Nhà nước và nhân dân không thể cứ gánh hậu quả do quản lý yếu kém của ngành điện

  • Cập nhật: Thứ hai, 21/11/2011 | 8:35:28 AM

Chiều 19-11, Bộ Công thương tổ chức họp báo công bố giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2010. Theo Bộ Công thương, việc công bố giá thành điện năm 2010 là trên cơ sở thực hiện quy định về kiểm tra, xác nhận giá thành sản xuất, kinh doanh điện tại Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg ngày 25-8-2011.

Đầu tư ngoài ngành, kinh doanh gây thất thoát..., người sử dụng điện yêu cầu EVN phải minh bạch nguyên nhân các khoản lỗ.
Đầu tư ngoài ngành, kinh doanh gây thất thoát..., người sử dụng điện yêu cầu EVN phải minh bạch nguyên nhân các khoản lỗ.

Tuy nhiên, đến thời điểm này đã gần hết năm 2011 thì việc công bố giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2010 đã là quá muộn và không còn ý nghĩa nữa nếu không phải với mục đích đưa toàn bộ khoản lỗ kinh doanh điện năm 2010 vào đợt điều chỉnh giá điện tới. Trả lời báo chí, vị Thứ trưởng Bộ Công thương nói rằng: Nếu không giải quyết khoản lỗ đó bằng tăng giá điện thì ngành điện sẽ phá sản!

Có nguyên nhân từ quản lý yếu kém

Giá điện không hợp lý sẽ dẫn đến sử dụng điện không hợp lý; các nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng kẽ hở về giá điện đầu tư vào Việt Nam để sản xuất rồi xuất khẩu sản phẩm hưởng lợi.

Ai cũng biết phải trợ giúp giá điện cho người nghèo, phải bảo đảm giá điện có lãi và đủ để thu hút đầu tư. Nếu không sớm làm được việc đó, thì hệ lụy sẽ là không có điện để phục vụ cho đời sống, sản xuất. Điện mà thiếu sẽ hạn chế tăng trưởng kinh tế, hạn chế cả các dịch vụ xã hội.

Tuy nhiên, vấn đề giá thành như thế nào thì hiện nay không có căn cứ để biết được, nhất là không biết chi tiêu của ngành điện có hợp lý hay không. Không công khai kết quả kiểm toán, không công khai số liệu, cũng không công khai tỷ lệ quản lý chi phí… Điều đó tức là không có đủ dữ liệu căn cứ rõ ràng để tính giá điện chuẩn.

Cũng cần nói thêm, ngoài việc thiếu công khai, minh bạch về cơ cấu chi tiêu giá thành, thì việc quy trách nhiệm về một đối tượng cụ thể cũng chưa được thực hiện.

Đơn cử, sau một loạt vụ việc sai phạm được phát hiện tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam, mặc dù đã được cơ quan chức năng là Thanh tra Bộ Tài chính kết luận và Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo EVN kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến những vi phạm, báo cáo Thủ tướng kết quả, nhưng có lẽ do không quy định thời hạn nên tính đến nay đã hơn một tháng, mọi việc dường như vẫn dậm chân tại chỗ.

Từ trước đến nay, bằng cách này hay cách khác, Chính phủ đều dồn sức ưu tiên đầu tư cho ngành điện vì đó là nguồn năng lượng quốc gia, tác động lên mọi mặt đời sống xã hội. Nhưng thực tế, ngành điện lại rót tiền đầu tư vào các lĩnh vực khác không phải nhiệm vụ chính của mình. Và đó có phải là lý do mỗi khi ngành này đòi tăng giá điện, thì người dân lại phản ứng?

Các tập đoàn kinh tế đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình sang các lĩnh vực khác như chứng khoán hay bất động sản là vì chạy theo lợi nhuận, là rất bình thường. Có điều là Nhà nước đầu tư lập ra ngành điện để phục vụ sản xuất điện, cung cấp điện cho nền kinh tế, chứ không phải để ngành điện đem đi đầu tư vào các ngành khác.

Chính phủ, Quốc hội buộc EVN phải báo cáo rõ nguồn tiền của Nhà nước đã được đem đi đầu tư như thế nào... Việc đầu tư đó đem lại lợi nhuận và đầu tư trở lại cho ngành điện được bao nhiêu?

Theo kết quả công bố, năm 2010 sản xuất, kinh doanh điện của EVN lỗ 10.162 tỷ đồng (chưa tính đến lỗ tại các công ty cổ phần điện EVN góp vốn). Chi phí còn treo lại chưa được tính hết vào giá thành sản xuất, kinh doanh trong năm 2010, bao gồm khoản lỗ chênh lệch tỷ giá là 15.463 tỷ đồng và chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn còn lại là 356 tỷ đồng. Bộ Công thương cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh điện của EVN bị lỗ là do sản lượng thủy điện thấp (do thiếu hụt nước nghiêm trọng) nên EVN phải huy động các nhà máy chạy dầu của EVN và mua điện ngoài với giá cao gấp 3-4 lần giá bán điện bình quân, làm tăng chi phí rất lớn so với kế hoạch chi phí được duyệt trong phương án giá điện năm 2010. Ngoài ra, tiến độ của một số nhà máy điện chậm, biến động tỷ giá hối đoái, biến động giá nhiên liệu cũng là nguyên nhân gây lỗ.

Nguyên nhân này, về hình thức là không sai, nhưng xét sâu xa là do những sai lầm trong quản lý, điều hành của lãnh đạo EVN. Từ nhiều năm nay, EVN luôn trong tình trạng thiếu vốn đầu tư cho các công trình điện nhưng lại đem tiền đi đầu tư vào những lĩnh vực ngoài ngành. Trong khi đó, thiếu vốn cũng là một trong những nguyên nhân chính làm chậm tiến độ các công trình điện.

Việc đầu tư ra ngoài ngành cũng làm phân tán nhân lực và năng lực của EVN trong việc thực hiện nhiệm vụ chính.

Giá điện có thể sẽ bị ảnh hưởng trong "cuộc bàn giao bất đắc dĩ"

Theo kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện của liên bộ Công thương - Tài chính, tổng chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2010 là 101.096 tỷ đồng, tương ứng với giá thành sản xuất, kinh doanh điện là 1.180,0 đồng/kWh điện thương phẩm. Trong đó: tổng chi phí khâu phát điện là 78.498 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo thương phẩm là 912,2 đồng/kWh; tổng chi phí khâu truyền tải điện là 5.626 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 65,7 đồng/kWh; tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện là 16.208 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phân phối - bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 189,2 đồng/kWh và tổng chi phí khâu phụ trợ - quản lý ngành là 764 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phụ trợ - quản lý ngành theo điện thương phẩm là 8,9 đồng/kWh.

Kết quả trên cho thấy, tất cả những chi phí cho sản xuất, kinh doanh điện đều được tính vào giá thành từng kWh điện. Vì vậy, điều khiến người dân lo ngại khi EVN đang có ý định bàn giao toàn bộ cáp quang và hạ tầng công nghệ thông tin đã được đầu tư cho vận hành hệ thống điện sang cho Viettel với mục đích để Viettel chấp nhận tiếp nhận khoản nợ và lỗ từ đầu tư và kinh doanh viễn thông của EVN.

Điều dễ nhận thấy là khi việc bàn giao này được chấp thuận có nghĩa là toàn bộ hệ thống cáp quang và hạ tầng công nghệ thông tin đã được đầu tư cho vận hành hệ thống điện được tính vào khấu hao tài sản của điện và giá điện sẽ lại phải tính lần nữa khi EVN phải thuê lại của Viettel hoặc đầu tư mới.

Đơn cử, năm 2006, xét đề nghị của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) về Hiệp định Tài trợ cho dự án Cáp quang viễn thông điện lực sử dụng vốn ORET của Chính phủ Hà Lan, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nội dung hiệp định tài trợ, đồng thời ủy quyền cho Bộ Công nghiệp thay mặt Chính phủ ký hiệp định trên với Hà Lan. Dự án cáp quang này được đầu tư với mục đích vận hành hệ thống điện, nhưng đến năm 2009 EVN chỉ đạo Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia phải bàn giao một phần lớn tài sản viễn thông dự án ORET cho Công ty Thông tin viễn thông điện lực với tổng giá trị tài sản bàn giao tạm tính là hơn 337 tỷ đồng, trong đó vốn vay gần 269 tỷ đồng, còn lại là vốn khấu hao cơ bản của EVN.

Việc Chính phủ yêu cầu EVN không được kinh doanh viễn thông và phải bàn giao cho Viettel hoặc những yêu cầu khác liên quan đến thoái vốn kinh doanh ngoài ngành để minh bạch giá điện là chủ trương đúng đắn và cần thiết, nhưng những tài sản liên quan đến chi phí giá điện đã được đầu tư phải được tính toán, cân nhắc để không làm tăng thêm chi phí giá điện.

Một vấn đề quan trọng nữa là nếu EVN bàn giao toàn bộ hệ thống cáp quang và hạ tầng công nghệ thông tin thì sẽ đồng nghĩa với việc không khả thi thực hiện thị trường điện là nhiệm vụ Chính phủ đã giao cho Bộ Công thương triển khai. Không thể lấy khách hàng dùng điện để trả giá cho những sai phạm của một nhóm lãnh đạo EVN.

Dư luận đang đòi hỏi xử lý nghiêm minh những sai phạm đối với cá nhân trong vụ bê bối và làm ăn thua lỗ trong đầu tư và kinh doanh viễn thông của EVN và có phần tác động đến thua lỗ trong sản xuất, kinh doanh điện. Đồng thời mong muốn phải minh bạch trong cuộc "bàn giao bất đắc dĩ" tài sản của EVN.

Nếu các cơ quan chức năng không sớm xử lý những cá nhân sai phạm thì điều dễ nhận thấy là EVN sẽ tiếp tục có thêm sai phạm. Nếu có phá sản - như vị thứ trưởng Bộ Công thương nói - thì lãnh đạo ngành điện phải chịu trách nhiệm. Nhà nước và nhân dân không thể cứ gánh hậu quả do sự quản lý yếu kém của lãnh đạo ngành điện!

(Theo HNMO)

Các tin khác

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên tuyến biên giới phía Bắc vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là buôn lậu những mặt hàng than, khoáng sản, hàng tiêu dùng, thuốc lá, rượu, phân bón, thuốc trừ sâu...

YBĐT - Tối ngày 19/11, tại tổ 20, phường Hồng Hà, UBND thành phố Yên Bái tổ chức lễ khai mạc Hội chợ kích cầu hàng tiêu dùng thành phố Yên Bái năm 2011.

Hy vọng Nghị định sẽ góp phần chấn chỉnh tình trạng kinh doanh gian lận xăng dầu.

Từ ngày 1/1/2012, Nghị định 104 quy định xử phạt vi phạm hành chính kinh doanh xăng dầu sẽ chính thức có hiệu lực.

Bộ GTVT vừa có Quyết định số 2621/QĐ-BGTVT ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2012 của Bộ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục