Văn Chấn: Tăng vụ ở vùng cao - chuyển dịch thời vụ ở vùng ngoài

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/12/2010 | 2:46:10 PM

YBĐT - Chương trình tăng vụ ở vùng cao phấn đấu đạt trên 780 ha, trong đó có 450 ha cây đậu tương trở lên. Vùng ngoài đưa các giống ngắn ngày vào gieo cấy lúa đông xuân, mùa sớm để đảm bảo thời vụ trồng cây ngô đông.

Nông dân thôn Hà Thịnh, xã Sơn Thịnh chăm sóc khoai tây vụ đông. (Ảnh: Thanh Miền)
Nông dân thôn Hà Thịnh, xã Sơn Thịnh chăm sóc khoai tây vụ đông. (Ảnh: Thanh Miền)

Theo kế hoạch trong năm 2011, huyện Văn Chấn (Yên Bái) phấn đấu đưa vào gieo cấy 8.030 ha lúa, trong đó có trên 40% lúa chất lượng cao làm hàng hoá; gieo trồng 4.720 ha ngô; mở rộng diện tích từ 1 vụ lên 2 vụ 780 ha, đưa tổng sản lượng lương thực đạt 55.911 tấn (thóc 41.874 tấn, ngô 14.032 tấn).

Những mục tiêu đó không phải là quá lớn ở một huyện có nền sản xuất nông nghiệp tương đối toàn diện và lại đang sở hữu cánh đồng lớn thứ nhì vùng Tây Bắc. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá vật tư, phân bón tăng cao, tình trạng biến đổi khí hậu bất thường, ngay trong vụ xuân 2011 này được dự báo là hạn hán rất nghiêm trọng, cùng với rét đậm, rét hại… rất khó hoàn thành kế hoạch nếu như Văn Chấn không có những giải pháp, hướng đi phù hợp cho sản xuất.

Vấn đề đáng bàn trong sản xuất năm 2011, đặc biệt là trong vụ xuân này ở Văn Chấn là tình trạng thiếu nước cho sản xuất. Nhận định đúng tình hình, huyện tập trung làm tốt công tác thủy lợi, các đơn vị quản lý thủy nông kiểm tra ngay lưu lượng nước trong các hồ chứa, sửa chữa các hư hỏng để tích nước phục vụ cho sản xuất.

Các xã, nhất là xã vùng cao chỉ đạo bà con nông dân tu sửa, nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng, kiên quyết không cho tháo nước bắt cá trong các hồ, đập thủy lợi; rà soát lại kế hoạch diện tích gieo trồng và năng lực tưới của hệ thống thủy lợi để có biện pháp, kế hoạch sản xuất. Diện tích nào không đủ nguồn nước, cần xây dựng phương án chuyển đổi trồng các loại cây màu cạn như: ngô, đậu tương, khoai lang...

Bên cạnh đó, nền nhiệt độ trung bình đầu vụ sẽ thấp hơn so với nhiều năm, tập trung vào cuối tháng 12 và đầu tháng 1, do vậy, huyện chỉ đạo các xã vùng thượng huyện gieo mạ từ ngày 5 - 15/1/2011 và cấy trước, sau tết Nguyên đán. Đối với vùng cánh đồng Mường Lò gieo mạ từ ngày 10 - 15/1/2011 và phải cấy sau tết Nguyên đán. Đặc biệt, các xã vùng ngoài từ Sơn Thịnh, Đồng Khê, Cát Thịnh, thị trấn Nông trường Trần Phú, Minh An, Đại Lịch… chỉ đạo làm mạ khay, gieo mạ che nilon để tránh rét và cấy mạ non từ 2,5 - 3 lá giúp lúa đẻ sớm, đẻ tập trung cho năng suất cao.

Các xã vùng thấp khuyến khích gieo sạ bằng máy sạ hàng, áp dụng biện pháp thâm canh cải tiến (SRI) cấy thưa 35 - 40 khóm/m2, kết hợp bón phân viên nén dúi sâu. Tuyệt đối không được gieo mạ và cấy lúa vào những ngày rét đậm, khi nhiệt độ xuống dưới 150C. Với cơ cấu giống, sử dụng chủ lực giống lúa lai Nhị ưu 838, Nhị ưu 63 chiếm 60 - 65% diện tích; đối với vùng Mường Lò và các xã vùng ngoài đưa giống lúa thuần chất lượng cao như: Chiêm Hương, Shéng cù, N46, HT1, Japonica… để làm hàng hoá.

Huyện đã và đang tiến hành phối hợp, hợp tác với Viện Khoa học nông nghiệp, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và các doanh nghiệp có tiềm lực sản xuất giống lúa thuần chất lượng cao tại chỗ đưa vào gieo cấy, đồng thời ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúa gạo chất lượng cao cho nhân dân trong vùng. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh thâm canh áp dụng những tiến bộ mới như: bón phân cân đối, bón phân viên nén dúi sâu, canh tác theo hình thức SRI… Những diện tích không trồng cây vụ đông yêu cầu nhân dân cày ải, đổ ải tạo độ mùn và tơi xốp đất. Để đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời tạo khối lượng hàng hoá, huyện quyết tâm thực hiện tăng vụ ở vùng cao và chuyển dịch thời vụ ở vùng ngoài.

Ông Nguyễn Hợp Đoàn - Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: Một trong những giải pháp cơ bản là áp dụng nghiêm ngặt thời vụ, cơ cấu giống, tăng mức đầu tư thâm canh, áp dụng bón phân cân đối, phù hợp thổ nhưỡng từng vùng, tạo năng suất cao.

Bên cạnh đó, ngay trong vụ xuân này, huyện cũng đã cấp cho một số xã vùng cao và vùng ngoài bị ảnh hưởng bão lũ 20 tấn lúa giống HT1, đồng thời chỉ đạo gieo cấy trên 1.200 ha lúa chất lượng cao, hình thành vùng lúa hàng hóa ổn định cung cấp cho thị trường.

Chương trình tăng vụ ở vùng cao phấn đấu đạt trên 780 ha, trong đó có 450 ha cây đậu tương trở lên. Vùng ngoài đưa các giống ngắn ngày vào gieo cấy lúa đông xuân, mùa sớm để đảm bảo thời vụ trồng cây ngô đông, khoai tây từ 500 ha trở lên.

Một trong những thành công trong sản xuất nông nghiệp ở các xã vùng cao những năm qua là xóa ruộng một vụ bằng cách đưa các loại cây giá trị kinh tế cao như lạc, đậu tương vào sản xuất. Trong năm 2011, huyện tiếp tục mở rộng diện tích trồng lạc, đậu tương đạt 450 ha trở lên.

Sản xuất nông nghiệp năm 2011 dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn nhất là vấn đề khô hạn, nhưng với sự chỉ đạo và những giải pháp đề ra cùng sự nỗ lực của bà con nông dân, Văn Chấn chắc chắn sẽ giành thắng lợi.

Thanh Phúc

Các tin khác

YBĐT - Đến nay, dịch lở mồm long móng ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã lan ra 5 xã: Púng Luông, Zế Su Phình, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Cao Phạ. 483 con gia súc đã bị nhiễm dịch, gồm: 399 con trân bò, 84 con lợn, đến nay đã chết 47 bê nghé.

Tại cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm chiều 21-12, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần cho biết dịch cúm gia cầm cũng như dịch heo tai xanh đã cơ bản được khống chế.

12 loài cá nước ngọt mới phát hiện tại Việt Nam vừa được Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang (WAR) công bố ngày 21/12. Những loài này được phát hiện trong các cuộc điều tra tại Phú Quốc từ cuối năm 2008 đến nay.Trong số đó có những loài khá phổ biến ở Phú Quốc và quen thuộc với người dân địa phương.

Tại Công ty TNHH MTV nhựa Bình Minh Miền Bắc (KCN Phố Nối A, H.Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), Công ty CP nhựa Bình Minh vừa khánh thành dây chuyền sản xuất ống HDPE với các đường kính phi 710, 800, 900, 1.000 và 1.200 mm theo tiêu chuẩn ISO 4427-2:2007, nhằm phục vụ cho các dự án cấp thoát nước tại Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục