Xuất khẩu gạo đồ, hướng đi mới của gạo Việt Nam
- Cập nhật: Thứ năm, 11/4/2013 | 8:12:56 AM
Nhiều doanh nghiệp chuyển sang sản xuất và xuất khẩu gạo đồ. Không chỉ bán được giá cao hơn, chế biến gạo đồ sẽ giải quyết được nhiều khó khăn trong sản xuất lúa gạo Việt Nam hiện tại.
Nhà máy sản xuất gạo đồ của Công ty VAp gấp rút hoàn thiện
|
Nhưng xuất khẩu gạo đồ không dễ vì thị trường hiện tại đang thuộc về Thái Lan và Ấn Độ, trong khi đầu tư vào công nghệ này cao hơn rất nhiều so với gạo trắng.
Giá cao, nguồn nguyên liệu ổn định
Trong cái nắng gay gắt đầu tháng 4, những công nhân lắp ráp và xây dựng tại nhà máy chế biến gạo đồ của Công ty TNHH lương thực VAP (Mộc Hóa, Long An) vẫn kiên trì làm việc để hoàn thành đúng tiến độ. Bên trong, dây chuyền hấp sấy, xay xát và đánh bóng gạo với công suất giai đoạn một là 500 tấn lúa/ngày cơ bản đã định hình. Dự kiến tháng 6 nhà máy chạy thử và tháng 7 hoạt động chính thức.
VAP là đơn vị liên doanh giữa Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) với hai đơn vị nước ngoài là Auro Capital và Phoenix Comodities với vốn đầu tư giai đoạn đầu khoảng 15 triệu USD. Đây là nhà máy sản xuất gạo đồ thứ ba của VN, sau nhà máy của Công ty cổ phần Vinh Phát (TP.HCM) tại An Giang và nhà máy của một công ty Thái Lan ở Tiền Giang.
Gạo đồ là loại gạo thu từ thóc được ngâm nước nóng hoặc sấy trong hơi nước rồi phơi khô, sau đó gia công chế biến qua các công đoạn như xay, xát, đánh bóng. Theo Hiệp hội Lương thực VN, trong ba tháng đầu năm nay VN đã xuất khẩu được gần 16.400 tấn gạo đồ, chiếm khoảng 1,13% tổng lượng gạo xuất khẩu của VN. |
Ông Arup Kumar Gupta - tổng giám đốc VAP, cho biết các đơn vị tham gia đều nhận thấy đây chính là thời điểm thuận lợi để đầu tư sản xuất gạo đồ tại Việt Nam, vì tuy là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng gạo đồ của Việt Nam hầu như không đáng kể.
“Lượng gạo thương mại toàn cầu khoảng 35-36 triệu tấn/năm, trong đó gạo đồ chiếm 5-6 triệu tấn. Tuy nhiên, nguồn cung loại gạo đồ chủ yếu đến từ Thái Lan và Ấn Độ với trên 70% tổng sản lượng” - ông Arup cho biết. Trong khi đó, Việt Nam đang có nhiều ưu thế so với hai nước xuất khẩu gạo đồ lớn nhất thế giới là Ấn Độ và Thái Lan. Gạo Việt Nam có chất lượng tốt với nhiều chủng loại trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ xuất khẩu đã được hoàn thiện sau nhiều năm xuất khẩu. Do đó, có thể giá gạo của Việt Nam không thấp hơn nhưng khả năng giao hàng của Việt Nam ổn định, khác hẳn với chính sách xuất khẩu “giật cục” của Ấn Độ. Còn so với Thái Lan, giá gạo Việt Nam cạnh tranh hơn.
Theo các chuyên gia, đầu tư vào gạo đồ thể hiện sự phát triển của ngành hàng lúa gạo Việt Nam và là xu hướng tất yếu trong chiến lược xuất khẩu lúa gạo Việt Nam. Nhiều năm trở lại đây, Việt Nam luôn trong tình trạng sản xuất dư thừa năm sau cao hơn năm trước. Trong khi đó, nhiều nước sản xuất khác như Campuchia, Myanmar, Pakistan... nổi lên như những nhà cung cấp lúa gạo đầy tiềm năng và họ cũng chọn phân khúc gạo trắng làm sản phẩm chủ yếu. Thực tế trong vài năm trở lại đây cho thấy gạo trắng Việt Nam ngày càng khó cạnh tranh với gạo từ các nước này khi giá giảm liên tục. Do đó, đa dạng hóa sản phẩm là hướng đi cần thiết để “giảm tải” cho gạo trắng cũng như nâng cao giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam.
Nhiều rủi ro về thị trường
Theo một số chuyên gia, gạo đồ chỉ cần một loại lúa nguyên liệu đồng nhất, không phân biệt phẩm cấp theo phần trăm tấm như gạo trắng, nên các nhà máy có thể sử dụng loại lúa IR50404 hạt dài để chế biến, giải quyết một phần đầu ra cho loại lúa mà các cơ quan chức năng khuyến cáo hạn chế sử dụng nhiều năm qua chưa có kết quả. Hơn nữa, chế biến gạo đồ có thể sử dụng được lúa ướt mua trực tiếp từ đồng ruộng, giúp người dân đỡ công sấy và bảo quản, nhất là lúc thu hoạch vụ hè thu vào mùa mưa ở ĐBSCL.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thọ Trí - phó tổng giám đốc Vinafood 2 - cho rằng thị trường gạo đồ đang thuộc về các tập đoàn đa quốc gia, không dễ dàng gì thâm nhập và lấy của họ. Điều này cũng giải thích vì sao Vinafood 2 lại chọn con đường liên doanh chế biến xuất khẩu gạo đồ thay vì tự mình làm toàn bộ, dù đây là đơn vị đang chiếm tới 40% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước.Trong liên doanh này, Vinafood 2 tập trung lo phần nguyên liệu trong nước đảm bảo số lượng và chất lượng, còn đầu ra sẽ do các đối tác đảm nhận.
“Việc chọn cách liên doanh với các đối tác mạnh về tài chính đồng thời cũng là những công ty đã có thị trường về mặt hàng này để đầu tư cũng là cách để Vinafood 2 hạn chế rủi ro về thị trường, đầu ra của sản phẩm” - ông Trí nói. Theo ông Trí, thị trường gạo đồ chủ yếu là khu vực người theo đạo hồi Tây Phi, Trung Đông, Nam Mỹ và một số quốc gia châu Á. Với sự góp mặt của Phoenix Commodities, tập đoàn kinh doanh nông sản quy mô toàn cầu, đầu ra gạo đồ của VAP đã được đảm bảo.
Là đơn vị đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu gạo đồ từ năm 2010, đến nay gạo đồ của công ty đã được xuất khẩu đến nhiều nước tại khu vực Trung Đông, châu Phi... với giá bán thường cao hơn gạo trắng cùng loại 40-50 USD/tấn.
Nhưng theo ông Trần Ngọc Trung - tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinh Phát, đầu tư vào gạo đồ có nhiều khó khăn hơn so với gạo trắng do chi phí đầu tư cao và việc tìm thị trường xuất khẩu loại gạo này khó khăn nên nhiều công ty chưa mạnh dạn đầu tư.
(Theo TTO)
Các tin khác
13/28 địa phương dùng nguồn cải cách tiền lương để chi thường xuyên, chi giải phóng mặt bằng, tạm ứng cho các khoản phát sinh khác tại địa phương… số tiền sai quy định lên đến 3.368 tỉ đồng.
Trả lời thắc mắc của báo giới việc giá xăng dầu “tăng nhanh, giảm nhỏ giọt”, đại diện Bộ Tài chính khẳng định: Giá xăng dầu đang được Liên Bộ Tài chính - Công Thương điều hành đúng theo Thông tư 234 và Nghị định 84.
Từ 10/4, những cá nhân, tổ chức đang quản lý, sử dụng xe mang biển số nước ngoài, biển ngoại giao không đúng quy định phải đến cơ quan đăng ký xe để làm thủ tục thu hồi giấy đăng ký và biển số xe.
Thực hiện Chương trình quốc gia khống chế bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên gia súc giai đoạn 2011-2015, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa có quyết định phân bổ hơn 2,187 triệu liều vắc xin LMLM đợt I năm 2013 cho 24 tỉnh.