Đậu tương xanh đất một vụ
- Cập nhật: Thứ tư, 16/6/2010 | 3:15:10 PM
YBĐT - Là một tỉnh miền núi, Yên Bái có hàng ngàn ha ruộng bậc thang. Hàng năm có khoảng 30% ruộng này được người dân cấy hai vụ, số còn lại bỏ hoang vụ chiêm do thiếu nước, không muốn làm, làm không được ăn, sợ trâu bò phá.
Cán bộ khuyến nông hướng dẫn nông dân thu hoạch đậu tương.
|
Đây là sự lãng phí tiềm năng đất đai của người dân vùng cao, trong khi cuộc sống của người dân đang gặp rất nhiều khó khăn. Đưa cây đậu tương vào đất một vụ chính là một cách góp phần giải bài toán kinh tế cho vùng cao, giúp người dân thoát đói nghèo.
Ruộng bậc thang là kiểu canh tác lúa nước trên địa hình đồi núi với một hệ thống thuỷ lợi khá hoàn chỉnh. Đây cũng là kỳ tích của người vùng cao. Nhờ có ruộng bậc thang mà người dân nơi đây mới ổn định cuộc sống, hạn chế tình trạng du canh du cư và tệ phá rừng làm nương rẫy.
Tuy nhiên, phần lớn ruộng bậc thang ở vùng cao Yên Bái chỉ cấy được một vụ do thiếu nước, đến vụ chiêm hàng ngàn ha bị bỏ hoang. Khai thác diện tích ruộng một vụ ở vùng cao từ lâu đã được các nhà quản lý và khoa học đưa ra, nhiều mô hình canh tác trồng ngô, đậu, lạc, khoai lang... đã được đưa vào trồng thử nghiệm và có kết quả khả quan nhưng các mô hình đó chưa được mở rộng và sản phẩm của người dân làm ra chưa thành hàng hoá, mới chỉ dừng lại ở mức độ tự cung tự cấp.
Vừa qua (ngày 10 – 11/6), tại huyện Văn Chấn, Trung tâm Chuyển giao công nghệ & khuyến nông (Viện Cây lương thực và thực phẩm) tổ chức Hội nghị đánh giá mô hình sản xuất đậu tương xuân trên ruộng bậc thang một vụ. Đây là mô hình rất khả quan nhằm tăng chu kỳ khai thác đất dốc để sản xuất nông nghiệp của đồng bào địa phương, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất trên ruộng bậc thang, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân trong vùng.
Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông hướng dẫn bà con xã Tú Lệ cách trồng và chăm sóc đậu tương trên ruộng bậc thang.
Từ vụ xuân năm 2009, Trung tâm đã đưa 15 giống đậu tương vào trồng ở 4 xã vùng cao là Nậm Có, Púng Luông thuộc huyện Mù Cang Chải; Tú Lệ, Nậm Lành thuộc huyện Văn Chấn với diện tích 8 ha. Lý do chọn 4 xã vùng cao để xây dựng mô hình trồng đậu tương trên đất ruộng một vụ là diện tích ruộng một vụ ở các xã này lớn, điều kiện thời tiết, đất đai và trình độ canh tác của người dân khác nhau, nhưng năng suất đều đạt từ 17- 19 tạ/ha. Vụ xuân năm 2010 này, Trung tâm Chuyển giao tiếp tục mở rộng diện tích lên 18 ha ở 4 xã trên. Cùng với đó, Trung tâm đưa 20 giống đậu tương khác nhau lên thử nghiệm gồm: Đ8, ĐT20, DT84, AK03, VX93, ĐVN6, ĐVN9, ĐVN10... với 140 hộ thuộc các dân tộc Mông, Thái, Tày, Dao cùng tham gia.
Tiến sỹ Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm cho biết: “Chúng tôi đưa nhiều giống đậu tương lên đất ruộng một vụ để bà con lựa chọn giống đậu tương cho phù hợp với đất của gia đình. Điều kiện thời tiết vụ xuân ở vùng cao rất phù hợp với cây đậu tương, mà một số năm triển khai mô hình đã khẳng định. Như vậy, việc phát triển cây đậu tương trên đất ruộng một vụ không chỉ tận dụng được tài nguyên đất mà còn giúp người dân có thu nhập bền vững”.
Chị Hoàng Thị Giá ở bản Phạ, xã Tú Lệ cho biết: "Gia đình có 1.000 m2 ruộng ở khu vực ruộng đấu thầu Phá Lai, vì không có nước nên hàng năm đến vụ xuân thường bỏ hoang cho lũ trẻ thả trâu, bò. Trước đây gia đình có trồng đậu tương giống địa phương do có một vài hộ trong bản trồng song trâu bò phá hết, nếu không cũng bị đám thanh niên ngoài đường vào lấy trộm bán cho mấy hàng nước ngoài chợ, năm nào giữ được chút ít, đến lúc có hạt bọn trẻ lại nhổ mấy nồi về luộc ăn chơi. Năm nay, gia đình tôi mới tham gia mô hình trồng đậu tương này, mới đầu nghĩ chưa chắc đã được thu hoạch, nhưng nay thì khác rồi...".
Ông Hoàng Văn Đòn cũng chẳng ngần ngại cho biết: "Nhà tôi có khoảng 2000m2 ruộng. Trước đây, vụ xuân gia đình cũng có trồng ngô và đỗ tương, nhưng do trồng rải rác nên cũng không giữ được con trâu, con bò nó đói ăn, khi thu hoạch chỉ được gần 2 tạ thôi. Năm nay, gia đình mình trồng đậu tương mà cán bộ cho, hình như là giống DT84 hay ĐVN 10 gì đó. Mới đầu mình không muốn làm đâu nhưng làm theo cán bộ hướng dẫn cũng đỡ mệt rất nhiều. Trước kia, mình cuốc hố, thả hạt đậu vào rồi lấp đất lên nay cán bộ bảo, trồng cây này phải cày, bừa rồi bỏ phân tra hạt theo rạch đường cầy nên cũng không mệt lắm....". Cúi xuống ruộng đỗ vặt vài quả lên, ông Đòn tươi cười: Đến bây giờ thì khả năng được ăn là chắc rồi, số ruộng này thu khoảng 4 tạ đấy.
Thắc mắc về thời vụ của cây đậu tương có ảnh hưởng tới sản xuất vụ mùa không, ông Đòn lắc đầu: Đất ở đây phải gần một tháng nữa mới có nước, trời chưa mưa thì lấy đâu ra nước để cày cấy? Thu hoạch xong đậu tương xong thì cày cấy là vừa, các bác ạ. Trước đây không làm đậu tương thì mình chẳng biết làm gì, ai có việc thuê thì làm nhênh nhang vài buổi, không thì theo trai bản vào rừng lấy măng. "Sang năm nếu Nhà nước không cho giống thì gia đình mình có trồng đậu tương nữa không". ông Đòn gật đầu: Làm nữa chứ, nếu Nhà nước cho giống thì tốt, nếu không thì mình mua giống về trồng thôi...
Theo dự kiến của Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông thì năng suất của 18 ha trồng thử nghiệm này còn phụ thuộc vào giống; như giống DT84 dự kiến đạt khoảng 16 -18 tạ/ha, ĐVN10 đạt khoảng 18 – 19 tạ/ha, ĐVN đạt 17 -18 tạ/ha. Bà con ở 4 xã tham gia mô hình đều thích giống đậu tương ĐVN9 do ngắn thời gian hơn ĐVN từ 5- 7 ngày, nhưng năng suất vẫn cao lại đảm bảo làm vụ mùa.
Ông Nguyễn Hợp Đoàn – Phó chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: “Đối với cây đậu tương ngoài giá trị kinh tế thu nhập hàng vụ đạt khoảng từ 15 – 20 triệu đồng/ha còn có tác dụng cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng cho các vụ sau, tăng hệ số sử dụng đất tại các xã vùng cao trên các chân ruộng không chủ động được nước tưới trong vụ đông xuân, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp, giải quyết công ăn việc làm, góp phần xoá đói giảm nghèo một cách có hiệu quả. Từ hiệu quả kinh tế của mô hình năm 2009 cho thấy cây đậu tương sinh trưởng, phát triển tốt và phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai tại các xã vùng cao của huyện. Vụ xuân năm 2010, diện tích đậu tương của Văn Chấn đạt gần 800 ha, trong đó vụ xuân 555 ha, vụ hè thu 245 ha”.
Quang Thiều
Các tin khác
YBĐT - Đến nay, tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đạt 68,3 tỷ đồng, trong đó, cho vay hộ nghèo 35,2 tỷ đồng, giải quyết việc làm 5,4 tỷ đồng, học sinh, sinh viên 6,8 tỷ đồng, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường 5,8 tỷ đồng, cho vay hộ gia đình sản xuất tại vùng khó khăn 13,4 tỷ đồng….
Sau phiên giảm khá mạnh và tuột khỏi ngưỡng 2,8 triệu đồng/chỉ vào hôm qua, sáng nay (16/6), giá vàng trong nước đã tăng mạnh trở lại, ghi 14.000 đồng/chỉ, nhanh chóng vượt qua ngưỡng trên. Đây là kết quả của giá kim loại quý trên thị trường thế giới đi lên.
Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores), sau hơn một tháng luật Lacey (Luật khai báo nguồn gốc gỗ khai thác) áp dụng với sản phẩm xuất khẩu vảo Mỹ có hiệu lực, từ ngày 1/5, không có bất cứ một lô hàng nào từ phía Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này bị trả lại.
Từ 3/7, thịt cừu, trâu, bò, heo... giảm chỉ còn 7-10%. Các mặt hàng sữa có mức thuế phổ biến từ 10-15%, cá và hoa quả từ 15-20%...