Trên những cánh đồng “tự giác”

  • Cập nhật: Thứ ba, 5/3/2013 | 2:45:24 PM

YBĐT - Những ngày cuối tháng 2, từ cánh đồng nhỏ như Tà Xùa xã Bản Công đến những cánh đồng trên 40ha như Tà Ghênh xã Xà Hồ, đồng bào đã bỏ qua thú chơi xuân kéo dài hàng tháng, tấp nập xuống đồng để “về đích” đúng khung lịch thời vụ.

Đồng chí Vũ Quỳnh Khánh - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu động viên đồng bào Mông xã Trạm Tấu sản xuất lúa xuân.
Đồng chí Vũ Quỳnh Khánh - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu động viên đồng bào Mông xã Trạm Tấu sản xuất lúa xuân.

Trải qua những năm tháng nỗ lực tuyên truyền, vận động, đến nay, người dân vùng cao Trạm Tấu đã chủ động xuống đồng gieo cấy lúa xuân. Ở vùng cao Trạm Tấu, đã có thêm nhiều cánh đồng “tự giác”, tưng bừng khí thế thi đua lao động, sản xuất.

Gia đình chị Giàng Thị Ghênh ở thôn Tà Xùa, xã Bản Công vụ xuân này gieo cấy gần 2ha ruộng nước với cơ cấu giống chủ yếu là Nhị ưu 838. Những năm trước đây, phần vì thói quen chơi xuân kéo dài, phần vì cứ phải đợi cán bộ xuống tận thôn, bản đôn đốc gieo cấy thì gia đình chị mới yên tâm xuống ruộng nên hầu như vụ xuân nào gia đình cũng rơi vào “sổ đỏ” vì có diện tích lớn mà gieo cấy chậm.

Nhưng vụ xuân này đã khác, ngay khi có kế hoạch gieo cấy của UBND xã và được nghe trưởng bản triển khai, cán bộ khuyến nông về hướng dẫn cách ngâm ủ và che chắn cho mạ chống rét, gia đình chị đã ngâm ủ, gieo mạ từ trước Tết Nguyên đán và bắt đầu từ mùng 5 Tết đã triển khai gieo cấy lúa xuân.

Chị Ghênh chia sẻ: “Năm nào cũng đợi cán bộ đôn đốc mới cấy thì xấu hổ quá! Cấy sớm, cấy muộn thì mình vẫn phải làm, cấy đúng khung lịch thời vụ cho lúa tốt, năng suất cao, được hưởng lợi ích mà không ảnh hưởng đến thành tích của thôn, của xã. Mình hy vọng, năm nay, trời cho mưa nắng thuận hòa để năng suất lúa cao hơn vụ trước”.

Vụ xuân 2013, xã Bản Công gieo cấy 178,9ha lúa xuân, tăng hơn 60ha so với vụ trước, trong đó thôn có diện tích lớn nhất là Tà Xùa. Sau một hành trình vận động kéo dài nhiều năm, mấy năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền xã Bản Công không còn phải "tốn dầu đèn" thức đêm vận động nữa.

Người vui nhất có lẽ là Chủ tịch UBND xã Tráng A Hồ bởi tuổi đời còn trẻ lại mới nhận nhiệm vụ được 2 năm nên điều anh lo lắng nhất là công tác vận động nhân dân đổi mới tư tưởng, cải tạo lối sản xuất lạc hậu, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng và cũng bởi sản xuất lúa hai vụ có tính chất quyết định sống còn đến sản lượng lương thực của xã.

Đồng chí Tráng A Hồ - Chủ tịch UBND xã Bản Công chia sẻ: "Nhờ thành công của công tác tuyên truyền, vận động nên trong xã đã có nhiều hộ dân tự giác sản xuất, tiêu biểu như thôn Tà Xùa, thôn Bản Công. Là năm đầu người dân ăn chung một tết nhưng vui nhất là cái tết đã không kéo dài mà ngay từ mùng 5 tết Nguyên đán, người dân đã chủ động xuống đồng gieo cấy lúa xuân. Với cơ cấu giống chủ yếu là Nhị ưu 838, để vụ xuân đạt năng suất trên 44 tạ/ha, xã đã triển khai tới nhân dân ngay từ đầu vụ khơi thông, tu sửa 70 công trình thủy lợi lớn nhỏ, kênh mương nội đồng để chủ động nước tưới”.

Cũng như ở xã Bản Công, ngay sau tết Nguyên đán, đồng bào Mông xã Xà Hồ đã tấp nập xuống đồng gieo cấy lúa xuân. Trên những thửa ruộng bậc thang, tiếng cười tiếng nói, tiếng bì bõm lội ruộng cùng âm thanh róc rách của những kênh mương nhỏ dẫn nước về ruộng tạo nên một âm thanh vui nhộn giữa đại ngàn.

Già làng Vàng A Súa vui lắm vì ông là người đầu tiên trồng lúa xuân ở Tà Ghênh. Trong hồi ức của ông, những năm 90 của thế kỷ trước, cây lúa xuân còn xa lạ với đồng bào Mông Xà Hồ, cả xã chẳng mấy ai trồng. Dù sau đó, các cơ quan, ban, ngành đã nỗ lực tuyên truyền nhưng sự trông chờ, ỷ lại vẫn hằn sâu trong suy nghĩ của đồng bào nên cứ thúc mới làm đất, giục mới cấy, năm nào cũng hướng dẫn kỹ thuật song cứ đợi cán bộ đôn đốc mới làm. Vụ xuân năm nay đã khác, sau cái tết chung đầm ấm, đồng bào cứ thế rủ nhau ra ruộng, mạ đã gieo từ trước tết, làm đúng kỹ thuật nên cây nào cây ấy cũng xanh non, căng tràn sức sống.

Già Súa phấn khởi: "Tôi vui lắm vì đồng bào Mông bây giờ đã đổi mới tư tưởng, chịu khó làm lúa xuân, không còn phải đợi thúc giục như ngày xưa nữa. Năm nay, gia đình tôi cũng gieo cấy mấy nghìn mét vuông ruộng nước, con cháu sau tết đã đi cấy giờ xong hết rồi. Bây giờ ra đồng chỉ thăm ruộng xem nước có đủ không và xem dân bản mình đi cấy thế nào".

Gia đình chị Chớ Thị So ở thôn Sáng Pao năm nay là một gia đình tiên phong tự giác xuống đồng. Chị So cười như được một vụ lúa bội thu: "Phải tự giác đi làm chứ vì cấy lúa phục vụ cho mình mà. Năm nay, nhà mình cấy 2.000m2 ruộng, trước tết đã làm mạ Nhị ưu 838 theo đúng hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, mạ tốt lắm. Sau khi cấy xong, mình cùng gia đình sẽ thăm ruộng thường xuyên để dẫn nước về ruộng. Ruộng nhà mình thì chưa năm nào bị hạn vì có nguồn nước lấy từ rừng về. Mình mong năm nay thời tiết tốt để được mùa, không lo thiếu lương thực".

Toàn xã Xà Hồ năm nay gieo cấy 133ha lúa xuân, diện tích so với năm trước không tăng là bao nhưng điều mà Chủ tịch UBND xã Chớ A Páo mong muốn là năng suất mỗi năm một tăng. Bài toán ý thức đã giải được nhờ công tác tuyên truyền thì nay, toàn xã phải toàn tâm toàn ý áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất cây trồng, có như vậy mới giúp đồng bào ấm no.

Chủ tịch Chớ A Páo chia sẻ: "Để hoàn thành thắng lợi vụ lúa xuân, ngay từ đầu vụ, xã đã kiện toàn Ban chỉ đạo sản xuất, phân công thành viên về cơ sở cùng làm với dân. Bây giờ về thôn, bản là để tăng khí thế cho dân sản xuất chứ người dân cũng bớt "ngang" hơn trước nhiều rồi. Vấn đề là tiếp đó chỉ đạo người dân thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện sâu bệnh để phòng trừ và có phương án khắc phục mọi cái  “xui” của thời tiết mang lại để xã hoàn thành thắng lợi vụ xuân này".

Vụ xuân năm 2013, huyện Trạm Tấu gieo cấy 1.158,85ha lúa xuân, tăng gần 420ha so với vụ trước. Xác định lúa xuân có vai trò quan trọng, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn, ngay từ trước tết Nguyên đán Quý Tỵ, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng kế hoạch cụ thể, cấp trên 30 tấn thóc giống ĐS1, Nhị ưu 838 và 4,4 tấn nilon che mạ cho người dân.

Ban chỉ đạo sản xuất huyện thường xuyên về cơ sở nắm bắt tình hình, vận động người dân. Sau Tết, Thường trực Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, UBND huyện đã về cơ sở thăm đồng, một mặt kiểm tra tình hình sản xuất, một mặt tạo khí thế thi đua cho người dân trong dịp sản xuất đầu xuân mới.

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Phó phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu cho biết: "Với sự ra quân tích cực của nhân dân các xã, hết tháng 2/2013, huyện Trạm Tấu kết thúc gieo cấy lúa xuân. Phòng đã xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai tới nhân dân thường xuyên thăm đồng, chủ động phát hiện, phòng trừ sâu hại, phấn đấu hoàn thành mục tiêu năng suất đạt 44,65 tạ/ha trong vụ xuân 2013".

Sản xuất lúa xuân - vụ lớn nhất trong năm, trên những cánh đồng "tự giác", người dân Trạm Tấu chung ước mong một năm mưa nắng thuận hòa cho mùa vàng bội thu.

Phương Thùy

Các tin khác

Bộ Tài chính vừa có công điện khẩn gửi giám đốc Sở Tài chính, Cục trưởng Cục Hải quan và Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh thành trong cả nước yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm chủ động ngăn chặn tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới.

Trạm Tấu vào vụ mới.
(Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Bước vào xuân Quý Tỵ 2013, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã thống nhất với 34 chỉ tiêu nghị quyết, trong đó có 13 chỉ tiêu về kinh tế, 16 chỉ tiêu về văn hóa xã hội, 3 chỉ tiêu về môi trường và 2 chỉ tiêu về an ninh - quốc phòng với mục tiêu chung là đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế lên 13,92%.

EVN đề nghị PVN và Tập đoàn Than- Khoáng sản cùng hợp tác để có thể huy động đủ nguồn điện.

Ảnh minh họa.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 23/2013/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe cơ giới đường bộ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục