Nâng cao nhận thức chăm sóc sức khỏe sinh sản
- Cập nhật: Thứ tư, 16/4/2014 | 2:23:44 PM
YBĐT - Dự án “Cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe” đã được đồng loạt triển khai thực hiện tại 10 xã của huyện Văn Yên (Yên Bái) từ tháng 7/2011. Đến nay, nhiều xã có những chuyển biến tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em dân tộc thiểu số mà điển hình là xã Châu Quế Thượng.
Cùng chị Nguyễn Thị Xuân - nhân viên y tế thôn bản, chúng tôi về thôn 1 - đây là thôn thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em. Thôn 1 có 85 hộ với 322 nhân khẩu. Trước đây, tình trạng kết hôn và mang thai sớm xảy ra thường xuyên do dân trí hạn chế, tập quán lạc hậu...
Chị Xuân chia sẻ: Là thôn khó khăn nhất của xã Châu Quế Thượng, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, đời sống của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, tập quán lạc hậu, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và chăm sóc sức khỏe trẻ em chưa được quan tâm đúng mức. Tất cả những yếu tố đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai các hoạt động của dự án.
Với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát và sự giám sát chặt chẽ của Ban Quản lý Dự án cùng sự phối hợp của các cấp chính quyền, đoàn thể và sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ y tế, nhân viên y tế thôn bản nên sau gần 3 năm triển khai, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở các vùng Dự án đã có những tín hiệu khả quan... chị Xuân thông tin thêm.
Nếu như năm 2011, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng trên địa bàn thôn 1 là 25%; tỷ lệ bà mẹ đến khám thai định kỳ tại Trạm Y tế rất thấp; tỷ lệ kết hôn, mang thai sớm khá cao… thì đến hết tháng 3/2014, các tỷ lệ đã có chuyển biến rõ rệt. Những hoạt động tích cực của Dự án đã góp phần chăm sóc tốt sức khỏe bà mẹ và trẻ em. B
ên cạnh đó, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên nhận thức của người dân về việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng nâng cao. Tỷ lệ phụ nữ có thai đến khám thai đầy đủ 3 lần tại Trạm Y tế xã tăng so với cùng kỳ năm trước; tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không còn; số bà mẹ tử vong do thai sản không còn; lựa chọn giới tính cho thai nhi giảm; số phụ nữ có thai được tiêm chủng tăng 4 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái...
Các đối tượng hưởng thụ Dự án gián tiếp như: người chồng, mẹ chồng đã có những chuyển biến nhất định trong nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tạo điều kiện cho người vợ, con dâu đi khám thai và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ.
Đồng chí Triệu Toàn Sính - cán bộ Trạm Y tế xã Châu Quế Thượng cho biết: “Ngay khi Dự án được triển khai, chúng tôi tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hoạt động truyền thông thường xuyên như: thăm hộ gia đình, tư vấn, hướng dẫn tại Trạm đã tạo tác động tích cực đến nhận thức của người dân, dần dần thay đổi hành vi của họ, từ đó có nhận thức đúng đắn về việc sinh đẻ có kế hoạch, người chồng biết đưa vợ đi khám thai, đẻ tại trạm, chăm sóc con cái, chia sẻ việc nhà khi vợ mang thai... để cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai các hoạt động của Dự án tại thôn 1 còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế như: trường hợp sinh con thứ 3 chưa giảm; tỷ lệ phụ nữ sinh con tại nhà không có sự giúp đỡ của cán bộ y tế giảm nhưng chưa nhiều và tỷ lệ phụ nữ sinh con tại Trạm Y tế xã còn ít.
Đến thời điểm này, thôn 1 thực sự là điểm sáng của xã Châu Quế Thượng về cải thiện sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Duy trì các hoạt động này cần phải có thời gian và sự nỗ lực, phối hợp của các cấp chính quyền cũng như các ban, ngành hữu quan. Có như vậy, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em ở Châu Quế Thượng mới thực sự bền vững.
Trần Minh
Các tin khác
YBĐT - Tiếp công dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của đại biểu dân cử; là một biện pháp thiết thực nhằm tăng cường mối quan hệ, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Đây cũng chính là biện pháp để công dân thực hiện quyền làm chủ của mình, để tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, ngoài hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn đã công bố, từ ngày 25-4 đến 7-5, các trường sẽ tổ chức phát, thu phiếu đăng ký dự thi, hồ sơ đăng ký dự thi và nhập dữ liệu của thí sinh vào phần mềm quản lý thi.
Năm 2011, Thành đoàn Hà Nội đã có sáng kiến phối hợp cùng Hội Người mù Thành phố tổ chức thành công Festival Niềm tin và Ánh sáng lần thứ nhất. Tiếp nối thành công đó, Thành đoàn Hà Nội phối hợp với Hội người mù Thành phố Hà Nội tổ chức Festival Niềm tin và Ánh sáng lần thứ II - năm 2014.