Phát triển chăn nuôi hàng hóa ở Lục Yên: Thiếu cơ sở đáp ứng nhu cầu con giống
- Cập nhật: Thứ sáu, 6/8/2010 | 9:16:02 AM
YBĐT - Nhằm nâng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu nông-lâm-nghiệp, tận dụng tối đa nguồn lực giúp dân thoát nghèo và xây dựng một nền chăn nuôi hàng hóa tập trung, những năm gần đây, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã không ngừng đưa vào các giống vật nuôi, xây dựng nhiều mô hình trang trại.
Mô hình nuôi lợn hàng hóa của gia đình
anh Nông Minh Thụy.
|
Tuy nhiên, để bức tranh chăn nuôi hàng hóa trở thành hiện thực, đòi hỏi Lục Yên phải giải quyết hàng loạt những khó khăn, thách thức.
Năm 2009, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện Lục Yên, Trạm Khuyến nông huyện đã xây dựng được 16 mô hình chăn nuôi hàng hóa, trong đó có 9 mô hình nuôi gà, 7 mô hình nuôi lợn. Theo ông Hoàng Văn Số – Trạm trưởng Trạm Khuyến nông, hầu hết những mô hình này hiện giờ vẫn hoạt động tốt, đặc biệt là sau những biến động về thị trường và ảnh hưởng của dịch tai xanh trong mấy tháng qua. Trại lợn của anh Nông Minh Thụy, bản Nà Kéo, xã Lâm Thượng là một trong số những mô hình vẫn giữ được 100 đầu lợn khi “cơn bão” tai xanh bùng phát, và sự tụt dốc của giá thịt lợn hơi.
Theo anh Thụy, chăn nuôi hàng hóa phải có con mắt của một nhà kinh doanh, phải phán đoán được sự lên xuống của thị trường để từ đó có các biện pháp phòng tránh, có như vậy mới đứng vững được. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không có nhiều người chăn nuôi biết hạch toán kinh tế, quản lý trang trại và nắm được quy luật thị trường như anh Thụy, bởi đa số người dân đều là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, đã quen với kiểu chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, coi chăn nuôi là nghề phụ, đặc biệt đại đa số họ vẫn còn bị động trước những biến động của thị trường. Đơn cử như khi giá lợn hơi giảm sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nhưng nhiều người vẫn chưa có tầm nhìn xa để có các biện pháp phòng tránh, giải quyết. Hay nhiều khi giá cả bấp bênh, dịch bệnh xảy ra nhiều trang trại rơi vào tình trạng lao đao, không biết xử lý, đối phó thế nào.
Bên cạnh đó, việc người dân thiếu vốn để mở rộng sản xuất dường như đã phổ biến. Theo tính toán thì để xây dựng một trại lợn (100 đầu lợn) phải mất trên dưới 200 triệu đồng, đây quả là một số tiền không nhỏ đối với nhiều hộ nông dân. Hiện nay, Lục Yên đang tập trung vào phát triển mô hình nuôi gà và lợn, nhưng thực tế hiện trên địa bàn vẫn chưa có một cơ sở nào cung ứng con giống ngay tại địa phương, vì thế đều phải nhập ở các địa phương khác về vừa tốn kém lại vừa dễ phát sinh dịch bệnh.
Thí dụ, nếu nhập 1.000 con gà theo nguyên tắc là “cùng vào, cùng ra” nghĩa là chỉ nhập một lần với một lượng đàn giống đồng đều về tỷ lệ ở cùng một cơ sở, nhưng hiện vì chưa có một có cơ sở nào cung ứng đủ mà phải thu gom ở nhiều nơi, với nhiều lần khác nhau. Hệ quả của việc này là đàn gà dễ lây lan, phát sinh dịch bệnh, độ rủi ro sẽ cao hơn. Nguyên nhân của thực trạng này chính là không có cơ sở sản xuất trứng giống nên nhiều cơ sở sản xuất gà giống phải đi thu mua, gom nhặt số trứng này về để ấp, kéo theo đàn gà giống cũng không đồng đều.
Ông Số cho biết: “Hiện trên địa bàn huyện có trên dưới 10 cơ sở sản xuất gà giống, nhưng hầu hết chỉ hoạt động nửa công suất bởi không đủ trứng để ấp dù đã mua gom ở nhiều nơi”. Không chỉ gà mà lợn cũng vậy, hầu hết người dân đều phải nhập từ các địa phương khác, hoặc nếu có thì cũng chỉ vài ba hộ nuôi thêm lợn nái để tự tạo con giống chứ chưa thực sự có một địa chỉ nào cung ứng con giống cho cả huyện.
Năm 2010, Lục Yên phấn đấu xây dựng 17 mô hình chăn nuôi hàng hóa, trong đó đưa thêm 2 mô hình mới là nuôi ba ba, còn lại 5 mô hình lợn thịt, 10 mô hình gia cầm. Xác định khó khăn trước mắt là thiếu vốn, Trạm Khuyến nông đã tổ chức nhiều buổi hướng dẫn người dân tiếp cận với nguồn vốn vay của ngân hàng, thông qua các tổ chức hội, đoàn thể.
Trạm cũng chủ động liên hệ, ký kết hợp đồng với các cơ sở cung ứng giống trên địa bàn tỉnh và khu vực lân cận để giải quyết khó khăn về con giống. Đồng thời, hướng dẫn người dân những kinh nghiệm, kỹ thuật chọn giống, tiêm phòng trước khi đưa giống về; vận động các hộ nuôi thêm con nái để vừa giảm chi phí đầu tư lại tránh được những rủi ro về dịch bệnh.
Hùng Cường
Các tin khác
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết đang chuẩn bị ban hành Quyết định sửa đổi quy chế tính giá nhằm kiểm soát chặt chẽ và chính xác hơn giá vốn, giá bán của các mặt hàng thiết yếu trong diện phải kê khai, đăng ký và bình ổn giá như: giấy, sắt thép, giá nước, điện, sữa.
YBĐT - Theo lịch thời vụ, đến ngày 20 tháng 7 năm 2010, huyện Văn Chấn (Yên Bái) phải hoàn thành kế hoạch gieo cấy trên 4.000 ha lúa mùa.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, ổn định tỷ giá, giảm dần lãi suất nhằm thúc đẩy nền kinh tế tiếp tục phát triển.
Chỉ tăng nhẹ 3.000- đồng/chỉ vào sáng 5/8 nhưng giá vàng trong nước đã tái lập mốc 2,8 triệu đồng/chỉ sau gần 10 ngày bị mất.