Mù Cang Chải sẵn sàng "chắn" lũ bão

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/6/2010 | 2:37:54 PM

YBĐT - Trong tháng 2 và tháng 4 năm 2010, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã xảy ra nhiều trận lốc kèm theo mưa đá làm hàng trăm hộ dân bị thiệt hại về nhà cửa. Những diễn biến bất thường của thời tiết năm nay đang báo hiệu một mùa mưa bão phức tạp, đòi hỏi công tác phòng chống lũ bão - giảm nhẹ thiên tai (PCLB-GNTT) phải sớm có kế hoạch phòng tránh.

Dòng Nậm Kim mùa lũ. Ảnh M.Q
Dòng Nậm Kim mùa lũ. Ảnh M.Q

Lên Mù Cang Chải rất dễ nhận thấy đa phần người dân cư trú trên hoặc dưới chân các sườn núi cheo leo rất dễ bị lũ quét hoặc sạt lở đất. Ông Hoàng Tuyến - cựu chiến binh sống ở thị trấn huyện cho biết: “Người Mông ở đây từ bao đời nay đều làm nhà ở các sườn núi, nhưng chưa bao giờ phải lo lắng chuyện lũ quét, lũ ống hay bất kỳ một loại thiên tai nào.

Nhưng đó là chuyện xưa, khi những cánh rừng đầu nguồn còn sừng sững án ngữ trên các dãy núi. Còn bây giờ nhìn vút tầm mắt chỉ thấy núi trơ trọc thì lấy cái gì mà bảo vệ”. Thực tế trong một vài năm gần đây, vào mùa mưa bão, Mù Cang Chải thường xuyên xảy ra sạt lở đất, làm thiệt hại lớn về tài sản công, tài sản của nhân dân.

Ông Hoàng Văn Thông- Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban PCLB-GNTT cho biết: “Công tác PCLB ở cơ sở còn nhiều hạn chế và chưa có khảo sát cụ thể về số nhà dân nằm trong khu vực có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất nên không kịp thông báo khi có lũ xảy ra. Bên cạnh đó, cũng có một bộ phận người dân còn chủ quan không chấp hành nghiêm lệnh di dời của các cơ quan chức năng, dẫn đến thiệt hại do mưa bão năm 2009 vô cùng lớn”.

Mùa mưa bão năm 2009, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong công tác PCLB nhưng do thời tiết diễn biến phức tạp, dân cư phân bố rải rác, địa hình đi lại khó khăn nên thiệt hại do mưa lũ và sạt lở đất tương đối lớn. Đã có hàng trăm nhà dân, trường học, bị ảnh hưởng và 9 hộ dân phải di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, mưa lũ phá vỡ mặt đường. Trên quốc lộ 32 đoạn qua địa bàn huyện đã có 25 điểm bị sạt lớn làm ách tắc giao thông, có những đoạn phải mất nhiều ngày sau mới có thể  thông tuyến. Ngoài ra, mưa bão cũng đã vùi lấp 12 công trình thuỷ lợi với chiều dài 3 km. Sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng nghiêm trọng với 50 ha ngô, 8 ha lúa và hàng chục con trâu, bò bị chết, ước tính tổng thiệt hại gần 3 tỷ đồng.

Năm 2010, mới chỉ những tháng đầu năm, chưa bước vào mùa mưa bão nhưng trên địa bàn huyện đã xảy ra nhiều trận lốc, kèm theo mưa đá gây thiệt hại nặng về tài sản, nhà cửa của người dân. Trong tháng 2 và tháng 4 năm 2010, lốc, mưa đá đã xảy ra ở 8 xã, 438 hộ dân bị ảnh hưởng và làm hư hỏng gần 7.500 tấm lợp Prô xi măng, trong đó có nhiều hộ thuộc diện hộ nghèo vừa được nhận hỗ trợ xoá nhà dột nát.

Trước những thiệt hại do mưa bão gây ra, UBND huyện đã coi công tác PCLB – GNTT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo. Trong các hội nghị triển khai công tác PCLB hàng năm, huyện đã đặt ra nhiều giải pháp khắc phục. Trong đó có tiến hành xác định cụ thể các khu vực dễ xảy ra bão lốc, sạt lở, ngập lụt, lũ ống và lũ quét cũng như toạ độ để lên phương án phòng chống, thông tin di dời trong trường hợp khẩn cấp. Khu vực nguy cơ lũ quét lũ quét được coi là trọng điểm được chia thành nhiều khu vực nhỏ ở các xã: Nậm Có, Nậm Khắt, Cao Phạ, La Pán Tẩn...

Trong trường hợp xảy ra mưa lớn và dự báo có bão lũ, các thành viên ban chỉ đạo được phân công phụ trách các khu vực phải xuống trực tiếp chỉ huy. Phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ), lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ” được củng cố và là biện pháp chính. Khi xảy ra thiên tai gây thiệt hại về người và tài sản, các xã, thị trấn chủ động sử dụng lực lượng tại chỗ ứng cứu; tổ chức cứu người trước, tài sản sau và báo ngay lên cấp trên để kịp thời chỉ đạo.

Các biện pháp phòng chống khi xảy ra các tình huống như bão lốc, lũ lụt, sạt lở đã được huyện xây dựng hết sức chi tiết và cụ thể. Chẳng hạn, khi xảy ra lũ lụt, các lực lượng cần tuần tra canh gác báo động; sơ tán nhân dân và tài sản, tìm kiếm cứu nạn, cứu chữa người bị nạn, bảo vệ, đảm bảo an toàn được phân công nhiệm vụ cụ thể.

Với mục tiêu giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ gây ra, UBND huyện, Ban chỉ huy PCLB – GNTT huyện Mù Cang Chải đã tăng cường các biện pháp thông tin, tuyên truyền, đồng thời thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện của 14 xã, thị trấn. Các công trình xây dựng cơ bản đang được thi công dở dang, UBND huyện yêu cầu phải có kế hoạch bảo vệ máy móc, vật tư và con người trong mùa mưa bão. Đồng thời có phương án xử lý kiên cố để đảm bảo an toàn công trình đang thi công. Yêu cầu các xã phải xây dựng kế hoạch cụ thể, trong đó có phương án phòng tránh và di dời người dân khi có nguy hiểm. Đồng thời, vận động nhân dân tích cực chằng chống nhà cửa, dự trữ lương thực và các yếu phẩm khác đảm bảo cho gia đình sinh hoạt từ 5 ngày trở lên…

Thiên tai khó tránh khỏi nhưng để hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất, về lâu dài thì các biện pháp như: cấm chặt phá rừng phòng hộ, quy hoạch sử dụng đất trong đó việc di dời các hộ dân nằm trong khu vực ven suối, có nguy cơ cao về sạt lở đất ở Mù Cang Chải... cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc.

Hoàng Anh Dũng

Các tin khác
Giá vàng trong nước tăng 120.000 đồng/lượng, tỷ giá USD/VND thị trường tự do và ngân hàng cùng bật lên 19.000 VND/USD.

Giá vàng thế giới đã tăng trở lại trong phiên giao dịch đêm qua và sáng nay khi giới đầu tư mạnh tay gom mua để đề phòng những rủi ro có thể xảy tới trên thị trường tài chính. Trong nước, giá vàng tăng qua mức 27,50 triệu đồng/lượng từ mức 28,40 triệu đồng/lượng cuối ngày hôm qua.

Siêu thị Anh Mỹ tăng lượng hàng và nhân viên phục vụ trong những ngày mất điện.

YBĐT - Con người ta có cái hay là trong hoàn cảnh nào cũng tìm được phương cách mà tồn tại, phát triển. Mất điện không thể không nói là ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh nhưng nhiều người vẫn biết cách để kiếm sống trong môi trường khó khăn...

Tin từ Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas), 6 tháng đầu năm, ngành chè ước sẽ xuất khẩu 60.000 tấn, thu về kim ngạch 80 triệu USD. So với cùng kỳ con số này đã tăng 25% về lượng và 30% về giá trị.

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo các bộ Công thương, Công an, GTVT, Tài chính và Tổng cục Hải quan, cấm cho phép nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại và bộ linh kiện lắp ráp ô tô chưa qua sử dụng nhưng đã bị đục sửa, đóng lại số khung, số máy từ nước ngoài; những xe đã nhập về cảng Việt Nam sẽ không được làm thủ tục thông quan.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục