Từ 1/4 sẽ có cạnh tranh trên tuyến tàu Thống Nhất
- Cập nhật: Thứ hai, 1/4/2013 | 2:07:15 PM
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, từ hôm nay, tàu Thống Nhất sẽ phân chia từng mác tàu SE cho Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội và Sài Gòn để xây dựng thương hiệu riêng.
Việc phân chia này sẽ tạo sự cạnh tranh bình đẳng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách đi tàu. Theo đó, Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội sẽ quản lý, khai thác các mác tàu SE1/2 và SE5/6. Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn quản lý, khai thác các mác tàu SE3/4 và SE7/8. Như vậy, mỗi công ty đảm nhận hai mác tàu, một xuất phát ban ngày và một xuất phát ban đêm.
Để tạo thuận lợi và không ảnh hưởng đến hành khách cũng như đơn vị khai thác, Tổng công ty sẽ thống nhất quản lý và ban hành giá vé tàu, đồng thời giao các công ty quản lý phương án bán vé cả hai chiều của các mác tàu. Trong trường hợp gặp các sự cố bất thường như bão lũ, tắc đường hoặc các đợt vận tải đặc biệt để phục vụ vận tải, an ninh quốc phòng, hè, Tết… công tác tổ chức vận tải hành khách sẽ được thực hiện theo các quy định hiện hành và các quyết định của đường sắt Việt Nam.
Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, thời gian qua, một số nhà ga, đoàn tàu đã trở thành thương hiệu yêu thích, đáng nhớ của hành khách. Những mác tàu như NA1/2 (Hà Nội-Vinh), SQN1/2 (Sài Gòn-Quy Nhơn), SH1/2 (Sài Gòn-Huế)... đã chiếm lĩnh được vị trí và ngày càng gia tăng ảnh hưởng trên thị trường vận tải hành khách ở phía Nam. Một số đoàn tàu khách địa phương có giá vé cao hơn vé ôtô trên cùng chặng đường nhưng vẫn được hành khách lựa chọn.
NA1/2, SQN1/2… đã "hút" khách từ những phương tiện khác và tạo được luồng khách ổn định hàng ngày, gia tăng vào những ngày nghỉ cuối tuần và tăng cao vào những đợt nghỉ dài ngày (hè, lễ, Tết...). Điều đó cho thấy, những mác tàu này đã trở thành thương hiệu và đi vào "bộ nhớ" của hành khách. Tuy nhiên, doanh thu những chuyến tàu này chỉ ở mức khiêm tốn, chiếm tỷ trọng lớn về sản lượng, doanh thu vận tải hành khách của Tổng Công ty vẫn là tàu Thống Nhất.
(Theo VnExpress)
Các tin khác
Từ ngày 1-4-2013 đến 31-12-2015, Việt Nam sẽ cung cấp cho Ghi-nê 300.000 tấn gạo/năm. Việc xuất khẩu gạo trên nằm trong Bản ghi nhớ về thương mại gạo đã được Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Thương mại CH Ghi-nê Mohamed Dorval Doumbouya thay mặt Chính phủ hai nước ký kết.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương coi kinh tế có vốn FDI là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế đất nước.
Tin từ một số công ty kinh doanh gas, từ hôm nay 1-4, giá gas sẽ giảm bình quân 2.000 đồng/kg, tương đương mức giảm 24.000 đồng/bình 12kg.
Ngày 30-3, Ngân hàng Thế giới (WB) đã phê duyệt khoản viện trợ bổ sung trị giá 6,5 triệu USD hỗ trợ quản lý bền vững nghề cá ven bờ của Việt Nam.