Văn Chấn khó khăn tái đàn sau dịch bệnh
- Cập nhật: Thứ sáu, 29/6/2012 | 9:47:09 AM
YBĐT - Dịch bệnh tai xanh xuất hiện và bùng phát tại 10 xã của huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã khiến 3.629 con lợn mắc bệnh, trong đó có 2.496 con bị chết. Dù đến thời điểm hiện tại dịch bệnh đã được khống chế, song di chứng mà nó để lại vẫn đang khiến các cấp, chính quyền và người dân gặp nhiều khó khăn trong tái đàn, phục hồi sản xuất.
Đồng chí Phạm Duy Cường - Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình hình tái đàn lợn sau dịch bệnh tại xã Hạnh Sơn.
|
Trở lại Hạnh Sơn (Văn Chấn), vùng rốn dịch, nơi cách đây 3 tháng dịch bệnh tai xanh đã bùng phát và lan rộng ra nhiều vùng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Xiến thông tin nhanh cho chúng tôi về những thiệt hại trong đợt dịch vừa qua: “Dịch bệnh xuất hiện và bùng phát tại 12/12 thôn bản khiến 1.302 con lợn bị tiêu hủy, trong đó lợn nái là 238, lợn thịt 392 và 672 lợn con với tổng thiệt hại lên tới hàng tỷ đồng”.
Được biết, ngay sau khi dịch bệnh xuất hiện, huyện Văn Chấn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã vùng dịch tập trung lực lượng, tổ chức thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời thành lập các chốt kiểm dịch. Đến nay, dịch bệnh đã được kiểm soát và không phát sinh trường hợp nhiễm bệnh. Tuy nhiên, sau dịch bệnh tai xanh người dân Văn Chấn phải gánh chịu những hậu quả rất nặng nề. Nhiều hộ dân bỗng chốc trắng tay, rơi vào cảnh nợ nần khi chứng kiến đàn lợn của mình bị tiêu hủy.
Theo ông Phạm Anh Tú-Trạm trưởng Trạm Thú y Văn Chấn, sau dịch bệnh, đàn lợn của huyện đã bị tụt giảm từ 75.192 con xuống 73.269 con và ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu tăng đàn của địa phương.
Để tái đàn, khôi phục sản xuất, ngay khi có quyết định công bố hết dịch của UBND tỉnh, huyện Văn Chấn đã vận động, tuyên truyền người dân nỗ lực tái đàn, khôi phục sản xuất. Theo đó, hơn 1.100 lít thuốc tiêu độc khử trùng đã được phun cho tất cả các cơ sở chăn nuôi tại 10 xã vùng dịch. Huyện cũng đã mở chiến dịch vận động nhân dân rắc vôi bột, tích cực vệ sinh chuồng trại, khôi phục đàn lợn; hướng dẫn người dân khi nhập đàn phải nuôi cách ly và tiêm phòng cẩn thận...
Cùng với đó, Văn Chấn đã trích ngân sách dự phòng chi trả cho các hộ có lợn bị tiêu hủy với mức hỗ trợ 22.000đồng/kg để người dân có điều kiện tái đàn, khôi phục sản xuất. Mặc dù vậy, việc tái đàn hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn bởi sau dịch bệnh, đa phần người dân đều thiếu vốn và chưa đủ khả năng để trả các khoản nợ. Đặc biệt, trong đợt dịch vừa qua, Văn Chấn bị chết 386 con lợn nái đã ảnh hưởng đến con giống trong khôi phục đàn.
Ông Đồng Văn Ngọc, thôn Bản Mới, xã Hạnh Sơn nói: “Dịch bệnh đã khiến gia đình tôi mất hơn 30 con lợn, mặc dù đã được Nhà nước hỗ trợ nhưng thực tế hiện nay giá lợn giống rất cao nên việc tái đàn gặp rất nhiều khó khăn”.
Bên cạnh đó, sự bấp bênh của giá lợn hơi cũng khiến không ít người dân có tâm lý “dè dặt” trong việc tái đàn. Theo ông Phạm Văn Nguyên, thôn An Sơn, xã Hạnh Sơn, có lẽ một thời gian nữa ông mới tái đàn bởi hiện nay giá con giống rất cao trong khi giá lợn hơi lại giảm thê thảm, nếu tái đàn sẽ cầm chắc phần lỗ.
Chăn nuôi từ lâu đã được Văn Chấn xác định là mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo, do vậy, việc tái đàn chăn nuôi sau dịch tai xanh là hết sức cần thiết nhằm giúp người dân khôi phục sản xuất. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền cơ sở cần có các giải pháp để hỗ trợ người dân về vốn và con giống.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là huyện Văn Chấn cần tìm ra nguồn cung ứng giống tốt trong điều kiện con giống địa phương vừa thiếu, vừa đắt. Bên cạnh đó, công tác tái đàn phải thực hiện đầy đủ qui trình khuyến cáo của thú y về tiêm phòng, phun tiêu độc khử trùng và lựa chọn con giống.
Hùng Cường
Các tin khác
Bộ Tài chính vừa ban hành khung giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt. Theo đó, từ ngày 11-7, nước sạch sinh hoạt sẽ có giá mới.
Ban Chỉ đạo thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN, Bộ NN&PTNT) cho biết, sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ kéo dài thời gian thực hiện thí điểm BHNN đến năm 2014, thay vì năm 2013.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 28.6 yêu cầu tất cả tổ chức phát hành thẻ không được thu phí rút tiền ATM nội mạng, giữ nguyên mức phí ATM ngoại mạng (3.300 đồng/lần) trong năm 2012.
YBĐT - Sản xuất nông, lâm nghiệp được Lương Thịnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm của nền kinh tế. Quá trình cụ thể hóa Nghị quyết phát triển kinh tế trong thực tế sản xuất, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã tích cực chỉ đạo việc cấy hết diện tích lúa nước, đưa giống mới chất lượng cao vào gieo cấy.