Mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở Trấn Yên

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/9/2011 | 2:00:34 PM

YBĐT - Những năm gần đây, kinh tế của Trấn Yên phát triển chủ yếu là nhờ chăn nuôi lợn và gia cầm. Năm 2011, trong bối cảnh lạm phát, ngành chăn nuôi Trấn Yên vẫn có sự tăng trưởng khá. Đàn lợn tăng và luôn duy trì ở mức 57.000 con, đàn gia cầm trên 500.000 con.

Bác Phạm Xuân Ninh ở thôn 6, xã Việt Cường nuôi hươu sao mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bác Phạm Xuân Ninh ở thôn 6, xã Việt Cường nuôi hươu sao mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chăn nuôi tập trung phát triển mạnh ở các xã như: Minh Quán, Nga Quán, thị trấn Cổ Phúc. Nét nổi bật trong phát triển chăn nuôi trang trại tập trung trong mấy năm gần đây là một số địa phương đã chủ động xây dựng quy hoạch sản xuất chăn nuôi theo hướng phát triển bền vững và đã hình thành một số khu chăn nuôi trang trại tập trung.

Theo đánh giá của nhiều chủ trang trại, trong điều kiện chăn nuôi hiện nay, người chăn nuôi có lãi lớn, nếu như trước đây chăn nuôi lợn mỗi lứa chỉ lãi 200 ngàn đồng/con/lứa, thì nay có thể lãi 1,5 triệu đồng. Như vậy càng chăn nuôi quy mô lớn thì thu lợi càng cao.

Trưởng phòng Nông nghiệp huyện - Nguyễn Thành Lê khẳng định: “Chăn nuôi tập trung tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, hiệu quả cao, từng bước kiểm soát được chất lượng sản phẩm, kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Chăn nuôi trang trại tập trung tận dụng, khai thác tiềm năng quỹ đất, nhất là các vùng đất trũng, đất hoang hóa. Khai thác tiềm năng vốn có của mọi thành phần kinh tế đầu tư vào chăn nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Với gần 50 trang trại trên địa bàn, bình quân sử dụng từ 3-5 lao động đã giải quyết việc làm cho trên 150 lao động với mức thu nhập trung bình từ 1,5 đến 2 triệu đồng/người/tháng là một hướng chuyển đổi kinh tế rất có hiệu quả trong nông nghiệp hiện nay.

Bên cạnh những trang trại đang duy trì chăn nuôi khá tốt vẫn còn nhiều trang trại chăn nuôi ở quy mô nhỏ nhưng khi phát triển lên quy mô lớn thì liên tiếp gặp phải khó khăn, thậm chí dẫn đến phá sản. Điển hình như trang trại của anh Nguyễn Văn Khánh, thôn Tân Thành, xã Tuy Lộc, từ một hộ chăn nuôi nhỏ, năm 2005 anh đầu tư phát triển theo hướng chăn nuôi lợn siêu nạc.

Ban đầu anh chỉ nuôi 20-30 đầu lợn một lứa, vài năm sau thấy hiệu quả cao anh vay vốn ngân hàng, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh để mở rộng quy mô, đầu tư xây dựng chuồng trại, chăn nuôi với số đầu lợn trên 100 con/lứa. Tuy nhiên, khi mở rộng chăn nuôi, đòi hỏi trình độ quản lý trang trại cao hơn, yêu cầu về kỹ thuật, hoạch toán kinh tế cũng khác... anh Khánh đã không thể tiếp tục duy trì trang trại.

Đây cũng là bài học kinh nghiệm đối với các chủ trang trại khi phát triển lên quy mô lớn hơn, đòi hỏi phải có những bước đi chính xác, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết trước khi mở rộng quy mô chăn nuôi. Chăn nuôi trang trại tập trung hiện nay ở Trấn Yên còn mang tính tự phát, chưa có quy hoạch tổng thể. Một số trang trại lớn gặp khó khăn về vấn đề môi trường sinh thái và đảm bảo an toàn dịch bệnh đối với trang trại và vùng vành đai.

Quỹ đất dành cho chăn nuôi trang trại còn hạn chế, đất đai manh mún, đang là trở ngại lớn để phát triển chăn nuôi trang trại tập trung. Ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, nhiều trang trại xây dựng ở khu dân cư, dịch bệnh đe dọa thường xuyên. Trình độ quản lý, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm sản xuất của các chủ trang trại còn hạn chế. Sản phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, nhất là khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.

Để đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất mũi nhọn, huyện cần có chính sách, quy hoạch định hướng lâu dài, ổn định các vùng chăn nuôi công nghiệp tập trung; đổi mới về chính sách cho vay tín dụng như tăng hình thức cho vay trung hạn, dài hạn, thế chấp tài sản hình thành sau đầu tư, liên doanh, liên kết cùng đầu tư giữa ngân hàng và chủ trang trại chăn nuôi tập trung.

Huy động, kêu gọi các nguồn vốn, khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác kinh tế, như hiệp hội, câu lạc bộ, hợp tác xã chăn nuôi; chăn nuôi trang trại, sản xuất khối lượng hàng hóa lớn, cần có thị trường ổn định, bền vững, vì vậy, cần có chính sách ưu tiên đầu tư, xây dựng cơ sở chế biến, giết mổ; tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm, chất lượng thức ăn chăn nuôi, điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm; di dời các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường ra xa khu dân cư, có chính sách cơ chế hỗ trợ xử lý môi trường; có chính sách hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao khả năng, trình độ chuyên môn chăn nuôi, phòng, quản lý dịch bệnh...

Hoàng Anh

Các tin khác

Kể từ hôm nay (1/9) hàng loạt quyết định quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người tiêu dùng như tăng khung lệ phí trước bạ, điều chỉnh giá bán điện theo thông số đầu vào cơ bản… sẽ chính thức có hiệu lực.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Tạ Văn Long tặng hoa chúc mừng và yêu cầu các đơn vị khẩn trương ổn định tổ chức bộ máy.

YBĐT - Ngày 31/8, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Lễ công bố các quyết định của UBND tỉnh về việc thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất và Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh Yên Bái.

Hàng năm vào dịp đầu xuân, chính quyền xã Xuân Long lại tổ chức xuống đồng thi cày, bừa để đẩy mạnh phong trào thi đua trong sản xuất.

YBĐT - Bằng sự quan tâm chú trọng đến việc thâm canh, tăng vụ và chăm sóc tốt cho cây trồng, những năm gần đây, nhân dân xã Xuân Long, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã có nguồn thu nhập ổn định, đời sống đã được cải thiện rõ rệt.

Việc giá vàng quốc tế bứt phá trong phiên đêm qua đã khiến giá vàng trong nước tăng "dữ dội" ngay giờ mở cửa phiên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục