Hé mở những tín hiệu vui

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/12/2010 | 4:42:24 PM

YBĐT - Ngày 8/1/2010, thành phố Yên Bái đã ra quyết định triển khai Đề án phát triển sản xuất nấm thực phẩm và nấm dược liệu giai đoạn 2010 - 2012.

Đây là bước phát triển phù hợp với điều kiện của địa phương, đồng thời tạo cơ hội cho nông dân thành phố có thêm một mô hình sản xuất nông nghiệp với tiềm năng phát triển bền vững.

Ngay sau khi triển khai Đề án, thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và 17 xã, phường tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ tới 1.500 hộ dân cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã; tổ chức 4 lớp tập huấn kỹ thuật làm lán trại, chăm sóc, nuôi trồng nấm cho 231 học viên.

Sau gần một năm, đã có 128 cơ sở tham gia nuôi trồng nấm. Vụ xuân hè, thành phố có 34 cơ sở mở rộng sản xuất và nuôi trồng mới, trong đó có 6 cơ sở thuộc các xã Nam Cường, Hợp Minh, Giới Phiên được hỗ trợ trên 85 triệu đồng để xây dựng lán trại và mua bịch đã cấy nấm giống. Riêng vụ thu đông năm 2010 đã có 85 đơn vị, hộ gia đình thuộc 9 xã, phường đăng ký thực hiện với số lượng nuôi trồng gần 140 nghìn bịch nấm các loại. Đặc biệt, xã Giới Phiên có tới 26 hộ sản xuất nấm, trong đó có hộ nuôi trồng tới 20 nghìn bịch nấm mộc nhĩ và nấm sò.

Cũng nhờ Đề án này mà nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư xây dựng lán trại, mở rộng diện tích nuôi trồng nấm, điển hình như hộ bà Nguyễn Thị Dịu ở thôn 6, xã Hợp Minh. Dám nghĩ dám làm, gia đình bà Dịu đã mạnh dạn phá bỏ diện tích vườn tạp, xây dựng 460 m2 lán trại và nhà cấy nấm giống với tổng vốn đầu tư gần 500 triệu đồng. Hiện cơ sở của bà nuôi trồng 1 vạn bịch nấm linh chi, 19 nghìn bịch nấm mộc nhĩ và nấm sò.

Mỗi tháng, trung bình, cơ sở của bà cung cấp cho thị trường 1 tấn rưỡi nấm sò có giá từ 17 - 20 nghìn đồng/kg. Từ đầu năm đến nay, gia đình đã thu hơn 200 kg nấm linh chi khô, giá bán 400 - 600 nghìn đồng/kg và còn cung cấp cả bịch nấm giống.

Mở rộng thị trường và bảo đảm chất lượng nấm thương phẩm, gia đình bà đầu tư máy đóng bịch, máy đánh nguyên liệu và máy hút chân không, trong đó thành phố hỗ trợ theo Đề án là 50 triệu đồng cho việc trang bị máy móc.

Bà Dịu phấn khởi cho biết: "Trước đây, gia đình tôi cũng đã từng nuôi trồng nấm nhưng quy mô nhỏ lẻ. Sau khi được thành phố hỗ trợ sản xuất, gia đình đã mở rộng quy mô, đầu tư nhiều máy móc phục vụ cho việc nuôi trồng, chế biến bịch nấm giống cũng như nấm thương phẩm. Từ đầu năm tới nay, nhà tôi đã thu gần 100 triệu đồng từ tiền bán nấm và bịch nấm giống".

Qua hơn 10 tháng, sản lượng nấm của thành phố đạt gần 90 tấn tươi, tăng 71 tấn so với cùng kỳ năm 2009. Thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, giá trung bình từ 17.000 đồng/kg nấm sò, 70.000 đồng/kg nấm mộc nhĩ, 500.000 đồng/kg linh chi. Tuy nhiên, quá trình triển khai Đề án cũng nảy sinh một số khó khăn.

Theo ông Nguyễn Trường Xuân - Trưởng phòng Kinh tế thành phố Yên Bái thì hiện nay, thị trường tiêu thụ nấm còn hẹp, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trên địa bàn thành phố. Các cơ sở nuôi trồng nấm lại chưa ký kết được các hợp đồng tiêu thụ mang tính ổn định lâu dài.

Lực lượng cán bộ chuyên môn về công nghệ sản xuất nấm chưa đáp ứng được yêu cầu nên việc chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng nấm hạn chế. Thời tiết thất thường cũng khiến bịch nấm giống dễ bị hỏng, ảnh hưởng đến chất lượng và sản lượng nấm.

Thành phố đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia mô hình sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu gắn với làm tốt việc chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất nấm các loại cho các cơ sở sản xuất. Đặc biệt là khuyến khích người dân trồng thử nấm hương, nấm mỡ chất lượng cao để đa dạng hóa sản phẩm.

Đồng thời tăng cường phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội giải quyết vốn vay ưu đãi cho các hộ nuôi trồng nấm; hỗ trợ các cơ sở sản xuất lớn đầu tư thiết bị máy móc phục vụ sản xuất như máy đóng bịch nấm giống, máy hút chân không, máy sấy khô; tập trung thâm nhập, tìm hiểu và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đề án phát triển sản xuất nấm thực phẩm và nấm dược liệu giai đoạn 2010 - 2012 đã thực sự phát huy hiệu quả, giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp, khai thác tốt tiềm năng của địa phương, đem lại giá trị kinh tế cao. Việc hỗ trợ nuôi trồng nấm của thành phố Yên Bái cùng với sự mạnh dạn, đổi mới cách nghĩ, cách làm của người nông dân đã hé mở những tín hiệu vui trong phát triển kinh tế địa phương bền vững...

Trên địa bàn thành phố Yên Bái hiện có trên 30 công trình cần giải phóng mặt bằng phục vụ cho xây dựng các dự án trọng điểm. Phần lớn diện tích phải thu hồi là đất sản xuất nông - lâm nghiệp của địa phương. Trước thực tế đó, thành phố đã có nhiều quyết sách, đề án hỗ trợ người dân trong sản xuất, chăn nuôi, đặc biệt là Đề án phát triển sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu giai đoạn 2010 - 2012.

Bích Liên - Tuấn Anh

Các tin khác
Vùng chè Đại Lịch, huyện Văn Chấn (Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã chỉ rõ: "... Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới…”.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, số thuê bao điện thoại phát triển mới từ đầu năm đến nay đã đạt con số 38,1 triệu thuê bao, tăng 6,1 triệu thuê bao so với năm ngoái.

Chính phủ và một số các doanh nghiệp Nhật Bản đang nghiên cứu xem xét những tuyến đường sắt nào xây dựng sẽ hợp với Việt Nam, sau đó sẽ xin vốn hỗ trợ của ODA để thực hiện.

Công ty TNHH đá cẩm thạch R.K Việt Nam đầu tư công nghệ vào sản xuất, chế biến đá hoa trắng tại huyện Lục Yên.

YBĐT - Huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đã chú trọng đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất công nghiệp, phấn đấu đến năm 2015 đưa tỷ trọng cơ cấu  kinh tế của nhóm ngành công nghiệp - xây dựng đạt 40%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục