Doanh nhân Việt Nam - Xin gửi lời cảm ơn chân thành đến họ
- Cập nhật: Thứ tư, 13/10/2010 | 8:48:04 AM
YBĐT - Không quá nhiều nghi lễ ồn ào nhưng ngày 13/10 đủ để cả xã hội tôn vinh những con người đã lăn lộn trên thương trường, làm giàu cho bản thân và cho xã hội, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp lớn cho NSNN và đặc biệt là tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.
Tổng công ty Hòa Bình Minh - doanh nghiệp đi đầu trong đóng góp nghĩa vụ thuế cho Nhà nước, tạo nhiều việc làm cho người lao động và tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo. Ảnh: Công nhân Công ty TNHH Hòa Bình (Tổng công ty Hòa Bình Minh) vận chuyển thép đi tiêu thụ.
|
Ngày doanh nhân Việt Nam năm nay càng có ý nghĩa đặc biệt hơn khi cả nước vừa kết thúc Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; các cấp, các ngành đang ra sức thi đua chào mừng đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; giới doanh nhân đang chung tay vượt qua khó khăn của giai đoạn khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu.
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, tình thế nước ta như “ngàn cân treo sợi tóc” trước giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Trong bối cảnh khốn khó ấy, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ và Cách mạng, trong “Tuần lễ vàng” nhiều nhà tư sản đã hiến cho Nhà nước cả nghìn lạng vàng. Trước đó, trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 nhiều thương nhân đã phát gạo, nấu cháo cứu đói cho người nghèo…
Giai đoạn nước nhà thực hiện cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp với tính chất đặc thù và có phần ấu trĩ ấy, giới doanh nhân đã phải đi những bước đi thụt lùi bởi những quan niệm duy ý chí, ngặt nghèo; những người mạnh dạn làm ăn đều bị lên án với những tên gọi: “con buôn”, “con phe”…
Những câu chuyện như vận chuyển mấy chục cân sắn khô nhưng phải chốn chui, chốn lủi; ngày tết muốn mổ con lợn ăn không hết bán lại cho mọi người, phải chạy đi xin cơ quan tài chính và chấp hành nghiêm khoản thuế sát sinh; rồi chuyện cán bộ kiểm lâm đuổi bắt anh nông dân Văn Yên mang bó quế nhà trồng được đi bán cho tư thương; cán bộ thuế truy bắt mấy người cả gan thu gom chè khô ở Hưng Thịnh, Hưng Khánh (Trấn Yên) mang về xuôi bán…
Khi đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, nhất là đổi mới về kinh tế, các chính sách "thắt chặt" nền kinh tế được nới lỏng, kinh tế tư nhân được công nhận là một thành phần kinh tế đầy đủ, được đối xử công bằng với thành phần kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể… để rồi Mường Lò đã có kem do tư nhân đầu tư sản xuất, để câu ca “Bao giờ Văn Chấn có kem, Mường Lò điện sáng thì em lấy mình” đã đi vào dĩ vãng như một kỷ niệm. Doanh nhân một lần nữa có cơ hội để đem tài năng, trí tuệ của mình ra sản xuất kinh doanh, danh sách người giàu có với tài sản lên đến cả nghìn tỷ đồng được thông tin rộng rãi.
Có người mở doanh nghiệp thu hút cả vạn lao động, có đơn vị nộp ngân sách cả trăm tỷ đồng mỗi năm. Đặc biệt, không ít người đã bỏ ra cả chục tỷ đồng ủng hộ người nghèo, người hoạn nạn. Tài sản của họ, đóng góp của họ cho đất nước, nghĩa cử của họ với người nghèo khiến rất nhiều người phải ngả mũ kính phục.
Không phải là một tỉnh phát triển nhưng đến nay Yên Bái đã có trên 700 doanh nghiệp, số các nhà đầu tư vào Yên Bái ngày một tăng và số vốn bỏ ra ngày một lớn. Doanh nhân Yên Bái luôn đoàn kết, gắn bó, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng hành với nhiều phong trào tại địa phương. Đã xuất hiện những câu lạc bộ doanh nhân trẻ, câu lạc bộ nữ doanh nhân và cả những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả trên nhiều lĩnh vực: thương mại, dịch vụ; khai thác, chế biến khoáng sản; xây lắp; chế biến nông, lâm sản... gần 100 tỷ đồng là số tiền mà các doanh nghiệp đóng góp cho ngân sách tỉnh mỗi năm.
Các doanh nghiệp đã thu hút hàng vạn lao động, có việc làm và thu nhập ổn định, nhiều doanh nghiệp còn tích cực làm công tác từ thiện xã hội như Công ty cổ phần Mông Sơn làm đường, kéo điện, góp tiền xây trường mẫu giáo; Công ty cổ phần Thuỷ điện Văn Chấn bỏ cả tỷ đồng xây nhà bán trú cho học sinh, tặng ti vi, lo tết cho người nghèo; Tổng công ty Hoà Bình Minh thiệt hại cả chục tỷ đồng trong trận lũ lịch sử năm 2008 nhưng ngay sau khi có lời kêu gọi ủng hộ đồng bào bão lũ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Tổng giám đốc đã quyết định bỏ ra cả chục triệu đồng giúp đồng bào còn khó khăn hơn.
Con đường làm ăn của các doanh nhân chắc chắn phải qua rất nhiều chông gai, thử thách bởi "thương trường như chiến trường". Có lẽ vì vậy mà thành công đến với họ là rất vinh quang, đóng góp của họ cho xã hội, nhất là cho những người nghèo càng đáng kính phục. Những quan điểm, những câu nói như: "Phát triển nhưng phải bền vững", "Cạnh tranh lành mạnh", "Thương trường không còn là chiến trường", "Thua đẹp còn hơn thắng xấu"… đã xuất hiện ngày càng nhiều, cho ta thấy xã hội mãi tôn vinh những doanh nhân có tài, có tầm và có cả cái tâm trong sáng.
Nhìn lại đội ngũ doanh nhân Việt Nam, nhất là doanh nhân Yên Bái cho thấy đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân của ta chưa nhiều, chưa mạnh, số các “đại gia” vẫn còn quá ít, Yên Bái chỉ có những doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa có đơn vị nào thu hút đến 1.000 lao động, một năm nộp được 3, 4 chục tỷ đồng tiền thuế…
Khi vận hội đến, cơ chế, chính sách mở ra thì doanh nhân cần nắm lấy, để tổ chức sản xuất kinh doanh, làm giàu cho mình và cho xã hội. Đất nước trong xu thế phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng cần đội ngũ doanh nhân, trông cậy vào họ để họ làm ra của cải vật chất, thông thương hàng hoá, đóng góp vì sự phồn vinh cho xã hội… Dân tộc sẽ tôn vinh những đóng góp của họ. Nhân ngày 13/10, xin gửi lời cảm ơn tới tất cả những doanh nhân!.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Đầu tháng 10, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân trong tỉnh đang khẩn trương thu hoạch lúa mùa, làm đất gieo trồng cây vụ đông. Trên cánh đồng Mường Lò (Văn Chấn), Đại-Phú-An (Văn Yên) đến Mường Lai (Lục Yên) đâu đâu cũng bắt gặp không khí lao động khẩn trương, tấp nập, đông vui. Thu hoạch lúa đến đâu bà con làm đất gieo trồng cây vụ đông ngay đến đó trên những chân ruộng hai vụ lúa ngô đông đã bén rễ lên xanh.
YBĐT - Trên địa bàn thành phố Yên Bái hiện có hơn 100 trang trại sản xuất, kinh doanh tổng hợp theo mô hình vườn, rừng, ao, chuồng kết hợp. Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Tổng công ty Hòa Bình Minh tại xã Tuy Lộc đã hoạt động ổn định.
Tại buổi giới thiệu dự thảo nghị định hướng dẫn Luật đầu tư (năm 2005) thay thế nghị định 108, ngày 12-10, ông Phạm Mạnh Dũng - vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch - đầu tư) - cho biết bộ này đã trình Chính phủ dự thảo nghị định này với nhiều điểm thay đổi lớn về cách quản lý.