Chuyện nước sạch ở bản
- Cập nhật: Thứ tư, 6/8/2014 | 2:49:22 PM
YBĐT - Được đầu tư xây dựng để đưa nước về bản, những công trình nước sạch vùng cao đã mang lại niềm vui cho nhiều hộ dân, nhưng theo thời gian, niềm vui ấy cũng lụi dần. Hư hỏng là tình trạng chung của nhiều công trình và 6 công trình nước sạch ở xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn (Yên Bái) cũng không ngoại lệ.
Bể chứa nước ở khu Xòng Phành, xã Nậm Lành bị xuống cấp, rò rỉ.
|
Cùng cán bộ địa chính xã Nậm Lành chúng tôi đến khu Xòng Phành để tìm hiểu hiện trạng của công trình nước sạch ở đây. Bên con đường đất lộ rõ hệ thống ống dẫn nước, cái đã bị thay, cái thì thủng lỗ. Công trình nước sạch này được xây dựng từ năm 1996 từ nguồn vốn giảm nghèo với hệ thống gồm một bể chính và 3 bể nhỏ. Đây cũng là công trình nước sạch lâu nhất của xã Nậm Lành.
Quá trình bào mòn, phá hủy của thời tiết khí hậu và tác động của con người đã khiến công trình hư hỏng nhiều. Toàn bộ bể chứa đã bị rò rỉ, có bể đã hỏng hoàn toàn. Hệ thống ống dẫn bị vỡ, chắp vá. Khu Xòng Phành có 59 hộ dân thì nay chỉ còn 14 hộ được dùng nước sạch. Và số hộ được dùng nước sạch hiện cũng giảm dần theo sự xuống cấp của công trình. Ông Phùng Thừa Hoa là một trong những hộ dân còn may mắn có nước sạch để dùng. Không còn tổ quản lý nước, ông cùng nhiều hộ dân khác tự sửa chữa khi hệ thống có vấn đề, nhất là mùa mưa lũ.
Ông tâm sự: “Được Nhà nước hỗ trợ đầu tư công trình nước sạch, tôi cũng như nhiều hộ dân trong thôn rất phấn khởi, nhưng đến nay cũng chỉ còn một số ít gia đình được dùng. Nhiều hộ phải lấy nguồn nước từ các khe núi không đảm bảo vệ sinh và có nguy cơ ô nhiễm nặng”.
Ngoài Xòng Phành, thôn Giàng Cài còn có 2 công trình nước sạch khác ở Giàng Ngâu và Trung tâm nhưng cũng chịu chung số phận dù có tuổi đời ngắn hơn. Hệ thống trường học cũng đối diện với nguy cơ mất nước sạch nếu các công trình này không được sửa chữa. Trong 150 hộ của thôn chỉ có 39 hộ được dùng nước sạch nhưng lượng nước cũng không đảm bảo nhất là mùa mưa lũ.
Là cán bộ địa chính, anh Phạm Văn Quang thường xuyên theo dõi hiện trạng của các công trình. Anh cho biết: “Nậm Lành có 6 công trình nước sạch thì đến nay chỉ có công trình ở Nậm Cài (được xây dựng năm 2009) là còn hoạt động, các công trình khác phần nhiều đã hư hỏng, công trình khu tái định cư cũng không có nước để cung cấp cho người dân”.
Khi hỏi về công tác quản lý các công trình nước sạch, anh Quang cho biết, trước đây các thôn đều có tổ quản lý, bảo vệ các công trình nhưng chỉ được một thời gian các tổ này đều giải tán. Đến nay, không một công trình nào trên địa bàn có sự quản lý chặt chẽ của tổ chuyên môn. Không muốn bỏ tiền để duy tu bảo dưỡng, người dân tự mình sửa chữa. Khi có vấn đề gì, những hộ dùng nước sạch tự vận động nhau góp công, góp tiền để khắc phục. Nhiều hộ bỏ không dùng thì lại dẫn nước từ các khe suối về. Không có người đứng ra chịu trách nhiệm quản lý, cũng không có quy chế cụ thể nào để hy vọng giữ được những công trình một cách bền lâu.
Địa hình đất dốc, dễ xói mòn khiến những đường ống dẫn nước dần lộ diện. Các bể chứa bị thủng, rò rỉ nước ra xung quanh, có bể đã hỏng hoàn toàn người dân tự lắp ống dẫn trực tiếp về nhà. Vẫn biết theo thời gian những công trình sẽ xuống cấp nhưng ngay cả những công trình mới xây dựng cách đây 2 - 3 năm cũng đã bị hỏng như đã dùng 18 năm.
Ông Lý Kim Kinh - Chủ tịch UBND xã Nậm Lành cho biết: “Do người dân không đồng ý lắp đồng hồ đo nước và thu tiền để quản lý sửa chữa, nên nhiều năm nay, tổ quản lý nước sạch ở các thôn, bản không hoạt động. Ban quản lý nước sạch của xã thường xuyên chỉ đạo cán bộ phụ trách, cán bộ địa chính theo dõi, giám sát và quản lý việc sử dụng nước sạch trên địa bàn tuy vậy không tránh khỏi những hư hỏng do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan”.
6 công trình nước sạch có thể cung cấp nước cho 670 hộ dân 7 thôn bản của xã nhưng hiện nay số hộ được dùng nước sạch chỉ chưa đầy 20 %. Nếu không có sự đầu tư nâng cấp, sữa chữa và quản lý chặt chẽ thì con số này còn giảm. Chưa có một giải pháp cụ thể, quyết liệt để có thể giữ được nguồn nước sạch ở lại bản. Mạnh ai người nấy làm, của ai người nấy dùng khiến những công trình này “chết” dần. Và câu chuyện quản lý hệ thống nước sạch vùng cao vẫn chưa có hồi kết.
Đoàn Thanh Hà
Các tin khác
YBĐT - Mùa mưa bão năm 2013, trên địa bàn tỉnh Yên Bái, tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp. Do ảnh hưởng mưa lớn, kéo dài đã xảy ra sụt lở một số vị trí taluy dương và taluy âm, gây thiệt hại tương đối lớn trên tuyến quốc lộ 32 và 37. Trên các tuyến đường tỉnh, một số tuyến bị sụt taluy dương nhiều điểm do ảnh hưởng mưa, lũ đã gây ra hư hỏng, sụt lún mặt đường nhiều vị trí. Tổng giá trị thiệt hại do bão, lũ gây ra năm 2013 là 15 tỷ 251 triệu đồng.
Các thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia đã nhất trí lựa chọn phương án tăng lương tối thiểu vùng từ 300.000-400.000 tùy theo vùng.
Hôm nay (6/8), tại Hà Nội, 38 tỉnh thành có hồ đập thủy điện sẽ nhóm họp với 4 bộ ngành liên quan để bàn về việc quản lý, quy hoạch các công trình thủy điện trên địa bàn cả nước. Được biết, tại cuộc họp này, các bên liên quan sẽ tập trung bàn bạc về an toàn hồ đập thủy điện trước mùa bão lũ.
YBĐT - Để có được con đường bê tông sạch đẹp với tổng chiều dài 1.351,6m, rộng 3m, dày 16cm như hôm nay, bà con tổ dân phố 1, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã hai lần tự nguyện đóng góp với số tiền không nhỏ.