Bộ GD-ĐT lấy ý kiến về Quy định đánh giá học sinh tiểu học: Không chấm điểm học sinh tiểu học
- Cập nhật: Thứ năm, 17/7/2014 | 2:12:17 PM
Ngày 16-7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã chính thức lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học (tại trang web của bộ: www.moet.gov.vn).
Ảnh minh họa.
|
Chỉ còn chấm điểm bài kiểm tra cuối học kỳ 1 và cuối năm
Bộ GD-ĐT cho biết, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ đã soạn thảo Thông tư ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học để thay thế Thông tư số 32/2009/TT-BGDĐT quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học.
Theo đó, dự thảo về quy định đánh giá học sinh tiểu học giúp giáo viên điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy học, giáo dục, có giải pháp kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động học tập, rèn luyện của học sinh; góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục tiểu học; giúp học sinh có khả năng tự đánh giá, tham gia đánh giá; tự học, tự điều chỉnh cách học; giao tiếp, hợp tác; có hứng thú học tập và rèn luyện để tiến bộ. Nội dung đánh giá học sinh tiểu học toàn diện bao gồm chuẩn kiến thức, kỹ năng, năng lực, phẩm chất cần thiết nhất của học sinh tiểu học.
Theo dự thảo thông tư, đánh giá học sinh tiểu học bao gồm đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì. Cụ thể, đánh giá thường xuyên là tùy theo tình hình thực tế học tập của mỗi học sinh mà giáo viên nhận xét bằng lời nói trực tiếp với học sinh hoặcviết vào vở bài làm của học sinh để học sinh biết cách vượt qua các lỗi mình mắc phải hoặc có thể ghi vào Sổ theo dõi đánh giá học sinh những điều cần lưu ý để có kế hoạch giúp đỡ học sinh. Đây là những việc làm cần thiết để giúp học sinh học tập tốt hơn, không gây áp lực cho học sinh, phụ huynh về điểm số hàng ngày.
Còn đánh giá định kỳ là để kiểm tra được thiết kế theo ba mức độ nhận thức của học sinh và được đánh giá theo thang điểm 10. Theo đó, sẽ đánh giá định kỳ kết quả học tập, mức độ đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học vào cuối học kỳ I và cuối năm học đối với các môn học: Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc bằng bài kiểm tra định kỳ. Hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm chủ động tổ chức kiểm tra định kỳ từng môn học.
Hiệu trưởng sẽ xác nhận học sinh hoàn thành chương trình lớp 5
Theo dự thảo này, học sinh được coi là hoàn thành chương trình lớp học phải đạt các tiêu chuẩn sau: đánh giá thường xuyên đối với tất cả các môn học, hoạt động giáo dục: hoàn thành; đánh giá định kỳ kết quả học tập cuối năm học các môn học theo quy định đạt điểm 5 trở lên; mức độ hình thành và phát triển một số năng lực: đạt; mức độ hình thành và phát triển một số phẩm chất: đạt.
Với học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học thì giáo viên lập kế hoạch, trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ từng học sinh; đánh giá bổ sung để xét hoàn thành chương trình lớp học.
Với những học sinh đã được giáo viên trực tiếp hướng dẫn và giúp đỡ mà vẫn chưa đạt ít nhất một trong các tiêu chuẩn thì giáo viên tùy theo mức độ chưa hoàn thành ở các môn học, hoạt động giáo dục, bài kiểm tra định kỳ, mức độ hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất, lập danh sách báo cáo hiệu trưởng để quyết định việc lên lớp hoặc ở lại lớp.
Hiệu trưởng sẽ xác nhận việc hoàn thành chương trình lớp học vào Phiếu tổng hợp đánh giá. Về xét hoàn thành chương trình tiểu học, dự thảo nêu rõ, học sinh hoàn thành chương trình lớp 5 được hiệu trưởng xác nhận vào Phiếu tổng hợp đánh giá cuối năm học lớp 5: Hoàn thành chương trình tiểu học.
Như vậy, nếu dự thảo này được ban hành chính thức thì từ nay, sẽ không thực hiện chấm điểm thường xuyên với học sinh toàn bậc tiểu học (hiện nay mới chỉ thực hiện đối với lớp 1), mà sẽ chỉ chấm điểm bài kiểm tra cuối học kỳ 1 và cuối năm. Thay vào việc chấm điểm là phương thức đánh giá học sinh của giáo viên.
Bộ GD-ĐT nêu rõ, các ý kiến đóng góp xin được gửi về địa chỉ: Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, số 49 Đại Cồ Việt, Hà Nội.
Tìm hiểu chi tiết liên hệ theo: điện thoại 0438682062, email: hmle@moet.edu.vn, pndinh@moet.edu.vn.
Bộ GD-ĐT cho biết, trong quá trình soạn thảo dự thảo thông tư ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học, Bộ tạo đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp của một số đơn vị và nhà khoa học thuộc Bộ, một số nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiểu học của 10 Sở GD-ĐT (Hà Nội, TPHCM, Điện Biên, Hòa Bình, Lào Cai, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Ninh Bình, Nghệ An) và tham vấn ý kiến một số cơ quan truyền thông. Bộ GD-ĐT đã hoàn thiện bản dự thảo thông tư ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học và đưa lên mạng giáo dục xin ý kiến rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân và xã hội trước khi trình Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. |
(Theo SGGP)
Các tin khác
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lúc 10g sáng 17/7, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 350km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149 km/giờ), giật cấp 15, cấp 16.
YBĐT - Công tác dân vận ở Trấn Yên (Yên Bái) luôn được thực hiện tốt, nhất là sau khi có Nghị quyết số 25 đã nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
YBĐT - Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, huyện Văn Yên (Yên Bái) luôn chú trọng công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Qua đó, góp phần động viên, tạo điều kiện cho các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách trên địa bàn từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế.
YBĐT - Vừa qua, Ban Nội chính Tỉnh ủy Yên Bái có buổi làm việc với Thành ủy Yên Bái. Đồng chí Nguyễn Văn Lịch - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham dự buổi làm việc.