Đề xuất bỏ phí bảo trì đường bộ đối với xe máy

  • Cập nhật: Thứ bảy, 12/4/2014 | 10:05:15 AM

Cho rằng chi phí tổ chức thu phí bảo trì đường bộ xe máy tốn kém, mất thời gian trong khi số tiền thu được quá ít ỏi, tại buổi giải trình về Pháp lệnh phí, lệ phí do Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH tổ chức chiều 11.4, nhiều ĐBQH chuyên trách đề nghị Chính phủ xem xét bỏ loại phí này.

Đề xuất bỏ phí bảo trì đường bộ đối với xe máy
Đề xuất bỏ phí bảo trì đường bộ đối với xe máy

Báo cáo tại phiên giải trình, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết năm 2013 Quỹ bảo trì đường bộ (BTĐB) thu được 5.500 tỉ đồng từ ô tô, còn thu từ xe máy dự kiến 2.600 tỉ đồng nhưng mới chỉ thu được 500 tỉ đồng (khoảng 20%).

 

Cần thiết chúng tôi sẽ xin ý kiến thêm để có chỉ đạo của Chính phủ và QH về thu quỹ đối với xe máy. Số tiền không lớn, nhưng thể hiện đóng góp của người dân vào hạ tầng

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường

ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng “tổng thu quá khiêm tốn” và “đề nghị Bộ cho biết hướng xử lý sắp tới về Quỹ BTĐB”. Còn Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) Trần Văn phản ánh ý kiến cử tri cho rằng số thu quá ít, chưa đạt kết quả, trong khi chi phí tổ chức thu quá lớn. “Phí BTĐB đối với xe máy chỉ thu được 20% dự kiến, không đạt kết quả. Xe máy là phương tiện phổ thông, thiết yếu của người dân, nếu phí này giá trị không lớn, chi phí quản lý tổ chức lại quá nhiều, không tương xứng, nên chăng chúng ta không thu đối với xe gắn máy nữa”, ông Văn đề nghị và Thứ trưởng Trường trả lời: “Cần thiết chúng tôi sẽ xin ý kiến thêm để có chỉ đạo của Chính phủ và QH về thu quỹ đối với xe máy. Số tiền không lớn, nhưng thể hiện đóng góp của người dân vào hạ tầng”.

Dân than phí chồng phí

Phó chủ nhiệm UBTCNS Đinh Văn Nhã phản ánh người dân lo ngại tình trạng phí chồng phí. Bởi Bộ GTVT nói đã cơ bản “dẹp” được 24 trạm thu phí nhà nước chuyển sang thu trên đầu phương tiện, nhưng đến năm 2016 khi QL1A được cải tạo sẽ mọc lên thêm gần 20 trạm thu phí BOT với mật độ khá dày. “Vậy Bộ tham mưu cho Chính phủ như thế nào, có áp dụng thu phí phương tiện nữa không, giải quyết phí chồng phí ra sao?”, ông Nhã hỏi.

 

Xe máy là phương tiện phổ thông, thiết yếu của người dân, nếu phí này giá trị không lớn, chi phí quản lý tổ chức lại quá nhiều, không tương xứng, nên chăng chúng ta không thu đối với xe gắn máy nữa

Phó chủ nhiệm UBTCNS của QHTrần Văn

Thứ trưởng Trường giải trình hiện cả nước có 57 trạm thu phí, trong đó 24 trạm nhà nước đã cơ bản thu xong, còn lại 33 trạm thu theo BOT. Về trạm BOT mọc lên trên QL1A, Bộ GTVT đã tính toán cách 70 km mới có 1 trạm, tổng cộng là 17 trạm. “Qua tính toán, đối với 1 xe tải 20 tấn chạy từ TP.HCM ra Hà Nội, tổng mức phí phải nộp khoảng 1,5 - 1,7 triệu đồng. Cước phí này không lớn nên có thể chấp nhận được”, ông Trường nói và khẳng định “Phí không chồng phí vì theo quy định, tiền thu cho quỹ để bảo trì đường không đầu tư bằng BOT, còn các dự án BOT nhà đầu tư phải tự bảo dưỡng”.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nêu tình trạng lạm thu phí diễn ra phổ biến, phí chồng phí nhưng chất lượng, dịch vụ kém, không tương xứng. “Nhiều loại không phù hợp, phí chồng phí chất tải lên vai người dân. Đề nghị Bộ trưởng Tài chính cho biết trách nhiệm của ngành?”, ĐB Vinh hỏi.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình, hiện nay theo danh mục có 301 khoản phí, lệ phí, trước đó Bộ đã rà soát bãi bỏ 340 loại không đúng quy định. Ông Dũng khẳng định “không có hiện tượng phí chồng phí”, mà nguyên nhân dư luận phàn nàn do hiểu nhầm giá một số loại dịch vụ do các tổ chức ấn định thu (trông giữ xe, giá quản lý chung cư…) là phí. Về trách nhiệm, ông Dũng cho biết đã thanh tra, kiểm tra rồi ban hành nhiều văn bản chỉ đạo…

Trước câu trả lời còn chung chung, không “trúng” vấn đề, Chủ nhiệm UBTCNS Phùng Quốc Hiển đề nghị Bộ Tài chính giải trình thêm tình trạng hiện nay người dân còn mù mờ, không hiểu đâu là phí, lệ phí đâu là giá dịch vụ. “Tiền trông giữ xe mặc dù rất nhỏ có khi là 10.000 đồng nhưng tùy tiện lắm, có lúc họ thu lên 30.000 đồng, lễ hội thu đến 100.000 đồng. Tôi nói với các đồng chí, đứng đằng sau tổ chức đó có một số cấp chính quyền địa phương. Đây là câu chuyện tôi cho rằng phải làm rành mạch, minh bạch cái nào là giá, cái nào là phí”, ông Hiển yêu cầu. Phó chủ nhiệm UB Pháp luật QH Nguyễn Sỹ Cương cũng đề nghị Bộ trưởng trả lời rõ: “Có lợi ích nhóm, cục bộ địa phương trong chuyện này không?”.

Khẳng định tiền thu trông giữ xe hiện nay là phí, theo Bộ trưởng Tài chính “quá trình thực hiện nhiều nơi còn bức xúc, tùy tiện đẩy giá cao hơn theo mùa vụ, lễ hội. Trách nhiệm này của UBND các cấp”.

“Thanh tra rất nóng, xử lý rất nguội”

 

Theo báo cáo của Bộ Tài chính năm 2011, số thu từ phí, lệ phí đạt gần 42.000 tỉ đồng, bằng 5,8% tổng thu ngân sách. Năm 2012 gần 29.000 tỉ đồng, chiếm 4% tổng thu ngân sách và năm 2013 hơn 31.200 tỉ đồng chiếm 3,8% tổng thu ngân sách. 

Phó chủ nhiệm UB Quốc phòng an ninh QH Lê Việt Trường dẫn báo cáo của Kiểm toán nhà nước tại một số đơn vị nguồn thu phí, lệ phí tại các quỹ tồn dư rất lớn, đặc biệt Bộ TT-TT dư hơn 2.000 tỉ đồng, và cho rằng “báo cáo thanh tra cho thấy tình hình phí, lệ phí rất nóng còn xử lý lại quá nguội”. “Mấy năm rồi kiến nghị xử lý hành chính 4 người, chuyển cơ quan điều tra 1 người. Nhẹ nhàng thế thì trách nhiệm Bộ trưởng thế nào?”, ông Trường đặt vấn đề.

Công tác thanh tra, kiểm tra không được Bộ trưởng Tài chính trả lời cặn kẽ. Về vấn đề này, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khi kết luận đặc biệt lưu ý: “Thanh tra, kiểm tra xử lý chưa được kịp thời, chưa được làm rõ. Công tác này gần như chưa được quan tâm lắm”. Phó chủ tịch QH cũng nhận xét phần giải trình của Bộ Tài chính khiến một số ĐB chưa hài lòng. Điều đáng nói, người dân bức xúc phí chồng phí nhưng qua giải trình chưa làm rõ được bao nhiêu loại đang nằm ngoài danh mục, bao nhiêu loại chồng lên nhau. Bà Ngân yêu cầu Bộ Tài chính phải rà soát lại xem còn bao nhiêu loại phí nằm ngoài danh mục, các loại giá dịch vụ đang nhầm lẫn với phí để tránh tạo ra bức xúc, gánh nặng khi người dân phải chịu quá nhiều.

Giá giường bệnh như khách sạn 5 sao

Nhiều ĐB chất vấn về viện phí, nhiều bệnh viện mở các phòng khám dịch vụ giá quá cao. Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho biết nguyên nhân do người dân có nhu cầu, trong khi ngân sách nhà nước có hạn. Nhiều bệnh viện phối hợp với tư nhân mở cơ chế khám dịch vụ. Ông Cường cũng thừa nhận có tình trạng lạm dụng dịch vụ này.

Theo Phó tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa, năm 2014 sẽ kiểm toán chuyên đề về các thu khác của Bệnh viện Bạch Mai, khi một năm bệnh viện này thu 3.000 tỉ đồng. “Người bệnh kêu dịch vụ viện phí, giường bệnh nằm tự nguyện giá như khách sạn 5 sao, dịch vụ lại không tương thích. Cuối năm chúng tôi sẽ trả lời trước QH, xem thẩm quyền, trách nhiệm của ai”, ông Họa nói.

(Theo TNO)

Các tin khác
Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ ở Mường Phăng.

Hướng tới kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2014), ngày 11/4, Ban tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên phủ tỉnh Thái Nguyên đã thông qua kế hoạch, chương trình tổ chức các hoạt động chính có ý nghĩa, thiết thực trong dịp lễ đặc biệt này.

Ngày 11/4, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, đến hết tháng 3/2014, tổng số nợ BHXH trong cả nước hơn 11.000 tỉ đồng, tăng 1.998,5 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2013.

Các nạn nhân bị bỏng nhẹ được cấp cứu ở bệnh viện ở Vũng Tàu.

12 người được đưa đi cấp cứu sau khi thùng nấu thép của nhà máy thép Pomina 3 tại Bà Rịa - Vũng Tàu phát nổ.

Chiều 11/4, tại thủ đô Hà Nội đã diễn ra lễ ký kết Công hàm trao đổi “Dự án nâng cấp chương trình truyền hình cho Đài truyền hình Việt Nam” giữa ông Fukada Hiroshi - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam và ông Trần Bình Minh - Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục