Để chính sách bảo hiểm xã hội đi vào cuộc sống
- Cập nhật: Thứ tư, 11/9/2013 | 2:28:50 PM
YBĐT - Có thể nói, tồn tại lớn trong quá trình thực hiện các chính sách về bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với người lao động hiện nay chỉ gói gọn trong hai từ: "trốn đóng" và "nợ đọng".
Rất nhiều người lao động không mặn mà với BHXH - thứ được xem như "cây gậy" chống đỡ họ khi về già; nhiều doanh nghiệp tìm đủ mọi cách để không thực hiện nghĩa vụ của mình đối với người lao động, cho tới khi đóng rồi thì vì rất nhiều lý do này khác họ sẽ không chịu chấp hành hoặc khó khăn về tài chính nên không thể chấp hành, vì thế tình trạng nợ đọng tiền BHXH đang diễn ra phổ biến khiến các chính sách cho người lao động như chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí… không thể thực hiện. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, xin nêu một số thí dụ để các cấp, các ngành, nhất là cơ quan BHXH nghiên cứu, xem xét.
Vẫn biết, nếu tham gia đầy đủ BHXH khi về già, người lao động sẽ có đồng lương hưu, lỡ nhắm mắt xuôi tay có đồng tiền làm mai táng phí, điều này không chỉ thể hiện rõ trong luật mà còn là niềm mơ ước của bất cứ người lao động bình thường nào. Bất cứ ai khi được hỏi cũng đều tâm sự: "Có đồng lương hưu sẽ không phải nhờ cậy con cái; tiền lương dù nhiều hay ít cuộc sống vẫn yên tâm hơn!".
Nhưng họ (tức người lao động) không tham gia BHXH vì: cuộc sống trước mắt còn quá nhiều khó khăn, thu nhập không cao hoặc không ổn định, bỏ ra mỗi tháng vài trăm nghìn đóng BHXH trong khi lương tháng chỉ có vài ba triệu là điều không dễ. Luật BHXH quy định người lao động tham gia BHXH phải đủ 25 năm và tuổi đời 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam mới được hưởng chế độ hưu trí.
Đây là một quy định bắt buộc, chỉ có vậy ngành BHXH mới cân đối được nguồn quỹ để chi trả. Qua tìm hiểu tại rất nhiều doanh nghiệp tư nhân cho thấy, quy định này đã khiến người lao động không còn cơ hội để tham gia BHXH nữa! Thực tế cho thấy, có rất nhiều lao động vào các nhà máy, xí nghiệp làm việc khi tuổi đời đã quá cao (từ 35 đến 50 tuổi chiếm số đông), lý do là bởi khi còn trẻ họ đang tham gia nghĩa vụ quân sự, rồi xây dựng gia đình, đi làm thuê, làm mướn ở các tỉnh, thành khác… hoặc khi đó thì nhà máy, xí nghiệp nơi họ đang làm việc còn chưa xây dựng.
Tuổi đã ngoài 40 thì dù nam hay nữ cũng không còn đủ thời gian tham gia BHXH với mong muốn được lĩnh đồng lương hưu nữa. Về phía các doanh nghiệp, khi đã làm chủ thì không ai là không muốn có sự ổn định để sản xuất kinh doanh, tham gia BHXH sẽ là yếu tố quan trọng tạo nên sự ổn định về lực lượng lao động, hơn nữa đã làm kinh doanh chẳng ai muốn trốn tránh để rồi phải "phiền hà" với các ngành chức năng đến thanh tra, kiểm soát. Nhưng, lương và khoản tiền bỏ ra để đóng BHXH cho người lao động nằm trong cơ cấu giá thành và trong thời buổi mất cân đối giữa giá thành và giá bán (đầu vào cái gì cũng tăng, đầu ra gặp khó) thì cắt giảm mọi yếu tố đầu vào là giải pháp được tính đến.
Đó là giải pháp kinh doanh của những nhà tư bản, còn thực tế rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh làm các nghề có tính thời vụ cao hoặc sự gắn bó của người lao động đối với công ty, xí nghiệp cũng rất lỏng lẻo (nay làm, mai nghỉ) nên việc thực hiện chế độ tiền lương và triển khai các chính sách về BHXH cũng không hề dễ.
Một yếu tố cũng không thể không nhắc tới nữa là do sức ép tăng trưởng lớn, năm nào ngành BHXH cũng được trên giao tăng chỉ tiêu thu đã tạo ra sức ép lớn đối với những người thực hiện tại cơ sở, nhiều doanh nghiệp nhỏ, nếu không muốn nói là quá nhỏ, làm ăn bấp bênh… cũng được đưa vào danh sách, được vận động và triển khai tham gia BHXH cho cán bộ, nhân viên. Với những doanh nghiệp kiểu như vậy hễ gặp khó khăn về vốn, thị trường… dẫn đến thua lỗ, thậm chí phá sản và như vậy danh sách doanh nghiệp nợ đọng BHXH sẽ ngày càng dài thêm, số tiền BHXH cần phải thu càng lớn hơn.
Đứng trước thực trạng kể trên, Chính phủ và ngành BHXH cần "mềm hóa" các quy định về BHXH như: đưa ra nhiều mức đóng khác nhau; rút ngắn thời gian tham gia BHXH; cần vận động để người dân thấy được ý nghĩa tốt đẹp của BHXH để từ đó tự nguyện tham gia và hạn chế sự thúc ép với các trường hợp doanh nghiệp nhỏ, làm ăn bấp bênh, tính thời vụ cao… để rồi thời gian tham gia và khoản thu nộp không được bao nhiêu lại phải "đưa nhau" ra tòa giải quyết, không khéo "một tiền gà, ba tiền thóc"!
Lê Phiên
Các tin khác
Ngày 10-9, Bộ GD-ĐT có văn bản nhắc nhở các sở GD-ĐT về việc bảo đảm an toàn cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non (MN). Lý do của việc ban hành văn bản này là bởi trong thời gian vừa qua, tại một số cơ sở giáo dục MN đã xảy ra tình trạng không bảo đảm an toàn cho trẻ, khiến phụ huynh lo lắng, gây bức xúc trong xã hội.
Dựa trên những chỉ số về mức thu nhập, sự tự do và tuổi thọ, người Việt Nam được đánh giá là có cuộc sống hạnh phúc hơn nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á và xếp thứ 63 trên thế giới.
YBĐT - Chiều ngày 10/9, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Uỷ ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Yên Bái, Ban Chỉ đạo Chiến dịch hè năm 2013 đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2013; triển khai kế hoạch tổ chức Chương trình “Tình nguyện mùa đông- Xuân tình nguyện năm 2014”.
YBĐT - Nhằm quảng bá tuyên truyền các điểm du lịch, các sản phẩm văn hóa của vùng cao Mù Cang Chải đối với khách du lịch trong Tuần lễ văn hóa ruộng bậc thang năm 2013, trong đó có Phiên chợ vùng cao, với chủ đề “Sắc màu Tây Bắc”, Ban tổ chức Phiên chợ vùng cao của huyện đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo các xã, thị trấn chuẩn bị các mặt hàng, sản phẩm đạt trưng của từng xã để tham gia.