Xuất khẩu lao động: Biện pháp hữu hiệu giảm nghèo
- Cập nhật: Thứ ba, 21/9/2010 | 2:57:20 PM
YBĐT - Từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 2.190 người được đi XKLĐ. Một số địa phương có nhiều người đi XKLĐ là: Văn Chấn 493 người; Trấn Yên 435 người; thành phố Yên Bái 309 người; Văn Yên 284 người...
Thanh niên xã Lao Chải (huyện Mù Cang Chải) trao đổi nội dung về xuất khẩu lao động cho các lao động có nhu cầu.
|
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc đưa người đi lao động ở nước ngoài, từ năm 2003, Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động (XKLĐ) từ cấp tỉnh đến các huyện, thị, thành phố đã được thành lập nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người đi XKLĐ làm thủ tục, vay vốn, đào tạo nghề… Đến nay đã có hàng ngàn người đã đi XKLĐ tại các nước: Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan và các thị trường Trung Đông.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người đi XKLĐ, UBND tỉnh đã giao cho ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) làm cơ quan thường trực, là đầu mối tiếp nhận người có nhu cầu đi lao động của các địa phương, và là đầu mối liên hệ với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động. Ban chỉ đạo các huyện, thị, thành phố thường xuyên đôn đốc Ban chỉ đạo cấp xã, phường, thị trấn khảo sát nhu cầu người đi lao động, yêu cầu các doanh nghiệp tuyển dụng lao động phải thực hiện đúng nội dung trong hợp đồng ký kết với người lao động, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng vi phạm hợp đồng.
Theo báo cáo mới đây của ngành LĐ-TB&XH, trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện nay có 34 doanh nghiệp và chi nhánh của các công ty có chức năng XKLĐ được cấp giấy giới thiệu xuống các địa phương để thực hiện tuyển chọn, tư vấn và đưa người đi XKLĐ. Có 11 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả như: Vinaconex Mec, Sona, Cavico, Vinamotor, IMS… Các doanh nghiệp này đã chủ động từ khai thác thị trường đến đào tạo lao động kể cả 2 huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải.
Tuy nhiên, còn nhiều doanh nghiệp không hoạt động hoặc chưa hoạt động tích cực, thậm chí thiếu trách nhiệm trong giải quyết triệt để các rủi ro phát sinh với người lao động.
Từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 2.190 người được đi XKLĐ. Một số địa phương có nhiều người đi XKLĐ là: Văn Chấn 493 người; Trấn Yên 435 người; thành phố Yên Bái 309 người; Văn Yên 284 người… Hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội cho 354 người vay vốn với tổng số tiền 5 tỷ 970 triệu đồng. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho 123 người vay vốn với số tiền 1 tỷ 228 triệu đồng.
Ông Giàng A Tông - Phó chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, Trưởng Ban chỉ đạo XKLĐ huyện cho biết: “Từ khi có Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo từ huyện đến các xã, nhằm tuyên truyền, vận động thanh niên trong độ tuổi tích cực tham gia công tác XKLĐ. Hiện nay toàn huyện có khoảng 26 nghìn lao động trong độ tuổi, đây là nguồn nhân lực phục vụ cho công tác XKLĐ”.
Tuy nhiên, lực lượng lao động ở Mù Cang Chải chủ yếu mới có trình độ văn hóa bậc tiểu học và trung học cơ sở, điều kiện tiếp cận với sự phát triển còn hạn chế, kinh tế chủ yếu là làm nông nghiệp, chủ yếu là lao động thủ công, việc tham gia học nghề chưa nhiều, một số còn không biết tiếng Kinh, do vậy rất khó khăn cho công tác đào tạo nghề, tiếp cận với những việc đòi hỏi về chuyên môn, kỹ thuật cao.
Ở Mù Cang Chải, đã có 4 công ty vào tuyển chọn lao động và từ năm 2006 đến nay, huyện đã có 134 người đi lao động ở nước ngoài. Số tiền lao động đã gửi về nước trả ngân hàng và hỗ trợ gia đình được 1 tỷ 721 triệu đồng. Tới đây, Mù Cang Chải sẽ có 17 lao động đi xuất khẩu tại thị trường Libia và Malaisia…
Đánh giá tình hình XKLĐ trên địa bàn tỉnh 4 năm gần đây cho thấy, số người đi lao động tại thị trường Malaysia chiếm 73%, thị trường Đài Loan, Libia, UAE chiếm 20%, thị trường Hàn Quốc 4%, còn lại là các thị trường khác 3%.
Có tới 92% số người đi XKLĐ, có việc làm và thu nhập ổn định. Số tiền lao động gửi về hỗ trợ gia đình và trả nợ ngân hàng bình quân từ 3,5 đến 4 triệu đồng/ tháng. Trong đó, thị trường Malaisia có mức thu nhập bình quân 3,5 đến 5 triệu đồng/ tháng, Hàn Quốc, sau khi trừ chi phí từ 10 đến 15 triệu đồng/ tháng, Đài Loan 7 đến 10 triệu đồng/ tháng và các thị trường Trung Đông đạt 6 đến 12 triệu đồng/ tháng.
Từ nguồn tiền lao động tiết kiệm giử về, gia đình họ đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Ở xã Lao Chải (Mù Cang Chải), đã có 24 người đi XKLĐ tại nước ngoài.
Ông Giàng A Hua, bản Dào Sa tâm sự: “Gia đình có cháu Giàng A Seng đi XKLĐ từ năm 2007. Đến nay, sau hơn 3 năm làm việc ở nước ngoài, Seng đã trả nợ hết Ngân hàng. Số tiền còn lại cũng mua được nhiều vật dụng phục vụ cho sinh hoạt. Đáng nhẽ ra Seng đã hết hợp đồng về nước, nhưng Công ty giữ lại ký thêm hợp đồng …”.
Hiệu quả của việc đi XKLĐ đã được khẳng định. Song trên thực tế hiện nay vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy trình trong hoạt động đưa người đi XKLĐ như: thẩm định, khảo sát kỹ các điều kiện đảm bảo việc làm, sinh hoạt. Hợp đồng ký kết giữa 2 bên doanh nghiệp và người lao động không rõ ràng đầy đủ về quyền lợi nghĩa vụ các bên, dẫn tới có trường hợp lao động phải về nước trước thời hạn, doanh nghiệp thoái thác trách nhiệm. Một số doanh nghiệp chỉ nhanh chóng đưa người đi XKLĐ để thu phí xuất khẩu, ngại hướng dẫn học nghề, dẫn tới tình trạng lao động phổ thông thu nhập thấp...
Thái Hưng
Các tin khác
Giá vàng trong nước sáng nay, 21 - 9, tiếp tục tăng. Vàng SJC niêm yết tại công ty vàng bạc đá quý Phú Qúy (Hà Nội), lúc 11 giờ, là 30,01 – 30,07 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng lần lượt 50.000 đồng và 60.000 đồng/lượng so với sáng 20 - 9.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 cả nước có thể tăng trên 1%. Đó là dự báo được một nguồn tin từ Cục Thống kê Hà Nội đưa ra chiều 20/9, sau khi giải thích về các nguyên nhân dẫn tới việc tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khá mạnh trong tháng 9 tại Thủ đô.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, dự án thu thuế qua hệ thống ngân hàng (NH) đã triển khai thí điểm tại 21 địa phương và thu được kết quả tốt. Bộ Tài chính đã yêu cầu các đơn vị Tài chính, Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2011 triển khai quy trình thu thuế qua hệ thống NH trên toàn quốc.
YBĐT - Nhiệm kỳ 2005 - 2010, Đảng bộ phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã có nhiều đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong phường phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường lần thứ III đề ra. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong phường được cải thiện, đến nay phường không còn hộ đói, hộ nghèo giảm còn 6,09%.