Chè Liên Sơn một năm vượt khó
- Cập nhật: Thứ tư, 9/2/2011 | 10:04:17 AM
YBĐT - Trong vài năm trở lại đây tình hình sản xuất, kinh doanh chè liên tục gặp khó khăn, năm thì không có thị trường tiêu thụ, năm thì thiếu nguyên liệu trầm trọng.
Chè thu hái đến đâu được cho vào chế biến ngay đến đó.
|
Mặc dù đã có nhiều giải pháp song hầu hết các doanh nghiệp chè sản xuất kinh doanh đều rơi vào cảnh "lận đận", có doanh nghiệp phải dừng sản xuất, thậm chí đóng cửa. Tuy nhiên Công ty cổ phần Chè Liên Sơn đã tìm cho mình hướng đi phù hợp, sản xuất kinh doanh hiệu quả. Trong năm 2010, Công ty đã sản xuất và thu mua đạt 3.300 tấn chè búp nguyên liệu, chế biến, tiêu thụ trên 1.600 tấn chè xanh, chè đen, doanh thu đạt trên 26 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 2 tỷ đồng, việc làm và thu nhập người lao động đảm bảo.
Ông Phan Văn An - Giám đốc Công ty cho biết: “Bước vào niên vụ sản xuất kinh doanh chè năm 2010, thị trường tiêu thụ có nhiều khởi sắc nhưng lại khó khăn trong thu mua nguyên liệu. Để có nguyên liệu cho sản xuất, Công ty đã chủ động đầu tư áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào diện tích trên 400 ha chè kinh doanh tạo năng suất, chất lượng. Mặc dù thời tiết nắng nóng, hạn hán song toàn bộ diện tích chè của Công ty vẫn sinh trưởng phát triển tốt, năng suất đạt 75-80 tạ/ha, nhiều diện tích đạt trên 100 tạ/ha. Sản lượng chè đã đáp ứng chế biến từ 70-75%.
Bên cạnh đó, Công ty còn tổ chức phối hợp ký hợp đồng tiêu thụ chè với các hộ dân trong vùng nguyên liệu với cơ chế giá cả ổn định. Những hộ dân nào thiếu vốn, vật tư phân bón thì Công ty sẵn sàng ứng trước sau đó thu bằng sản phẩm chè nguyên liệu; thành lập hàng trăm điểm thu mua thuận lợi giá cao cùng với phương thức mua đến đâu thanh toán ngay đến đó. Giá thu mua bình quân của Công ty ở mức 3 ngàn đồng/kg chè búp, nếu chè tốt có thể mua tới 4 ngàn đồng/kg”.
Cách làm đó đã phát huy hiệu quả, trong vụ sản xuất có nhiều nhà máy mỗi ngày chỉ chạy có vài giờ, công suất chỉ đạt 30- 40%, nhưng nhà máy chế biến của Công ty Chè Liên Sơn vẫn rộn ràng tiếng máy. Trong năm Công ty đã tự sản xuất được trên 2 ngàn tấn chè nguyên liệu và thu mua từ các hộ dân 1.300 tấn và sản xuất chế biến 1.500 tấn chè xanh, chè đen các loại. Những con số đó không phải là lớn nhưng với tình hình chung của sản xuất kinh doanh chè năm 2010 thì đó là con số mơ ước của nhiều doanh nghiệp chè.
Có lẽ chỉ những người trong cuộc và những người tâm huyết với cây chè mới hiểu hết nỗi gian truân của các doanh nghiệp trong “cuộc chiến” nguyên liệu. Để có nguyên liệu cho sản xuất nếu như không muốn đóng cửa nhà máy buộc doanh nghiệp phải đẩy giá thu mua lên cao. Song song với đó, Công ty còn vận động anh em cán bộ công nhân viên phát huy cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm chi phí trong sản xuất, giảm số người lao động gián tiếp, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như mẫu mã tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm.
Trong tiêu thụ sản phẩm, chiến lược của Công ty là không nhất thiết phải xuất khẩu trực tiếp hay xuất ủy thác mà cứ công ty đơn vị trong và ngoài có nhu cầu là Công ty bán luôn với điều kiện thanh toán tiền ngay. Bởi theo ông An - xuất khẩu trực tiếp chưa chắc đã cho lãi cao vì muốn xuất một lô hàng cần rất nhiều thủ tục và chi phí khác cùng với đối tác thường thanh toán chậm sau hàng tháng thậm chí nửa năm. Bán trong nước giá có thấp hơn nhưng vốn được thanh toán ngay để quay vòng và giảm mọi chi phí trong xuất khẩu nên vẫn lãi hơn xuất trực tiếp hoặc xuất ủy thác.
Rõ ràng, sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế thị trường như hiện nay phần thắng thuộc về những doanh nghiệp có phương hướng sản xuất kinh doanh phù hợp. Đã là một doanh nghiệp ngoài việc bảo tồn vốn, tạo công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy kinh tế địa phương, đóng góp đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước và phải chấp nhận cạnh tranh theo cơ chế thị trường. Cùng với việc cạnh tranh, doanh nghiệp cũng phải xây dựng chiến lược sản phẩm và chiến lược vùng nguyên liệu bền vững.
Phát huy kết quả đã đạt được trong năm 2011 này, Công ty phấn đấu mức tăng trưởng trên 10%, sản xuất và tiêu thụ trên 1.600 tấn chè xanh, chè đen, doanh thu đạt trên 30 tỷ đồng, lương công nhân lao động đạt trên 2.700 ngàn đồng/người/tháng, cổ tức đạt 15% năm.
Để đạt được mục tiêu đó, Công ty tiếp tục đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất chè đen và chè xanh hiện có, cơ cấu sản xuất chè xanh lên 40% đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã; chú trọng sản xuất chè sạch, phát triển vùng chè nguyên liệu đáp ứng tốt cho chế biến, không thu mua chè hái không đúng phẩm cấp, chất lượng; tăng cường mối liên kết giữa Công ty với chính quyền và người dân vùng nguyên liệu, tổ chức ký kết thu mua, tiêu thụ nguyên liệu với giá cao và ổn định.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Năm 2011, năm đầu huyện Yên Bình thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp một cách tự tin trong sắc và diện mới. Những thành tựu quan trọng trong năm 2010 đã tạo động lực quan trọng để huyện vững vàng bước vào nhiệm kỳ mới.
YBĐT - Thời gian qua, Trạm Khuyến nông thành phố Yên Bái đã thực hiện thành công nhiều mô hình trong chăn nuôi, trồng trọt cho hiệu quả kinh tế cao.
Hôm qua 8.2, Bộ NN-PTNT xác nhận, ngày 30.1.2011 Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại 6 nước châu Âu đã rút cá tra Việt Nam ra khỏi danh sách đỏ trong cuốn Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản phát hành ở các nước này.
PVFCCo đang ưu tiên vận chuyển hơn 280.000 tấn đạm ra thị trường phía Bắc nhằm đảm bảo bình ổn thị trường phía Bắc đang bước vào cao điểm sản xuất vụ đông-xuân.