Yên Bái: Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 42,6%
- Cập nhật: Thứ sáu, 1/8/2014 | 2:59:54 PM
YBĐT - Ngày 1/8, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác dạy nghề 7 tháng đầu năm 2014 và triển khai thực hiện Quyết định 761/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020”. Đồng chí Ngô Thị Chinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì Hội nghị.
|
Trong 7 tháng đầu năm 2014 đã tiến hành khảo sát bổ sung danh mục nghề đào tạo theo nhu cầu học nghề thực tế của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và năng lực đào tạo của cơ sở dạy nghề. Theo đó, số nghề đào tạo cho lao động nông thôn với 30 nghề, số người có nhu cầu và đăng ký học nghề là 12.105. Các mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn hầu hết đều phát huy tác dụng tốt, tạo điều kiện cho người học nghề có cơ hội tìm việc làm như: kỹ thuật trồng nấm, chăn nuôi lợn, trồng hoa cây cảnh, chạm khắc đá, xây dựng, chế biến gỗ rừng trồng... Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã phê duyệt đào tạo các mô hình điểm có hiệu quả như: Nghiệp vụ du lịch homestay, chăm sóc sắc đẹp, dịch vụ chăm sóc gia đình.
Đối với hoạt động hỗ trợ lao động nông thôn học nghề theo Đề án 1956, 7 tháng đầu năm đã tổ chức được 70 lớp dạy nghề với 2.102 người (đạt gần 35,3% kế hoạch giao) với 34 nghề được phê duyêt định mức chi phí đào tạo; 166 cán bộ công chức xã được đào tạo bồi dưỡng. Đến nay đã có 619 lao động nông thôn tốt nghiệp đào tạo nghề, trong đó 553 người đã có việc làm. Bên cạnh đó, hoàn thành việc sáp nhập các trung tâm dạy nghề với trung tâm giáo dục thường xuyên – hướng nghiệp dạy nghề thành Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên ở thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên, Yên Bình, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên. Những tháng đầu năm, chỉ tiêu dạy nghề đạt thấp do các trung tâm tập trung cho công tác sáp nhập nên triển khai tuyển sinh muộn. Cùng với đó, công tác tuyển sinh học nghề khó khăn, bởi ảnh hưởng từ tuyển sinh phổ thông trung học nên số học sinh tham gia học bổ túc rất ít...
Nhiệm vụ các tháng cuối năm 2014, phấn đấu đạt chỉ tiêu đào tạo nghề cho 13.920 người, trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 cho 5.950 người, phấn đấu đạt từ 80% lao động có việc làm sau học nghề; phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 42,6%; đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức xã 280 lượt...
Tại Hội nghị, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái cũng báo cáo triển khai Quyết định 761/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án "Phát triển trường dạy nghề chất lượng cao đến năm 2020”. Theo đó, thực trạng của trường đạt 4/6 chỉ tiêu của trường nghề chất lượng cao. Dự kiến tuyển sinh giai đoạn 2014 – 2020 sẽ tăng từ 2.960 chỉ tiêu lên 5.000 chỉ tiêu.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Thị Chinh nhấn mạnh: Tất cả các cơ sở đào tạo nghề cần tập trung phấn đấu đạt được các chỉ tiêu đào tạo nghề; các huyện, thị, thành phố chú ý thanh tra, kiểm tra đào tạo nghề trên địa bàn đặc biệt là đào tạo nghề theo Đề án 1956. Đồng chí đề nghị Sở Lao động -Thương binh và Xã chủ trị thành lập tổ công tác tham mưu giúp việc cho tỉnh về vấn đề đào tạo nghề gồm Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục – Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Yên Bái, Đài PT-TH tỉnh.
Đồng chí yêu cầu tổ công tác phải thường xuyên cập nhật tình hình tiến độ triển khai dạy nghề, báo cáo kịp thời thường kỳ cho tỉnh; tham mưu cho tỉnh tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở dạy nghề; tiếp tục nghiên cứu mô hình vừa dạy văn hóa vừa dạy nghề của Trường Nghề Nghĩa Lộ, trên cơ sở kinh nghiệm được đúc rút; tham mưu cho tỉnh xây dựng phần mềm quản lý đào tạo nghề tránh chồng chéo, công khai minh bạch các chế độ chính sách đào tạo nghề; chủ động liên hệ với các doanh nghiệp may trên địa bàn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
Đối với vấn đề sáp nhập 2 Trung tâm, đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, cấp huyện quan tâm dành thời gian làm việc với trung tâm để nghe những khó khăn vướng mắc trong cơ chế, tổ chức bộ máy, chỉ đạo về chuyên môn; kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý đối với những đơn vị đang thiếu; nghiên cứu thêm về quy chế, chức năng nhiệm vụ của trung tâm theo dự thảo của Trung ương, xây dựng dự thảo quy chế chung của tỉnh; Sở Nội vụ cho rà soát lại toàn bộ giáo viên dạy nghề và giáo viên dạy văn hóa ở các trung tâm, nắm bắt số giáo viên dạy nghề không đáp ứng được yêu cầu; giáo viên văn hóa đang thừa, vượt so với nhu cầu thực sự của trung tâm báo cáo tỉnh bố trí các bậc học, cấp học khác để lấy biên chế bổ sung cho giáo viên dạy nghề của Trung tâm.
Về thực hiện Quyết định 761, đồng chí đề nghị Trường Cao đẳng Nghề rà soát lại theo các tiêu chí; xây dựng nhanh dự án tổng thể; tham mưu cho tỉnh việc đào tạo đội ngũ giáo viên của Trường Nghề.
Thanh Ba
Các tin khác
YBĐT - Đến nay, Dự án định canh, định cư bản Táng Khờ 1, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái) cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư hoàn chỉnh như hạng mục đường giao thông và một số hạng mục khác. Những vấn đề này cần sớm khắc phục để người dân ở các khu tái định cư ổn định đời sống, yên tâm lao động, sản xuất.
YBĐT - Chuyến xe khách xuôi Hà Nội sáng ngày hôm ấy thật đông. Người ngồi, kẻ đứng cứ gọi là “nêm chặt như cối”. Mặc dù ghế ngồi đã hết, nhiều hành khách đã phải ngồi vào hàng ghế giữa xe vậy mà đến Km8 của thành phố nhà xe vẫn tiếp tục đón khách.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2013-2014, cả nước có trên 4,94 triệu học sinh bậc trung học cơ sở, trong đó có trên 1 triệu em đạt học lực loại giỏi, chiếm tỷ lệ 22,2%.
Theo ông Lầu Sáy Chứ, Giám đốc sở Y tế tỉnh Sơn La, dịch viêm não Nhật Bản B đã bùng phát ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh Sơn La và đã có 10 trường hợp trẻ em tử vong trong tổng số 84 ca mắc bệnh viêm não Nhật Bản được cứu chữa tại bệnh viên.