Giao khoán bảo vệ chứ không phải giao rừng

  • Cập nhật: Thứ hai, 10/6/2013 | 9:23:45 AM

YBĐT - Nhằm bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả, bền vững, Yên Bái đã và đang triển khai thực hiện “Đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giai đoạn 2012 - 2015”.

Rừng trồng ở Phúc An (Yên Bình).
(Ảnh: Thanh Miền)
Rừng trồng ở Phúc An (Yên Bình). (Ảnh: Thanh Miền)

Đây là một chủ trương đúng đắn giúp người dân, tổ chức, cá nhân yên tâm sản xuất lâu dài, góp phần xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đang gặp phải một khó khăn cần được tháo gỡ.

Bằng sự đầu tư của Nhà nước và sự nỗ lực của các nông, lâm trường, các tổ chức chính trị xã hội và người dân trong việc bảo vệ và phát triển vốn rừng nên diện tích rừng, chất lượng rừng ngày một nâng lên. Đến hết năm 2012, toàn tỉnh có trên 487.000ha đất lâm nghiệp, trong đó có 413.000ha rừng (231.554ha rừng tự nhiên, 191.000ha rừng trồng), độ tàn che rừng đạt 60%.

 Trong vòng 10 năm trở lại đây, năm nào cũng trồng mới từ 12.000 -15.000ha rừng, kinh tế đồi rừng đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, diện tích 290.000ha rừng giao khoán cho trên 10.000 tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư bảo vệ có nơi, có chỗ chưa được tốt, tình trạng chặt phá, khai thác vẫn còn diễn ra.

Bên cạnh đó, vẫn còn 181.000ha rừng trước đây do các nông - lâm trường quản lý, bảo vệ và sau rà soát 3 loại rừng được chuyển đổi từ rừng ít xung yếu sang rừng sản xuất. Để việc giao đất, giao rừng, cho thuê đất, thuê rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiệu quả, chính xác, các đơn vị thực hiện Đề án đã tiến hành rà soát, điều tra thực trạng rừng, đất rừng và tiến hành giao đất, giao rừng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã gặp phải một số khó khăn. Nhiều hộ dân, nhóm hộ... được các nông - lâm trường, ngành kiểm lâm ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng tự nhiên trước đây cho rằng diện tích rừng này đã được Nhà nước giao cho họ quản lý, bảo vệ thì nay là của họ. Nhà nước đã giao cho dân rồi thì nay họ có quyền sử dụng và sẽ không trả lại để giao cho các hộ gia đình và các tổ chức cá nhân có nhu cầu thuê đất, thuê rừng.

Nói về vấn đề này, ông Kiều Tư Giang - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển lâm nghiệp cho biết: “Nhằm xã hội hóa nghề rừng, bảo vệ rừng hiệu quả và tạo điều kiện cho người dân có nguồn thu từ rừng, nhất là đối với diện tích rừng tự nhiên, Nhà nước tổ chức ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với những nhóm hộ, hộ dân và các tổ chức nông - lâm trường. Các hộ, nhóm hộ được giao khoán bảo vệ rừng được hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ thuật để bảo vệ tốt diện tích rừng, rừng được bảo vệ tốt sẽ được thanh toán tiền công khoán bảo vệ theo từng loại rừng và địa điểm rừng. Đây là hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng chứ không phải Nhà nước giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân đó”.

Qua đó cho thấy, việc giao khoán bảo vệ, hay nói cách khác là Nhà nước thuê các hộ dân có đủ điều kiện để bảo vệ rừng chứ không phải là giao rừng, giao đất cho họ. Ngay trong hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên giữa hạt kiểm lâm các huyện, thị với các hộ dân cũng nói rõ trách nhiệm bên B - bên nhận khoán bảo vệ rừng: Bảo vệ tốt diện tích rừng đã nhận khoán bảo vệ; không để hao hụt về diện tích và xảy ra chặt phá rừng, đốt nương làm rẫy, cháy rừng; không được khai thác rừng trái phép, săn bắt chim thú qúy hiếm (theo Nghị định 48/CP và Nghị định 18/Cp của Chính phủ).

Khi phát hiện thấy hành vi xâm hại đến rừng phải có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu và lập biên bản kịp thời. Chịu sự giám sát kiểm tra của kiểm lâm địa bàn và chính quyền địa phương cơ sở. Nếu các hộ, nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng mà để rừng bị phá, cháy, khai thác trái phép lâm sản thì sẽ không được nhận tiền khoán bảo vệ rừng hàng năm. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, rõ ràng trên 10.000 hộ, nhóm hộ, tổ chức trên địa bàn tỉnh được hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng chứ không phải là Nhà nước giao rừng, giao đất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Người được giao khoán chỉ có nhiệm vụ bảo vệ tốt diện tích rừng và được nhận tiền bảo vệ rừng theo quy định và hợp đồng hàng năm, chứ không được sử dụng rừng, thay đổi hiện trạng rừng. Nay thực hiện Đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện thuê đất, thuê rừng thì các hộ được giao khoán bảo vệ rừng không có quyền ngăn cản và đòi bồi thường.

Thanh Phúc

Các tin khác
Gia đình bà Ỏm cấy lúa mùa.

Những ngày này, trên khắp cánh đồng Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), nông dân đang tích cực triển khai sản xuất vụ mùa, phấn đấu gieo cấy đạt kế hoạch và đúng khung lịch thời vụ.

Lắp đặt côngtơ điện cho hộ dân sử dụng điện.

Bộ Công Thương vừa công bố Dự thảo lần thứ ba Quyết định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định này sẽ được thực hiện từ ngày 1/7/2013.

(Ảnh minh họa)

Đây là các dự án sân golf vi phạm về tiến độ đăng ký, triển khai chậm và không hiệu quả.

Thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Hoàng Xuân Nguyên trao Huân chương LĐ hạng Ba cho ông Trương Công Tuyên -Giám đốc Công ty.

YBĐT - Ngày 8/6, Công ty cổ phần Cao su Yên Bái thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đã tổ chức hội nghị đại biểu người lao động năm 2013.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục