Xã Khao Mang: Chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp

  • Cập nhật: Thứ sáu, 21/6/2013 | 2:45:07 PM

YBĐT- Để thực hiện mục tiêu nâng cao đời sống nhân dân, xã Khao Mang huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã tích cực tuyên truyền, vận động tất cả gần 670 hộ dân với trên 4.400 nhân khẩu sống định cư tại 10 bản trên địa bàn cùng tham gia sản xuất, thực hiện thành công việc gieo trồng 2 vụ/năm.

Đồng bào Mông xã Khao Mang cấy lúa mùa.
Đồng bào Mông xã Khao Mang cấy lúa mùa.

Thời điểm này, tại xã Khao Mang, đi đến các bản làng, ở đâu cũng bắt gặp bà con người Mông hồ hởi khẩn trương thu chiêm, cày đất làm mùa. Dọc quốc lộ 32, men theo dòng Nậm Kim về huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, dễ dàng nhìn thấy những thửa ruộng bậc thang vắt ngang các sườn núi ở hai bên bờ thung lũng đang ở độ chín vàng, tạo nên bức tranh kỳ thú của vùng cao.

Bức tranh hấp dẫn ấy chính là sự đổi thay về tư duy của Đảng bộ, chính quyền xã và sự cần cù, lao động không mệt mỏi của đồng bào Mông. Tại xã vùng cao này, không chỉ riêng Khao Mang mà hầu hết các bản như: Bản Thái, Nả Dề Thàng, Páo Sơ Dào, Háng Cháng Lừ, Háng Bla Ha A, B đến bản Tủa Mả Pán, Séo Mả Pán A, B... đều có ruộng bậc thang và được bà con tích cực gieo trồng 2 vụ.

Nếu như năm 1999, xã Khao Mang mới chỉ sản xuất thí điểm được 6ha lúa vụ hai thì năm 2002 tăng lên 13ha, năm 2004 tăng lên 21ha, năm 2005 tăng lên 60ha và hiện nay lên tới 150ha, năng suất bình quân đạt 45 tạ/ha. Ngô đông xuân trồng trên chân ruộng 1 vụ cũng đạt 15ha. Nhờ đó đã góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương. 

Để có được những thành quả như ngày hôm nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng kênh mương thủy lợi. Từ đó đã giúp cho nông dân tăng sản lượng đồng thời chất lượng thóc đạt cao hơn. Ông Sùng A Giàng ở bản Dề Thàng cho biết: "Trước đây, do phương thức canh tác lạc hậu và mỗi năm chỉ gieo trồng một vụ, thu nhập thường đạt rất thấp cho nên năm nào gia đình cũng thiếu gạo ăn.

Từ năm 2000 - 2001 về đây, nghe theo Đảng ủy, chính quyền xã hướng dẫn chỉ đạo sản xuất 2 vụ/năm, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi giống và sản xuất 2 vụ, từ đó thu nhập tăng lên, cuộc sống của gia đình đã ổn định hơn, không còn cảnh phải chịu đói hàng mấy tháng liền như trước đây". Chị Giàng Thị Sày ở bản Séo Mả Pán B cũng phấn khởi: "Những năm trước đây, không chỉ gia đình tôi đói nghèo mà gần như cả bản của tôi đều thiếu gạo ăn. Từ khi chúng tôi được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư hỗ trợ về giống, phân bón và xây dựng kiên cố kênh mương nội đồng, sản xuất thêm được vụ hai, gia đình tôi không còn đói nghèo nữa".

Ở xã Khao Mang, không chỉ riêng gia đình ông Giàng, bà Sày mà hầu như bà con trên địa bàn xã đều đã nhận thức rõ lợi ích từ việc sản xuất 2 vụ lúa/năm. Ông Giàng A Vàng - Chủ tịch UBND xã Khao Mang cho biết: "Để đảm bảo có mạ đạt chất lượng, không bị già quá và có đủ mạ gieo cấy vụ mùa, xã rút kinh nghiệm đã từng xảy ra tình trạng để mạ già và thiếu mạ cấy trong những năm trước đây. Ngay từ đầu mùa vụ, xã đã chỉ đạo nông dân không nên gieo mạ quá sớm mà  chỉ được gieo mạ khoảng từ 20 đến 25 ngày trước khi cấy. Hiện xã đã chỉ đạo nhân dân khẩn trương thu hoạch vụ chiêm xuân để đến ngày 25/6, tất cả diện tích trên địa bàn phải được giải phóng, đưa đất vào tiếp tục gieo cấy vụ mùa mới".    

Ngoài việc chỉ đạo nhân dân thâm canh, tăng vụ, Đảng bộ, chính quyền xã còn vận động nhân dân chuyển đổi cách thức sản xuất, phương pháp chăn nuôi, đưa khoa học kỹ thuật vào áp dụng thực tế đối với cây trồng, tích cực phát triển chăn nuôi đại gia súc, thực hiện mô hình trồng cây ăn quả và nuôi thả cá xen lúa trên đồng ruộng... Xã luôn chú trọng đến việc chỉ đạo làm tốt công tác phòng chống các loại dịch bệnh và chống rét cho vật nuôi.

Nhờ vậy mà đàn gia súc gia cầm của xã luôn phát triển ổn định. Hiện nay, đàn trâu có 955 con, đàn bò có gần 400 con, đàn dê gần 530 con, lợn gần 2.150 con. Về gia cầm, toàn xã có gần 6.700 con, tăng gần 200 con so với cùng kỳ năm 2012. Bên cạnh đó, xã còn vận động nhân dân nuôi ong mật để tăng thu nhập cho các hộ gia đình. Đàn ong của cả xã hiện phát triển tới 140 tổ, cung cấp tới hàng chục lít mật/tháng với giá bán từ 190.000 - 200.000 đồng/lít đã góp phần cải thiện đời sống hàng ngày cho người dân.

Có thu nhập ổn định, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã đã giảm hẳn so với những năm trước đây. Để tiếp tục thúc đẩy xã vùng cao này phát triển ổn định lâu dài, các tuyến đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi như: trạm y tế, trường học, điện lưới quốc gia cũng đã được xây dựng, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của bà con, tạo điều kiện thuận lợi hội nhập giao lưu, trao đổi hàng hóa, góp phần giúp xã phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.        

 Vàng Mai

Các tin khác
Giá xăng dự báo được điều chỉnh giảm trong kỳ điều hành ngày mai (16/5).

Theo thông lệ, ngày mai 16/5, giá xăng dầu bán lẻ trong nước bước vào kỳ điều hành mới với dự báo có nhiều thay đổi.

Thị trường vàng biến động mạnh trong thời gian qua

Trước tình hình giá vàng biến động phức tạp, Bộ Công an đã tham mưu cho Thủ tướng nhiều vấn đề, trong đó tập trung sửa đổi một số quy định về độc quyền vàng miếng SJC.

Giá điện có thể được điều chỉnh 3 tháng một lần từ hôm nay (15-5) thay vì tối thiểu 6 tháng một lần như trước đây.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn kiểm tra thực địa mô hình trồng sâm của Công ty cổ phần Palex Việt Nam tại bản Dào Xa, xã Kim Nọi.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn khẳng định, mô hình trồng sâm của Công ty cổ phần Palex Việt Nam tại bản Dào Xa, xã Kim Nọi, Mù Cang Chải là hướng đi đúng theo định hướng phát triển chung của tỉnh Yên Bái, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng là hướng phát triển kinh tế bền vững, tạo sinh kế cho người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục