Giải pháp đảm bảo nguồn nước tưới cho vụ đông xuân
- Cập nhật: Thứ tư, 9/3/2011 | 9:07:58 AM
YBĐT - Vụ đông xuân 2010 – 2011, tỉnh Yên Bái có kế hoạch gieo trồng 17.500 ha lúa.
Cán bộ Công ty TNHH Thủy nông Tân phú bảo dưỡng máy bơm.
|
Đầu vụ các địa phương dự kiến sẽ có 2.194 ha bị hạn, tuy nhiên theo Chi cục Thủy lợi đến thời điểm này nước đổ ải vào đồng ruộng cơ bản đủ để gieo cấy nên đến nay toàn tỉnh đã cấy được trên 50% diện tích. Mặc dù vậy, theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh, tổng lượng mưa năm 2010 thiếu hụt 25-30% so với trung bình nhiều năm, Hầu hết mực nước các sông suối trong tỉnh xuống thấp, lượng dòng chảy thiếu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của cả vụ đông xuân.
Theo dự báo của Trung tâm, vẫn còn nguy cơ hạn cho sản xuất vụ đông xuân năm nay, đặc biệt trong giai đoạn tưới dưỡng cho lúa. Một số huyện khi có hạn xảy ra không có nguồn nước để bơm, tát phục vụ tưới cho cây trồng. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Quốc Hưng - Giám đốc Chi cục Thủy lợi cho biết: "Do nguồn nước thiếu hụt nhiều công trình thuỷ lợi nhỏ không có khả năng phục vụ tưới tiêu. Các công trình này tập trung ở một số địa phương như: Văn Yên 27 ha, Lục Yên 131 ha, thành phố Yên Bái 14,3 ha, Yên Bình 28 ha".Một số huyện dự báo đầu vụ thiếu nước sản xuất nhưng hiện nay vẫn đảm bảo cấy đủ diện tích. Điển hình như huyện Trấn Yên đến thời điểm này đã gieo cấy được 2.430 ha đạt 92,7%, dự kiến đến 5/3 sẽ cấy xong.
Anh Nguyễn Thế Triển - Phó phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Trấn Yên cho biết: "Trấn Yên không có diện tích bị hạn. Năm 2010 chúng tôi đã tu sửa nâng cấp sức chứa cho 2 công trình thuỷ lợi ở 2 xã Cường Thịnh và Đào Thịnh khắc phục việc thiếu nước thường xuyên cho 220 ha. Tuy nhiên, qua theo dõi thông tin thuỷ văn chưa thể khẳng định vụ đông xuân năm nay không xảy ra hạn, chúng tôi đã chỉ đạo các ban quản lý thuỷ nông xã có kế hoạch sử dụng nước tiết kiệm và chuẩn bị các phương án chống hạn".
Ông Trần Đức Bảy - Giám đốc Công ty TNHH thuỷ nông Tân Phú, đơn vị được giao quản lý phần lớn các tuyến kênh mương ở Trấn Yên, cho biết: "Đầu vụ đông xuân năm nay không có mưa, mực nước ở các hồ chứa, đập dâng thấp, chúng tôi dự báo sẽ có khoảng 400 ha thiếu nước sản xuất. Tuy nhiên trong tháng 12/2010 đã có một số đợt mưa giúp cho các hồ chứa tích đủ nước phục vụ tưới tiêu cho trên 2.870 ha (bao gồm cả 6 xã của thành phố Yên Bái) do đơn vị quản lý".
Cũng theo ông Bảy, đủ nước phục vụ sản xuất tại thời điểm này không có nghĩa là toàn vụ sẽ đủ nước. Nếu từ nay đến trung tuần tháng 3 không có mưa lớn thì sẽ thiếu nước cục bộ khoảng 400 ha đã dự kiến ban đầu. Hiện tại, Công ty đã chuẩn bị 18 tổ máy bơm dầu, 2 tổ máy bơm điện sẵn sàng cho công tác chống hạn. Việc sử dụng nước cho tưới tiêu cũng đã được công ty lên kế hoạch căn cứ vào lịch thời vụ của huyện để phối hợp với các xã thống nhất lịch lấy nước vào đồng, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm.
Năm 2010, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn toàn tỉnh được đầu tư tu bổ sửa chữa bằng nhiều nguồn vốn, trong đó các cửa cống lấy nước đều được nạo vét sa bồi, nhiều sông trục được khơi nạo bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.Đồng thời công tác thủy lợi vụ đông xuân năm 2010 – 2011 được Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn sớm tham mưu cho tỉnh xây dựng kế hoạch và phối hợp với các địa phương tập trung chỉ đạo nên đạt hiệu quả cao.
Ngoài ra, để chủ động đối phó với tình trạng hạn hán như Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, các biện pháp khắc phục đã được ngành nông nghiệp triển khai nhanh chóng xuống các địa phương. Theo đó, các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị quản lý thuỷ nông, các cơ sở quản lý thủy nông ở các xã có hồ, ao chứa nước thì phải được đóng lại để tích nước.
Trong trường hợp cần thiết phục vụ nước sinh hoạt thì sử dụng tiết kiệm, hợp lý, tưới cây vụ đông năm 2011 như rau mầu, đậu, ngô đông trên đất 2 vụ lúa thì triệt để tận dụng nguồn nước tự chảy từ công trình đập dâng, kênh dẫn; tiếp tục tu sửa nạo vét các tuyến kênh chính, kênh nội đồng, cửa cống, đầu kênh, bể hút, bể xả, các trạm bơm chống rò rỉ trên kênh đảm bảo khi dẫn nước nhanh, phục vụ tưới hợp lý, tưới đúng, đủ lượng nước cho cây trồng. Hạn chế mức thấp nhất rò rỉ, mất nước dọc đường trong quá trình dẫn nước. Tiến hành khẩn trương sửa chữa các hạng mục công trình thuỷ lợi do mưa lũ gây ra. Các ban quản lý thuỷ nông xã, các công ty, các trạm quản lý thuỷ nông xây dựng kế hoạch dùng nước phải đúng lịch gieo cấy và thống nhất với UBND từng xã.
Trong quá trình cấp nước các đơn vị quản lý khai thác bố trí công nhân dẫn nước, triệt để thực hiện đúng lúc, đủ lượng, công bằng với các hộ dùng nước. Vụ đông xuân năm 2009 - 2010, UBND tỉnh đã cấp 660 triệu đồng cho các đơn vị quản lý, khai thác các công trình thuỷ lợi 9 huyện thị, thành phố mua 58 máy bơm để chống hạn. Vụ đông xuân 2010 - 2011 các địa phương cần tiếp tục sử dụng có hiệu quả thiết bị đã được mua sắm để đảm bảo tốt cho công tác chống hạn ở địa phương.
Đặc biệt, diễn biến thời tiết trong một vài năm gần đây có chiều hướng bất thường, khó dự đoán, sản xuất vụ đông xuân năm nay khả năng hạn hán sẽ diễn ra. Vì vậy, các hộ dân cần phải thực hiện triểt để tiết kiệm nước sản xuất ngay từ đầu vụ. Các huyện, thị, thành phố, các đơn vị quản lý, khai thác cần chỉ đạo sát sao và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn đảm bảo nguồn nước tưới đầy đủ cho vụ đông xuân.
Anh Dũng
Các tin khác
YBĐT - Thực hiện Nghị quyết 11/NQ - CP của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, phóng viên YBĐT đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Xuân Sáng - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở KH - ĐT về những giải pháp của Yên Bái trong thực hiện Nghị quyết của Chính phủ.
Ngày 8/3, NHNN ban hành quyết định tăng các mức lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng lên 12%/năm.
Quyết định gồm 4 điều, quy định rõ đối tượng áp dụng, trong đó có Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu…
Bộ GTVT cho biết đã chính thức triển khai chương trình hành động về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.