Tự hào chiến sĩ Điện Biên
- Cập nhật: Thứ năm, 3/4/2014 | 8:36:40 AM
Tại Hội Cựu chiến binh (CCB) phường Thanh Chường, TP Điện Biên, tỉnh Điện Biên hiện có đến 2/3 hội viên CCB là những chiến sĩ trực tiếp tham gia trận đánh Điện Biên Phủ (ĐBP) góp phần làm nên chiến thắng lịch sử.
Các chiến sĩ Điện Biên năm xưa cùng ôn lại kỷ niệm.
|
Gặp những chiến sĩ năm xưa đang sống một cuộc đời giản dị tại TP Điện Biên hôm nay, chúng tôi không khỏi xúc động vì được chứng kiến những con người anh hùng bằng xương bằng thịt như từ trang sách bước ra.
Chiến sĩ Bùi Mạnh Tuyết, quê Hải Dương, tham gia chiến dịch ĐBP khi vừa tròn 18 tuổi. Sau 60 năm chiến thắng ĐBP, nay ông đã 78 tuổi đời, 55 tuổi Đảng nhưng vẫn luôn lạc quan yêu đời. Ông tâm sự: “Ngày ấy thanh niên chúng tôi chỉ có một mục đích duy nhất là đánh đuổi giặc ngoại xâm cứu nước. Vì thế mọi người ra trận với một tâm hồn vô tư trong sáng và trái tim cháy bỏng nhiệt tình…”. Chiến đấu trong đội hình Sư đoàn Bộ binh 316, ông cùng đồng đội đánh chiếm các căn cứ điểm khét tiếng của thực dân Pháp tại ĐBP như đồi A1, C1… cho đến lúc bộ đội ta giải phóng hoàn toàn Điện Biên.
Hỏi cơ duyên nào mà đến nay ông vẫn ở lại và gắn bó cuộc đời với ĐBP? Ông nói: “Sau chiến thắng ĐBP, bộ đội chúng tôi trở về miền xuôi tiếp tục công tác, nhưng một hôm Bác Hồ có chuyến đến thăm đơn vị và động viên: “Các chú đã giải phóng xong Điện Biên rồi, nhưng nay ở đó vẫn còn tàn dư bọn thổ phỉ và Điện Biên vẫn còn nhiều khó khăn, rất cần sức trẻ của các chú để xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Vì vậy, các chú hãy trở lại xây dựng Điện Biên…”.
Nghe lời Bác, anh em trong đơn vị chúng tôi liền hăng hái tình nguyện trở lại Điện Biên xây dựng các nông trường, hệ thống cơ sở hạ tầng, nhà cửa, đường sá, trường học, trạm y tế… Nhờ vậy mà nay Điện Biên đã khác xưa rất nhiều, không còn cảnh chiến trường hoang tàn mà thay vào đó là nhà cửa, phố xá mọc lên khang trang, chỉ có điều quay qua quay lại chúng tôi đã già từ hồi nào và không ngờ mình đã cả đời gắn bó với mảnh đất này…”.
Cùng đơn vị với chiến sĩ Bùi Mạnh Tuyết là thượng sĩ Hoàng Văn Bảy, quê Nghệ An, năm nay 83 tuổi đời nhưng vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Ông kể về trận đánh tại đồi A1, nơi được mệnh danh là con át chủ bài tại tập đoàn cứ điểm ĐBP của thực dân Pháp. “Ngày ấy, chúng tôi vừa chiến đấu vừa đào hào, địch bắn phá dữ dội khiến quân ta thương vong không ít, nhưng chính lúc ấy tình đồng đội ngời sáng hơn bao giờ hết. Có lần thấy pháo địch sắp rơi vào một thương binh, đồng chí Cừ trong đơn vị đã chạy đến lấy thân mình che đạn cho đồng đội và chấp nhận hy sinh. Hành động quả cảm của anh cứ theo mãi chúng tôi cho đến tận bây giờ…”.
Nhắc về kỷ niệm của thời trai trẻ đánh giặc hào hùng, các CCB như thấy mình trẻ lại. Thượng sĩ Phan Văn Chẩn, quê Hải Dương, năm nay 84 tuổi, 60 năm trước ông là một tay súng trung liên xông xáo trận mạc. Ở đâu cần hỏa lực mạnh là ở đó có ông nhả đạn không ngớt để giải phóng quê hương. Nhớ lại một thời hào hùng ấy, ông xúc động: “Thanh niên Việt Nam thì thời nào cũng xung kích hàng đầu như nhau chứ không chỉ ở thời chúng tôi đâu, bất cứ khi nào cần thanh niên đều sẵn sàng, ngày nay cũng thế, tôi luôn tin vào lớp trẻ trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh…”.
Trong “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non”, các chiến sĩ Điện Biên luôn “gan không núng, chí không mòn” mà còn có cả những câu chuyện lạc quan từ trong trận đánh. Ông Lăng Văn Càn, quê Lạng Sơn, 84 tuổi, tham gia đánh chiếm đồi C1, C2. Lúc đó, ông là một chiến sĩ trinh sát nhanh nhẹn, luôn đi trước mở đường cho bộ đội ta tiến vào sào huyệt địch.
Ông kể lại câu chuyện “sờ râu Tây”: “Hôm ấy chúng tôi đi trinh sát tại khe Hên Lếch trong rừng, trời tối đen như mực nên không ai nhìn thấy ai. Bỗng tôi thấy một đốm sáng nhỏ, cứ ngỡ đom đóm liền đưa tay bắt, nào ngờ sờ trúng râu một thằng Tây và bị nó lấy tay hất ra. Biết là có địch, chúng tôi nhẹ nhàng rút ra và báo chỉ huy tiêu diệt gọn một hang ổ địch. Biết địch có điểm yếu là hay hút thuốc lá, lần nào đi trinh sát chúng tôi cũng chú ý đến yếu tố này, nhờ đó lập được nhiều chiến công từ những sơ suất nhỏ của địch…”.
Thiếu tá Vũ Tiến Huệ, Chủ tịch Hội CCB phường Thanh Chường, nói vui: “Mỗi chiến sĩ Điện Biên năm xưa còn sống đến hôm nay như một pho lịch sử kể về cuộc chiến đấu vô cùng phong phú tại chiến dịch ĐBP năm xưa. Chỉ mong sao các chú bác luôn mạnh khỏe, sống lâu làm tấm gương cho con cháu noi theo…”.
(Theo SGGP)
Các tin khác
Ngày 2/4, Bộ Y tế lấy ý kiến đóng góp lần cuối cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) để có thể trình Quốc hội xem xét vào tháng 5.
Khu vực in sao đề thi phải là một địa điểm an toàn, kín đáo, biệt lập và được bảo vệ nghiêm ngặt trong suốt thời gian làm việc, có đầy đủ điều kiện về thông tin liên lạc, phương tiện bảo mật, phòng cháy, chữa cháy.
Chiều 2-4, Bộ Thông tin - Truyền thông đã họp báo giới thiệu Nghị định số 18/2014/NĐ-CP về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản điều chỉnh chương 2, chương 5 và chương 6 của Nghị định 61/2002/NĐ-CP (NĐ số 61).
Hiện nay, ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam.