Đầu xuân bàn chuyện tiền lẻ

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/1/2014 | 2:13:23 PM

YBĐT - Câu chuyện tiền lẻ bỗng chốc trở nên “nóng” khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra Thông cáo báo chí “Về việc đáp ứng nhu cầu tiền mặt tết Nguyên đán 2014 và sử dụng tiền mặt mệnh giá nhỏ trong các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng đầu năm”.

Cùng với đó là các phát biểu của cán bộ ngành ngân hàng như: Hàng chục tỷ đồng tiền lẻ, đóng trong hàng trăm bao tải mà các ngân hàng thương mại tại Hà Tây thu nhận sau mỗi mùa lễ hội; Năm 2012, Nhà nước phải chi khoảng 300 tỷ đồng cho in ấn, phát hành, vận chuyển tiền lẻ; Chi phí để in và vận chuyển một tờ 500 đồng, Nhà nước phải chi ra 1.500 đồng… Vì thế, xung quanh câu chuyện tiền lẻ còn rất nhiều điều đáng bàn.

Thực tế, do lạm phát tăng cao nên những loại tiền đồng Việt Nam mệnh giá nhỏ như 200, 500, 1.000 đồng hiện nay khó có thể sử dụng trong giao dịch hàng hóa. Trong khi đó, những tờ tiền có mệnh giá lớn hơn như 2.000, 5.000 đồng vẫn có nhu cầu sử dụng (chủ yếu dùng để trả lại tiền thừa trong khi mua bán, chi tiêu sinh hoạt hằng ngày) lại đang rất khan hiếm.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuất phát từ việc các cơ quan hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và một số doanh nghiệp đã sử dụng dịch vụ trả lương qua tài khoản, mà đã rút tiền tại các cây ATM thì chỉ toàn tiền có mệnh giá lớn, chủ yếu là tờ 500 nghìn đồng. Không ít các đại lý, cửa hàng, siêu thị đang khắc phục tình trạng thiếu tiền mệnh giá nhỏ để trả lại cho khách bằng cách trả… kẹo hoặc phong bì!

Trở lại câu chuyện tiền lẻ trong dịp tết và lễ hội. Không biết từ bao giờ mà lễ vật cúng tế luôn phải có tiền trần. Từ đó, người ta thói quen hễ đi đền, đi chùa là… “hối lộ” thánh thần, hay Đức Phật! Họ (những người đi lễ) chắp hai tay cặp nắm tiền lẻ khấn lia lịa, miệng mấp máy cầu xin, mặc cả với thần thánh để tai qua, nạn khỏi, phát tài, phát lộc, thăng quan, tiến chức… Họ nhét tiền vào tay, để vào đùi, vào thân những bức tượng uy nghi mong thần thánh thấu hiểu tấm lòng mình. Những vấn đề này chắc chắn không đúng với văn hóa tín ngưỡng và đã được nhiều nhà văn hóa, trong đó có Giáo sư Trần Lâm Biền - một trong những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian hàng đầu Việt Nam đề cập rất nhiều lần.

Chúng ta không thể không nói tới chuyện bản thân ban quản lý các di tích văn hóa như đền, chùa cũng chưa nghiêm túc trong góp phần xây dựng đời sống văn hóa tâm linh trong sáng. Xuất phát từ việc có thêm nguồn tài chính mà các nhà chùa, nhà đền đã rất lạm dụng trong “thu tiền” với hình thức phát tâm công đức. Mỗi ban thờ là một hòm công đức, đặt chính giữa, nơi trang trọng nhất, đối diện với các pho tượng, bát hương và những người đến làm lễ. Không ít ban quản lý còn có sáng kiến đưa hình tượng cậu bé, trăn tinh, mãnh hổ… vào trong các hòm công đức làm bằng kính trắng hoặc mica trong suốt để du khách, phật tử… thả tiền.

Du khách, phật tử có thói quen “biếu” tiền thần thánh, ban quản lý các di tích thì phát huy tối đa công tác thu. Vậy là xuất hiện vấn đề: Nếu cung tiến toàn tiền chẵn như 50 nghìn, 100 nghìn đồng thì lấy đâu ra! Phải kiếm tiền lẻ, tiền mới càng quý để đi nhiều đền, nhiều chùa, làm lễ tại nhiều ban và bỏ tiền vào nhiều hòm công đức. Có cầu ắt sẽ có cung. Cuối năm nhiều người chạy đôn chạy đáo, phát huy các mối quan hệ để lo mấy thếp tiền lẻ. Không có thì ra ngay cửa chùa, cửa đền đổi với tỷ lệ 100 ăn 70, 100 ăn 80 (đổi 100 nghìn đồng tiền chẵn lấy 70 nghìn đồng tiền lẻ mới tinh và 100 nghìn tiền chẵn lấy 80 nghìn đồng tiền lẻ đã qua sử dụng nhưng còn mới).

Đã đến lúc cần đẩy mạnh tuyên truyền để xây dựng đời sống văn hóa tâm linh trong sáng, chấm dứt tình trạng mê tín, dị đoan, dùng quá nhiều tiền lẻ trong đi lễ đền, chùa như hiện nay. Động thái của Ngân hàng Nhà nước cũng không ngoài mục đích đó bên cạnh việc phải bỏ ra một khoản chi gây lãng phí không cần thiết.

Cùng với đó, cần chấn chỉnh lại hoạt động của ban quản lý các di tích văn hóa. Việc huy động mọi nguồn lực để tôn tạo đền, chùa là cần thiết nhưng không thể để quá nhiều hòm công đức như hiện nay. Đặc biệt là không thể để tình trạng thương mại hóa theo kiểu đấu thầu đền, chùa, ban thờ… như dư luận đã phản ánh.

Lê Phiên

Các tin khác
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng kết quả của ngành Thanh tra trong năm 2013

Năm 2013, các cơ quan chức năng đã phát hiện 45 vụ, 99 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 354 tỷ đồng.

Quang cảnh Hội nghị.

Ngày 14/1, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ TTTT, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2014.

Lãnh đạo Báo Yên Bái tặng quà cho các hộ nghèo tại phường Đồng Tâm.

YBĐT - Chuẩn bị đón Xuân Giáp Ngọ 2014, ngày 14/1, Hội CTĐ thành phố Yên Bái phối hợp với Sở Xây dựng tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Báo Yên Bái tổ chức tới thăm, tặng quà các hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái.

Các tập thể, cá nhân được tặng giấy khen của Sở Thông tin và Truyền thông.

YBĐT - Ngày 14/1, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2013 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2014. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các phòng văn hóa thông tin, đài truyền thanh - truyền hình các huyện, thị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục