Đổi mới dạy và học môn ngữ văn ở trường phổ thông để xóa “văn mẫu”
- Cập nhật: Thứ năm, 10/4/2014 | 2:21:59 PM
Sáng nay, 10-4, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội thảo “Đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng học môn ngữ văn ở trường phổ thông”.
Ảnh minh họa.
|
Mục đích là nhằm nghiên cứu cơ sở lý luận và xây dựng kế hoạch triển khai việc đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả học môn ngữ văn theo định hướng phát triển năng lực người học với cách thức xây dựng đề thi/kiểm tra và đáp án theo hướng mở; tích hợp kiến thức liên môn; giải quyết vấn đề thực tiễn. Đại diện Bộ GD-ĐT, các Sở GD-ĐT, các trường đại học, các nhà khoa học, giảng viên chuyên nghiên cứu về giảng dạy, đánh giá môn ngữ văn ở trường phổ thông đã tham dự.
Bộ GD-ĐT cho biết, đây là hội thảo nối tiếp hội thảo quốc gia về dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông Việt Nam tổ chức tại Huế tháng 1-2013, triển khai nhiệm vụ đổi mới dạy học bộ môn ngữ văn trong bối cảnh mới.
Dùng văn mẫu - viết văn thật để trả bài
Tại đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh, Nghị quyết TƯ 8 (Khóa XI) đã xác định đổi mới kiểm tra, đánh giá là 1 trong 9 giải pháp để đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Ngành giáo dục xác định đổi mới kiểm tra đánh giá là khâu đột phá, là “mở lối vào” cho đổi mới GD-ĐT bởi nó có tác động đến toàn hệ thống, có thể thực hiện ngay và không tốn kém nhiều. Với riêng môn ngữ văn, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, những năm qua đã có nhiều cố gắng đổi mới, thể hiện qua việc ra đề mở, học sinh đỡ phải học thuộc, phát huy được năng lực, trí tuệ, tình cảm, đạo đức của học sinh, gắn với thực tiễn cuộc sống. Nhưng nhìn một cách tổng quát và qua phản ảnh từ những người trực tiếp giảng dạy, hiện nhiều học sinh vẫn phải học theo bài văn mẫu, dùng văn mẫu- viết văn thật để trả bài cho thầy cô; nhiều ý kiến nói rằng vẫn dạy theo cách cũ, đánh giá theo kiểu cũ. Về đề thi môn ngữ văn, thời gian qua, đã có một số đề mở, nhưng cũng có ý kiến cho rằng chưa thực sự “mở”; đề “mở” nhưng đáp án vẫn “đóng”.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển hướng đổi mới thi tốt nghiệp tới, Bộ GD-ĐT đang dần xóa bỏ quan niệm thi môn này, thi môn kia, chuyển từ các môn thi sang bài thi. Trong bài thi đó không chỉ đụng chạm kiến thức của một môn, một lĩnh vực mà đánh giá năng lực tổng hợp, vận dụng năng lực tích hợp để giải quyết vấn đề. Chính vì thế, hội thảo lần này cũng nhằm xác định định hướng mới trong đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập môn ngữ văn. Hình hài, ý tưởng ra sao và trước mắt năm nay làm tới đâu. Những cái mới đó, phải được tiếp tục cho đến năm sau.
Đề mở, chấm cũng phải mở
Các nhà quản lý, các nhà khoa học, các thầy cô giáo trong cả nước với trách nhiệm khoa học và nghề nghiệp cao đã mang đến hội thảo lần này nhiều báo cáo tham luận. Bà Trần Kim Chung (Sở GD-ĐT Phú Thọ) cho rằng đề thi văn mở thì hướng dẫn và cách chấm bài, đánh giá học sinh cũng phải mở. Nhưng dù mở thế nào thì cũng phải bám vào một điểm chung đó là chuẩn. Khi vận dụng việc ra đề mở, giáo viên thường vấp phải một rào cản đó là tâm lý khó chấp nhận tư duy mở khi chấm bài cho học sinh. Vì vậy phải tạo những khoảng mở cho người chấm đánh giá sự sáng tạo của học sinh. Đưa ra yêu cầu cho việc đánh giá bài kiểm tra (hướng dẫn chấm) thì nhất thiết phải có những khoảng mở rộng rãi để chính người chấm được mở. Phải có niềm tin vào giáo viên, phải thay đổi được tư duy và cả năng lực của họ để có thể chấm bài mở.
TS. Trần Thị Hiền Lương, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đưa ra dẫn chứng, hàng loạt bài văn của các em tiểu học chỉ là sự chép theo trí nhớ những bài văn, đoạn văn mẫu “Lá phượng nhỏ li ti như lá me”, “Trông xa, cây phượng giống như một mâm xôi gấc”. Nhưng khi hỏi ra, các em cũng không biết, không nhìn thấy lá me bao giờ và cũng không hiểu tại sao cây phượng được so sánh với “đĩa xôi gấc”. Từ thực tế này, theo tôi cần tăng cường câu hỏi mở trong các bài kiểm tra môn Tiếng Việt (dưới hình thức câu hỏi trắc nghiệm hay tự luận) ở tiểu học là giải pháp tích cực và thiết thực trước mắt, giúp học sinh có cơ hội phát huy năng lực, sở trường, niềm hứng thú trong học tập.
Tựu trung, các ý kiến đều cho rằng, việc kiểm tra đánh giá chất lượng học tập môn ngữ văn ở nhà trường phổ thông hiện chưa phát huy được năng lực của học sinh do còn thiên về kiểm tra việc ghi nhớ máy móc, tái hiện, làm theo, chép lại… Học tác phẩm nào thì thi đúng tác phẩm đó, chưa đánh giá đúng sự vận dụng kiến thức, chưa chú trọng việc đánh giá thường xuyên trên lớp học và sử dụng kết quả đánh giá để điều chỉnh nội dung phương pháp dạy học.
Từ thực tế đó, các ý kiến đều đề xuất việc ra đề kiểm tra, đề thi theo hướng mở, tích hợp các phân môn trong môn ngữ văn và tích hợp liên môn, gắn với các vấn đề cuộc sống để phát huy được năng lực của học sinh. Nhiều ý kiến cho rằng, nên sử dụng câu hỏi trắc nghiệm kết hợp với câu hỏi tự luận để đánh giá năng lực ngữ văn của học sinh, thay vì chỉ sử dụng câu hỏi tự luận như hiện nay…
(Theo SGGP)
Các tin khác
Các bản đồ có hình ảnh nổi bật về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, kèm theo chú thích về tầm quan trọng của 2 quần đảo này.
Ngày 10/4, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an sẽ cùng xem xét đề xuất gia hạn thời gian đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sau ngày 1/7 với người đang sống ở nước ngoài.
YBĐT - Thầy giáo Ma Quang Thủy - Hiệu trưởng Trường THPT Cảm Nhân huyện Yên Bình (Yên Bái) cho biết: "Đến nay, nhà trường lên dây cót tinh thần cho học sinh để bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2013- 2014".
YBĐT - Nhằm tăng cường hơn nữa việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) trong sử dụng các nguồn lực Nhà nước, khắc phục những hạn chế, yếu kém, tạo chuyển biến rõ nét trong việc ngăn chặn và đẩy lùi lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực, bảo đảm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, UBND tỉnh Yên Bái ban hành Kế hoạch số 37/KH-UBND về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014.