Văn Yên: Nhiều giải pháp phát triển kinh tế
- Cập nhật: Thứ ba, 10/4/2012 | 2:55:13 PM
YBĐT - Năm qua mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của lạm phát, chính sách thắt chặt tiền tệ cùng sự leo thang của hàng loại các nguyên liệu đầu vào nhưng giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện Văn Yên (Yên Bái) vẫn có sự tăng trưởng khá và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế.
Dây chuyền sản xuất ván bóc của HTX Đại Tiến, thôn Đại An, xã An Thịnh.
|
Xác định CN-TTCN khâu đột phá trong phát triển kinh tế, những năm qua huyện Văn Yên đã ban hành nhiều cơ chế ưu đãi, tập trung nguồn lực xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu du lịch - thương mại nhằm thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài địa bàn tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Nhờ vậy, đến hết năm 2011, ngoài 2 cụm công nghiệp ở phía Tây cầu Mậu A và xã Đông An, huyện Văn Yên còn thu hút gần 60 công ty, doanh nghiệp (Trung ương và địa phương) cùng 1.300 hộ tham gia sản xuất, kinh doanh.
Bà Nguyễn Hồng Vân - Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện cho biết: “Mục tiêu năm 2012, huyện phấn đấu đưa giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 270 tỷ đồng, trong đó sẽ tập trung phát huy lợi thế của các ngành công nghiệp thế mạnh”.
Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, mặc dù tình hình sản xuất từ đầu năm đến nay tương đối ổn định, giá trị sản xuất CN-TTCN 2 tháng đầu năm vẫn đạt trên 56 tỷ đồng (bằng 20,9% kế hoạch) nhưng các doanh nghiệp vẫn chỉ hoạt động cầm chừng, sự tăng trưởng chỉ tập trung ở các lĩnh vực chế biến tinh bột sắn, sắn lát khô, chế biến tinh dầu quế. Không những thế “sức nóng” từ chính sách thắt chặt tiền tệ, lạm phát cùng sự tăng giá của xăng, điện, ga đang khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Dương - Chủ nhiệm HTX Đại Tiến, thôn Đại An, xã An Thịnh cho biết: “HTX của tôi mới hoạt động trở lại một tháng nay nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ bấp bênh, đối tác chậm trả tiền trong khi việc tiếp cận với các nguồn vốn vay dường như là không thể. Bên cạnh đó, với việc giá sắn năm nay giảm một nửa so với năm ngoái đang khiến người dân cũng như nhiều doanh nghiệp chế biến sắn điêu đứng vì không có đầu ra”.
Trước những khó khăn này, huyện Văn Yên đã thực hiện hàng loạt chính sách và giải pháp phát triển kinh tế. Theo đó, dưới sự hỗ trợ của tỉnh, huyện đã thành lập 1 tổ giải phóng mặt bằng tiến hành đo đạc, thống kê, hoạch toán, đồng thời vận động, tuyên truyền giúp các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất.
Bà Vân cho biết: “Trên cơ sở xây dựng mối quan hệ gắn kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) để đảm bảo nguồn và chất lượng nguyên liệu lâu dài, bền vững cho các nhà máy chế biến trên địa bàn, huyện sẽ tiếp tục củng cố và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung như vùng trồng sắn, trồng quế, trồng chè, vùng nguyên liệu giấy…
Bên cạnh đó, sẽ hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn được tiếp cận với nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương”.
Ngoài những giải pháp cụ thể trên, huyện còn chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tạo mọi điều kiện thuận lợi giải quyết nhanh các thủ tục như thuế đất, đền bù giải phóng mặt bằng…, đồng thời trong quá trình thực hiện cùng nhà đầu tư giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để hoàn thành dự án sớm nhất; tiếp tục củng cố và phát triển kinh tế HTX, khuyến khích thành lập các doanh nghiệp, sản xuất các mặt hàng tiềm năng, thế mạnh của huyện, xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà và cản trở hoạt động của doanh nghiệp.
Với việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, huyện Văn Yên đang quyết tâm phấn đấu đưa CN-TTCN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế, tiến tới thực hiện thằng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 14 của huyện đã đề ra.
Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - Tại thời điểm này, toàn tỉnh Yên Bái có tới 15% doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và giải thể, 55% số doanh nghiệp sản xuất cầm chừng do năng lực quản trị kinh doanh và tài chính còn hạn chế, sức cạnh tranh thấp.
Hội Thẻ Việt Nam vừa thống nhất sẽ có văn bản kiến nghị Ngân hàng (NH) Nhà nước cho thu phí giao dịch ATM nội mạng. Lý do đưa ra là nhằm tạo điều kiện cho các NH mở rộng đầu tư, trang bị, bảo trì...
Ba tháng đầu năm xuất khẩu được 1,087 triệu tấn gạo, trị giá 529,859 triệu USD. Dự kiến cả năm sẽ xuất khẩu từ 6,5 đến 7 triệu tấn gạo.