Chỉnh trang đô thị ở thành phố Yên Bái: Chỉnh từ thi công
- Cập nhật: Thứ hai, 9/7/2012 | 9:36:30 AM
YBĐT - Việc thi công chậm làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới mỹ quan thành phố Yên Bái, khó khăn trong cuộc sống và sinh hoạt của người dân.
Đống đất, đá này ngay trước cổng Báo Yên Bái đã bị các nhà thầu “bỏ quên” gần 2 tháng nay, gây mất mỹ quan đô thị, cản trở giao thông.
|
Nhằm từng bước xây dựng thành phố Yên Bái văn minh, lịch sự, xanh, sạch đẹp, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho người dân đi lại, phòng chống bão lũ, thành phố Yên Bái đã đầu tư trên 30 tỷ đồng để chỉnh trang đô thị (lát vỉa hè một số tuyến phố chính, kè suối và cải tạo vườn hoa Hồng Hà).
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các nhà thầu, đơn vị thi công tiến hành rất chậm, gây cản trở giao thông, khó khăn cho người dân và nảy sinh một số vướng mắc.
Dự án chỉnh trang đô thị được triển khai từ tháng 4/2012 với 7 gói thầu gồm lát hành lang, hè phố tại các tuyến đường chính (Điện Biên, Yên Ninh, Hoàng Hoa Thám, Trần Hưng Đạo, Đinh Tiên Hoàng và cải tạo vườn hoa Hồng Hà); tổng vốn đầu tư trên 30 tỷ đồng.
Đây là một dự án cần thiết, bởi trước đây hành lang, hè phố trên các tuyến đường hầu hết đã có nhưng “lôm côm” cao thấp, cống rãnh thì chỗ có, chỗ không nắp đậy, bập bênh và vỡ hỏng vừa thoát nước kém vừa gây khó khăn cho người đi bộ.
Dự án khi được triển khai thực hiện đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo người dân thành phố, nhất là các hộ dân nằm ven các tuyến phố rất phấn khởi và tỏ rõ tinh thần hợp tác với đơn vị thi công. Nhiều gia đình ủng hộ nước uống cho các anh chị em công nhân và cùng chung tay, góp sức tháo dỡ các vật cản như đường ống nước, rãnh thoát nước, bậc lên xuống... để đơn vị thi công thuận tiện.
Tuy nhiên, các nhà thầu đang thi công với tốc độ “rùa”, không làm cuốn chiếu mà cùng lúc đào bới tất cả các vỉa hè, tuyến đường gây những lộn xộn không đáng có. Chỉnh trang, lát hè phố hàng mấy tháng trời không xong gây rất nhiều khó khăn, phiền hà cho người dân.
Cả mấy tuyến đường Điện Biên, Yên Ninh, Đinh Tiên Hoàng ... như một đại công trường, nhộn nhịp, hối hả, bừa bộn. Xe cẩu cứ phăm phăm cậy bật nắp cống cũ, thay booc-đuya vỉa hè mới; từng tốp nhỏ lẻ 5-7 công nhân cậy bật gạch lát cũ rồi đào đất đổ tràn ra đường; cát sỏi, nguyên vật liệu cũng ùn ùn chở về đổ tràn cả ra hai bên lòng đường cản trở người qua lại dễ gây tai nạn giao thông.
Thi công cống rãnh trên trục đường Điện Biên (đoạn Km3).
Khi mới triển khai, nhiều người dân ven đường thấy đơn vị thi công đổ vật liệu và đào bới đổ đất cát bừa ra đường mất vệ sinh, cản trở giao thông, đất trước cửa nhà đào xuống sau những cơn mưa trở thành cái ao, lối lên xuống bị đập bỏ rất khó khăn cho việc dắt xe vào ra... nhưng cũng chặc lưỡi: chắc họ làm nhanh, chỉ vài tuần là xong, cố gắng chịu đựng và chấp nhận vất vả tí sau sẽ có hành lang, hè phố thông thoáng, sạch đẹp!
Nhưng không hiểu vì nhà thầu năng lực kém hay lý do nào khác mà càng ngày tiến độ thi công càng chậm lại? Có những chỗ đã hơn 2 tháng vẫn không xong gây đảo lộn cuộc sống của người dân; đường sá thì bụi bặm, tai nạn giao thông cũng đã xảy ra bởi nguyên nhân đất cát tràn ra lòng đường.
Tốc độ thi công “rùa” đã khiến không ít gia đình hết sự kiên nhẫn dẫn tới cản trở việc thi công của các nhà thầu và buông ra những lời nói thiếu văn minh. Có không ít bậc cao niên chỉ đứng nhìn những đống vật liệu, cái cống đã được bật nắp và mùi cống rãnh bốc lên, ngao ngán lắc đầu, lẩm bẩm không hiểu khi một dự án làm cho đô thị tỉnh lỵ văn minh, lịch sự, vệ sinh hơn mà lại thi công mất vệ sinh và thiếu khoa học đến vậy.
Đành rằng, trong quá trình thi công sẽ không thể tránh khỏi ô nhiễm môi trường nhưng người dân ở một thành phố văn minh chỉ chấp nhận với các nhà thầu ở một thời điểm nhất định chứ không đồng ý việc thi công kéo dài hàng mấy tháng trời với mấy mét vuông hè phố như vậy.
Có những đoạn đã thi công xong nhưng việc thu gom vật liệu thừa rất kém, thậm chí vẫn bỏ bừa ra lòng đường khó có thể chấp nhận được.
Đến đây, nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao đơn vị không thi công cuốn chiếu mà cứ rải mành mành như vậy? Một đoạn hành lang, hè phố mà có tới vài đội thi công khác nhau: đội làm rãnh, đội đào đất, đội đổ bê tông nền, đội rải cát và lát gạch tự chèn. Không chỉ có vậy, việc làm không đồng nhất: rãnh làm xong, đất đã đào sao không đổ bê tông nền ngay và lát gạch mà cứ bỏ bê, đội nọ đợi đội kia rồi cả tháng trời vẫn không xong?
Việc thi công chậm làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới mỹ quan thành phố, khó khăn trong cuộc sống và sinh hoạt của người dân. Khổ nhất là độ chênh giữa hành lang và nền nhà.
Hầu như gia đình nào cũng bị ảnh hưởng bởi bị "chặt” lối dắt xe lên nhà, nhà nào lấn chiếm hành lang bị "chặt" bậc là đương nhiên, nhưng có nhiều nhà không lấn chiếm cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Những chỗ thi công xong thì nắp cống cái cũ, cái mới, gạch lát cũng vậy, nhiều người đặt câu hỏi rằng, làm như vậy thì khi nghiệm thu thanh toán thế nào và liệu có gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư hay không?
Những vấn đề nêu trên đòi hỏi thành phố cần chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục để đưa vào sử dụng đúng mục đích. Một vấn đề không thể không nói đến là các nhà thầu phải thi công theo kiểu "cuốn chiếu", làm đến đâu đưa vào sử dụng đến đó chứ không nên làm tràn lan, đào bới tất cả để rồi bỏ bê!
Người dân tạo điều kiện cho các nhà thầu thi công thì nhà thầu cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân sinh sống trên các trục đường và trả lại hành lang, hè phố cho người đi bộ.
Bên cạnh đó, thành phố cũng cần có các giải pháp trong việc hướng dẫn các hộ dân làm bậc lên xuống và lối dắt xe ra vào nhà theo cách làm chung. Có nhiều ý kiến cho rằng, thành phố phải kiên quyết và xử lý nghiêm các hộ lấn chiếm hành lang làm bậc lên xuống và lối dắt xe, nhưng cũng có ý kiến là nên hướng dẫn làm một cách mỹ quan và tiện lợi nhất cho dân. Đó là một việc tưởng như đơn giản nhưng vô cùng phức tạp, làm không tốt gây mất mỹ quan đô thị và không thuận tiện, người dân sẽ khó thực hiện.
Do đó phải có giải pháp thấu tình đạt lý, chứ không chỉ vài ba ngày công trình đưa vào sử dụng, hành lang, hè phố lại không sạch đẹp đồng thời cũng phải nâng cao ý thức của người dân cùng quan tâm xây dựng nếp sống văn minh đô thị để xây dựng thành phố văn hóa, văn minh.
P.V
Các tin khác
YBĐT - Nhiệm vụ hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2012 của Trấn Yên là rất nặng nề, đòi hỏi phải có sự nỗ lực phấn đấu của các cấp các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
YBĐT - Cụm công nghiệp Đầm Hồng được quy hoạch với diện tích trên 10 ha, đến nay đã được lấp đầy. Hiện tại có 18 đơn vị đang triển khai 18 dự án đầu tư, đạt 100% diện tích. Tổng vốn đầu tư đến thời điểm hiện tại là 101,74 tỷ đồng.
Bộ Tài chính sẽ thành lập Tổng cục Quản lý vốn và Tài sản nhà nước tại DN nhằm thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo lộ trình của Chính phủ.
Nguồn tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết Việt Nam vừa có thêm hợp đồng xuất khẩu gạo mới cho Philippines với số lượng khá lớn.