia khai hoang làm ruộng bậc thang tại khu vực thôn Mo Nhang.     (Ảnh: Mạnh Cường)
Đồng bào Mông xã Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu) tham gia khai hoang làm ruộng bậc thang tại khu vực thôn Mo Nhang. (Ảnh: Mạnh Cường)

Tranh thủ ngoại lực

Đồng chí Giàng A Phông - Bí thư Đảng bộ xã Bản Mù cho biết: “Năm 2005, thôn Giàng La Pán có 3 hộ di cư bất hợp pháp vào tỉnh Đắc Lắc. Không biết những hộ ấy vào đó có sung túc hơn không nhưng năm 2006, một bộ phận người dân Giàng La Pán cũng có ý định di theo. Trước tình hình này, Đảng bộ xã đã báo cáo Huyện ủy - HĐND - UBND huyện. Ngay lập tức, huyện thành lập đoàn công tác lên cắm bản, vận động, giải thích rõ những khó khăn mà đồng bào sẽ gặp phải khi di cư bất hợp pháp… Nỗ lực vận động, Giàng La Pán đã bình yên trở lại và đồng bào yên tâm xây dựng cuộc sống”.

Có đoàn công tác của huyện, Đảng bộ xã đã vận động nhân dân thẳng thắn trình bày những khó khăn. Mỗi người một ý kiến nhưng phần lớn là khó khăn không có đường giao thông thuận tiện, hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ được hoặc mỗi lần đi nhận hỗ trợ của Nhà nước từ huyện về thôn mất 4 - 5 giờ đi bộ; thiếu công trình thủy lợi, khó khăn cho sản xuất… Tiếp thu ý kiến, Đảng bộ huyện Trạm Tấu đã kịp thời có những chủ trương, quyết sách đúng đắn đối với Bản Mù. Từ các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, các hạng mục công trình được đầu tư xây dựng như: mở đường ô tô lên trụ sở UBND xã, xây dựng cầu cống, kênh mương, trường lớp học… Bí thư Đảng bộ xã Bản Mù cho biết thêm: “Các chương trình đầu tư của Đảng và Nhà nước đã thật sự mang đến cơ hội cho Bản Mù vượt khó đi lên”.

Phát  huy nội lực

Có kế hoạch phát triển giai đoạn 2006 - 2010, Đảng bộ xã Bản Mù đã huy động tối đa nguồn lực sẵn có của địa phương. Trước hết là “đánh”  vào tâm lý của đội ngũ đảng viên trong việc nêu cao tinh thần tiên phong gương mẫu thực hiện các nhiệm vụ. Đồng chí Cứ A Trang - Bí thư Chi bộ thôn Giàng La Pán khẳng định: “Những đảng viên công giáo trong Chi bộ được phân công cụ thể phụ trách từng chòm dân cư, qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời phản ảnh lên cấp ủy Đảng, thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa Đảng với dân”.

Anh Vàng Tế Phử - Trưởng thôn Giàng La Pán phấn khởi: “Sự nhiệt tình, gần dân của đảng viên công giáo đã giúp một số hộ trước đây có ý định di cư như hộ anh Cứ A Của, Mùa Vảng Di đã yên tâm ở lại, tích cực lao động, đời sống nay đã khá hơn”. Đồng chí Sùng A Lù - Chủ tịch UBND xã Bản Mù cho biết: “Khi thực hiện các chương trình đầu tư của Nhà nước cũng như của tỉnh, xã đã xây dựng chương trình hoạt động cụ thể để cán bộ, đảng viên và nhân dân thống nhất trong việc giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công các tuyến đường, góp phần thay đổi diện mạo của địa phương”.

Bản Mù đổi thay

Bí thư Đảng bộ xã Bản Mù vui mừng: “Bản Mù nay đã sáng rồi! Không chỉ sáng điện lưới quốc gia mà sáng từ đường lối của Đảng đến sáng cả lòng dân”. Từ 3 chi bộ trực thuộc Đảng bộ phải sinh hoạt ghép năm 2005, đến nay đã có 9 chi bộ với 70 đảng viên. Hàng năm, có 100% cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó 40% đạt trong sạch vững mạnh; đảng viên đủ tư cách, hoàn thành nhiệm vụ đạt trên 90%, trong đó 15% hoàn thành xất sắc nhiệm vụ.

Trong sản xuất nông nghiệp, diện tích lúa xuân từ 30,6 ha năm 2005 tăng lên 80 ha năm 2009; diện tích lúa mùa từ 126 ha lên 155 ha; cây ngô từ 120 ha lên 186,55 ha. Từ năm 2006 - 2009, địa phương trồng mới 400 ha rừng, đưa độ che phủ lên 48%, vượt 10% nghị quyết. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 78,75% năm 2005 xuống còn 59,27% năm 2009. Giáo dục tiến bộ, hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ và đạt chuẩn giáo dục trung học cơ sở.

Bà Tráng Thị Mỷ - người dân thôn Giàng La Pán năm nay gần 60 tuổi hoan hỉ: “Trước đây, cán bộ huyện lên họp dân, bảo mở đường cho đồng bào, chúng tôi không tin lắm, hỏi đường lên bản mình núi cao vực sâu, dân cư lại ít, Nhà nước liệu có làm nổi. Vậy mà bây giờ, Đảng và Nhà nước đã làm thật rồi, cứ như là ngủ mơ vậy…”.

Chị Sùng Thị Mò thì bảo: “Trước đây, từ bản xuống trụ sở UBND xã phải mấy hơn 3 giờ đồng hồ đi bộ. Bây giờ, có đường, con trai đã mua được xe máy, muốn xuống trụ sở chỉ mất hơn 40 phút một tý. Nhà nước cho gạo, cho phân bón, cả bản lấy xe máy đi chở. Buổi sáng, trẻ con chưa đi học về thì người lớn đã mang được gạo, được phân bón, giống ngô về đến nương rồi”. Bản Mù đã khoác lên mình tấm áo mới khi tuyến đường thông sang Làng Nhì hoàn thành, riêng năm 2009 mở mới hơn 15 km đường giao thông liên thôn, bản từ hỗ trợ 30 triệu đồng/km của Nhà nước. Phong trào xây dựng làng bản văn hóa được đẩy mạnh.

Từ xã “trắng” nhà vệ sinh thì đến năm 2010, đã có 63 hộ làm nhà vệ sinh, 22 hộ làm nhà tắm, 142 hộ làm chuồng lợn, 65 hộ làm chuồng gia súc. Giờ Bản Mù có 4/8 thôn có điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ nghe đài, xem truyền hình 45%; 55 hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà theo Quyết định 167.

Khó khăn chưa hết nhưng chắc chắn một điều, đường lối đổi mới của Đảng sẽ tiếp tục dệt tấm áo mới cho Bản Mù.

Phương Thùy

Các tin khác
Khai thác, chế biến và tiêu thụ gỗ rừng trồng đã đóng góp quan trọng cho kết quả thu ngân sách tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Quang Thiều)

YBĐT - Đến hết tháng 5, Chi cục Thuế thành phố Yên Bái thực hiện thu cân đối ngân sách đạt 61,37 tỷ đồng, bằng 54% dự toán cả năm và bằng 48% dự toán phấn đấu của thành phố, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2009.

Công nhân Công ty Điện lực Yên Bái sửa chữa bảo dưỡng đường điện.

YBĐT - Hiện nay, điện lưới quốc gia đã phủ kín 100% các thôn, bản của huyện Trấn Yên (Yên Bái), trong đó 97% số hộ được sử dụng điện. Có điện lưới đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng thiếu điện đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. Giải bài toán thiếu điện không phải chỉ riêng ngành điện, mà đó là vấn đề của toàn xã hội.

Rừng trồng mới ở xã Phúc An (Yên Bình).

YBĐT - Năm 2010, huyện Yên Bình (Yên Bái) có kế hoạch trồng mới 2.600 ha rừng, trong đó nhân dân 21 xã, thị trấn đăng ký trồng rừng sản xuất tập trung 1.600 ha (Dự án 661 hỗ trợ các xã vùng thấp 1,5 triệu đồng/ha, các xã vùng III là 2 triệu đồng/ha).

YBĐT - Từ năm 2007 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ 40 máy làm đất cho nông dân các huyện: Văn Yên, Lục Yên, Trấn Yên và thành phố Yên Bái. Trong đó, năm 2007 hỗ trợ 13 máy, năm 2008 hỗ trợ 9 máy, năm 2009 hỗ trợ 8 máy và năm 2010 hỗ trợ 10 máy.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục