Nơi đất lại giao mùa

  • Cập nhật: Thứ ba, 11/9/2012 | 10:04:53 AM

YBĐT - Những ngày đầu tháng 9, bà con nông dân trên địa bàn huyện Văn Chấn (Yên Bái) đang chạy đua với thời tiết, nhanh chóng thu hoạch lúa mùa, giải phóng đất triển khai vụ 3. Đây là một trong những vụ sản xuất chính trong năm mà huyện rất chú trọng.

Nông dân xã Hạnh Sơn chuẩn bị bầu ngô trồng vụ 3.
Nông dân xã Hạnh Sơn chuẩn bị bầu ngô trồng vụ 3.

Có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất tỉnh, nhiều năm qua, Văn Chấn luôn được đánh giá là địa phương đi đầu trong sản xuất nông nghiệp mà chủ lực là vụ lúa đông xuân, lúa mùa và sản xuất vụ 3. Nếu như vụ đông xuân được trồng để đảm bảo an ninh lương thực thì  vụ mùa và vụ 3 được coi là nâng cao thu nhập, giúp người nông dân ổn định nguồn thức ăn cho chăn nuôi, đồng thời có nông sản bán ra thị trường, góp phần khẳng định giá trị và chất lượng lúa gạo hàng hóa của huyện Văn Chấn.

Ông Trịnh Xuân Thành- Chủ tịch UBND xã Thanh Lương cho biết: Trong 2 vụ đông xuân và vụ mùa hàng năm, nhân dân xã Thanh Lương luôn chú trọng đưa những giống lúa năng suất, chất lượng cao vào gieo cấy, các giống lúa Séng cù, Chiêm hương, HT1... đã khẳng định về chất lượng và giá cả, được thị trường ưa chuộng. Riêng vụ 3, xã xác định là vụ sản xuất để tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân lúc nông nhàn, đồng thời tận dụng thực phẩm phục vụ chăn nuôi.

Cùng nằm trong vùng lòng chảo Mường Lò, xã Hạnh Sơn có tổng diện tích 257 ha lúa 2 vụ, phần lớn diện tích được đưa vào thâm canh vụ 3. Vụ đông năm nay, Hạnh Sơn được giao kế hoạch gieo trồng 240ha với cơ cấu 180ha ngô ruộng, 20ha cá ruộng, còn lại là rau màu. Phát huy truyền thống là địa phương đi đầu trong phong trào sản xuất vụ 3, ngay từ đầu vụ mùa, lãnh đạo xã Hạnh Sơn đã xác định cơ cấu gieo cấy gồm 60% lúa thuần, 40% lúa lai để giải phóng nhanh diện tích lúa thuần sớm chuẩn bị đất trồng vụ 3.

Nhờ đó đến đầu tháng 9, trong khi các diện tích lúa khác vẫn đang thời kỳ xanh tốt, trỗ bông thì đa phần diện tích lúa ở các thôn Phai Lò, An Sơn, Viềng Công đã chín, bà con tranh thủ thời tiết thuận lợi thu hoạch ngay để làm đất, chuẩn bị vào bầu ngô, đưa ra ruộng. Ban chỉ đạo của xã đã phân công các thành viên tích cực xuống thôn bản, đôn đốc, vận động nhân dân làm bầu ngô 100%, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật đảm bảo ngô sinh trưởng và phát triển.

Những ngày mùa ở Hạnh Sơn, hình ảnh những em bé ra thăm đồng cùng cha mẹ, ông bà đã trở thành quen thuộc, càng tô thắm thêm nét đẹp của làng quê Việt Nam thanh bình mà rất đỗi mộc mạc, thân quen. 2.500m2 lúa ruộng của gia đình anh Đinh Công Hoạt, thôn Phai Lò, xã Hạnh Sơn năm nào cũng gieo cấy hết diện tích và sau đó phủ kín ngô đông để tăng thu nhập cho gia đình.

Trong sản xuất vụ đông xuân năm 2011, gia đình anh thu hoạch hơn 1,7 tấn thóc dự trữ làm nguồn lương thực chính cả năm, còn 1 tấn thóc vụ mùa bán ra thị trường thu về từ 8- 9 triệu đồng mỗi vụ. Tuy nhiên, 10 năm trở lại đây, vụ đông hàng năm, anh Hoạt đã mạnh dạn đưa giống ngô nếp vào gieo trồng trên 30- 40% diện tích.

Vụ đông năm 2011, cùng với thu hoạch 7 tạ ngô tẻ làm thức ăn chăn nuôi, gia đình anh còn thu được hơn 8,5 triệu đồng từ việc thu hoạch 700m2 ngô nếp bán ra thị trường thời điểm đầu vụ. Anh Hoạt cho biết, vụ đông năm nay gia đình quyết định dành 1.000m2 để trồng ngô nếp giống NX4, 1.500m2 còn lại trồng ngô tẻ C919. Anh mong muốn vụ đông năm nay giá thành ngô nếp trên thị trường cao hơn để công sức bỏ ra của gia đình thu được hiệu quả kinh tế cao hơn. Thu nhập cao từ phát triển cây vụ 3 chính là động lực để người dân Hạnh Sơn ngày càng gắn bó hơn với đồng ruộng. Đây chính là điểm nhấn giúp xã luôn duy trì vị trí đi đầu trong phong trào sản xuất cây vụ 3 hàng năm.

Với tổng diện tích hơn 4.100ha lúa ruộng, hàng năm, huyện Văn Chấn quyết tâm chỉ đạo  cấy hết diện tích, đưa những giống lúa mới năng suất, chất lượng vào cơ cấu gieo trồng. Cùng với việc chỉ đạo các địa phương cấy đúng khung thời vụ, huyện còn chỉ đạo các ngành chức năng quan tâm, chú trọng  công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu hại trên cây trồng.

Đặc biệt trong những năm gần đây, Văn Chấn xác định vụ 3 là vụ sản xuất chính trong năm tập trung gieo trồng chủ yếu tại các xã vùng lòng chảo Mường Lò dọc ven quốc lộ 32. Để sản xuất vụ đông giành thắng lợi, ngay từ cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm 2012, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương đôn đốc, vận động nhân dân tranh thủ thời tiết thuận lợi thu hoạch toàn bộ diện tích lúa đã chín, giải phóng đất để triển khai vụ đông.

Năm nay, huyện phấn đấu gieo trồng 2.350ha, trong đó ngô đông 1.500ha, 250ha khoai lang, cá ruộng 250ha, 30ha khoai tây, 320ha rau đậu các loại. Đặc biệt, huyện sẽ vận động nhân dân đưa một số loại cây có giá trị kinh tế cao vào cơ cấu giống như: ớt, mướp đắng, khoai tây hàng hóa...

Để vụ đông hoàn thành kế hoạch, Thường trực Huyện ủy- HĐND- UBND đã phân công các đồng chí lãnh đạo kiểm tra cụ thể ở các xã, thị trấn trong quá trình triển khai, gắn bó với cơ sở cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi phát sinh, đồng thời chỉ đạo ngành nông nghiệp cung ứng sớm vật tư, phân bón cho bà con, có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ 30.000 đồng/kg giống ngô trồng trên diện tích 2 vụ lúa, hỗ trợ 120kg phân bón cho 1ha ngô đông trồng ven quốc lộ 32 tại hai xã Thanh Lương và Phù Nham. Đối với những hộ có hoàn cảnh khó khăn, các địa phương sẽ hướng dẫn thành lập nhóm tổ, thủ tục đúng quy định để vay vốn mua giống, vật tư theo quy trình kỹ thuật.

Năm 2012, Văn Chấn phấn đấu tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 59.494 tấn, trong đó thóc 42.667 tấn, ngô 16.827 tấn. Cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành và các đơn vị liên kết, việc một số cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao được khẳng định như: cây ngô vùng cánh đồng Mường Lò, cây rau màu chất lượng cao... đã làm chuyển biến nhận thức của người nông dân.

Đây chính là điều kiện để người dân chú trọng phát triển các mô hình trồng cây màu, đưa cây vụ đông trở thành cây trồng chính, góp phần tăng hệ số sử dụng đất, tăng giá trị sản phẩm trên cùng một đơn vị diện tích canh tác.

 Điều quan trọng hơn, đó là việc tăng sản lượng lương thực sẽ làm cơ sở cho  chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn.

Thanh Huyền - Ngọc Thúy

Các tin khác

Văn bản đăng ký đã được gửi lên Bộ Tài chính, với lý do bình quân giá cơ sở 30 ngày qua vẫn cao hơn mức bán lẻ hiện hành. Doanh nghiệp cho biết đang lỗ 200-600 đồng mỗi lít xăng dầu, nếu trừ 300 đồng định mức.

Ảnh minh họa.

Ngày 10/9, Bộ Tài chính đã có công văn số 12208 báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất biện pháp giảm thuế xuất khẩu than từ 20% xuống 10% nhằm tháo gỡ khóa khăn cho doanh nghiệp.

Với Nghị định mới ban hành, người dân được phép xây dựng tạm khu trong dự án

Theo Nghị định 64/2012/NĐ-CP về cấp giấy phép xây dựng vừa được Chính phủ ban hành, các công trình nằm trong khu vực quy hoạch “treo” sẽ được cấp phép xây dựng tạm.

Ảnh minh họa.

Sáng 10/9, giá vàng trong nước tiếp tục duy trì trên ngưỡng 46,20 triệu đồng/lượng. Trong khi vàng thế giới cũng vượt 1.736 USD/ounce.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục