Đầu xuân gặp người làm rau Noong Ở
- Cập nhật: Thứ ba, 15/2/2011 | 3:07:07 PM
YBĐT - Rau ở Mường Lò ngon, ngọt còn nhờ khí hậu trong lành, đất đai màu mỡ, trong đấy chứa nhiều vi chất quý hiếm mà không phải cánh đồng nào, vùng quê nào cũng có được.
Nông dân Nghĩa Lộ chăm sóc rau vụ đông.(Ảnh: Minh Tuấn)
|
Đem câu chuyện mấy chị bạn ở thành phố Yên Bái và cả Hà Nội “kéo” khách đến nhà ăn nhậu bằng lời mời: “Đến nhà ăn đặc sản rau, cà chua Mường Lò” kể với đồng chí Nguyễn Hợp Đoàn - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn, được anh cho biết: “Thứ rau mà các bà, các chị coi là đặc sản ấy chủ yếu trồng ở thôn Noong Ỏ, xã Phù Nham.
Tuy rau xanh ở đây không nhiều, không nổi tiếng như rau ở Đà Lạt hay Sa Pa nhưng bà con người Thái, người Mường, người Kinh nơi đây có quyền tự hào bởi rau quả mà mình làm ra ngon, lành, trồng bao nhiêu thương lái Nghĩa Lộ, Yên Bái và cả Hà Nội mua hết bấy nhiêu.
Cũng nhờ vườn rau mà đời sống của bà con trong thôn đã khá lên rất nhiều.
Ông Trưởng thôn Noong Ỏ - Vũ Xuân Hòa đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng rau Noong Ỏ.
Những ruộng rau xanh mượt, được trồng thẳng và đều tăm tắp, nào cà rốt, cà chua, xúp lơ, bắp cải, xu hào, hành, mùi... trưởng thôn Vũ Xuân Hòa nói vanh vách các số liệu về thôn Noong Ỏ. Thôn có 86 hộ, ba dân tộc Kinh, Mường, Thái, cả thôn chỉ có 6 ha ruộng và 8,6 ha màu, số ruộng ít ỏi ấy không mấy khi gieo cấy đủ hai vụ lúa, một vụ ngô như các thôn, các xã khác trong vùng lòng chảo Mường Lò.
Tất cả tập trung trồng rau xanh - ông trưởng thôn khẳng định rồi cho biết thêm: “Nhờ rau xanh mà thôn Noong Ỏ không còn hộ đói, hộ nghèo, nhà nào cũng có cuộc sống ổn định, phong trào xây nhà đang phát triển mạnh, sau rằm tháng giêng có hai hộ nữa lại xây nhà, những nhà khác không xây nhà cũng làm nhà gỗ cột kê khang trang”. Những ụ phân chuồng được ủ cho hoai mục để bón lót, những mương xây dẫn nước trong vắt chảy từ lưng núi xuống để tưới cho rau, hai chi tiết này đã cho thấy rau ở Noong Ỏ là rau sạch.
Lời nhận xét của tôi khiến cả Phó chủ tịch huyện và Trưởng thôn Noong Ỏ thêm phần cởi mở, các anh cho biết: Rau ở Mường Lò ngon, ngọt còn nhờ khí hậu trong lành, đất đai màu mỡ, trong đấy chứa nhiều vi chất quý hiếm mà không phải cánh đồng nào, vùng quê nào cũng có được. Thiên nhiên đã ban tặng cho Mường Lò những tiềm năng ấy, còn người Noong Ỏ lại biết tận dùng tiềm năng, thế mạnh của mảnh đất quê hương mình để vươn lên xóa đói, giảm nghèo.
Cụ Đào Thị Dịch đang thu hoạch ruộng cà rốt, sau những nhát cuốc bổ xuống là những củ cà rốt vàng lịm, mập mạp bật lên.
Dừng tay cuốc, cụ Dịch tâm sự: “75 tuổi rồi nên không còn sức, tôi trồng cà rốt cho đỡ vất. Có sức mà trồng cà chua như các nhà khác thì thắng quá. Một sào cà chua thu ít nhất 2 tấn quả, bán buôn cũng được 10 nghìn một cân”.
Một sào ruộng trồng rau ở Noong Ỏ mỗi vụ thu được 20 triệu đồng, mỗi năm trồng ít nhất được 2,5 đến 3 vụ, như vậy, tổng thu nhập trên mỗi ha diện tích ở đây là hàng trăm triệu đồng, con số ấy là rất thực tế chứ không phải “tính cua trong lỗ” như nhiều người vẫn thường nói.
Trong câu chuyện với chị Nguyễn Thị Lan nhà ở giữa thôn, chúng tôi được biết nhà chị có 2000 m2 đất màu, cả nhà cứ quanh quẩn với số đất ấy mà không hết việc, cứ vụ nọ gối vụ kia. Nhờ cây rau màu mà nhà chị đã có cuộc sống ổn định, làm được nhà, mua được các phương tiện sinh hoạt. “Bao đời nay người Noong Ỏ trồng rau cung cấp cho Nghĩa Lộ. Mùa nào, thức ấy, người phố muốn gì thì mình trồng cây cấy”, lời chị Lan mộc mạc chân thành.
Về phương diện tăng gia, sản xuất thì đúng là người Thái, người Mường, người Kinh ở Noong Ỏ đã tiến kịp miền xuôi, nhưng từ câu chuyện ở Văn Chấn - Mường Lò cho thấy cả nghìn ha đồng đất Mường Lò có thổ nhưỡng, khí hậu như nhau mà chỉ có Noong Ỏ (Phù Nham) và khu phố 3B (thị trấn Nông trường Nghĩa Lo), làm được rau, thành công nhờ cây rau, cho dù diện tích trồng rau của toàn thôn mới chỉ có 8,6 ha. Câu hỏi đặt ra là những thôn, những bản, những xã, phường khác ở đó thì sao, khi mà thị trường rau xanh vẫn chưa được khai thác hết.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Là xã đi đầu của huyện Lục Yên về thực hiện chủ trương sản xuất ngô đông theo hướng hàng hoá, vụ đông năm 2010, xã Lâm Thượng tiếp tục chỉ đạo bà con nhân dân tận dụng tối đa diện tích đất nông nghiệp để trồng ngô đông.
Ngày 14-2, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, xuất khẩu gạo đến giữa tháng 2 đạt trên 600.000 tấn, đạt giá trị trên 300 triệu USD.
Mở cửa sáng 15-2, các thương hiệu vàng trong nước đều niêm yết giá tăng thêm 270.000 đồng/lượng so với giá chiều 14/2.