Các phương án về tính lương và đóng bảo hiểm
- Cập nhật: Thứ sáu, 15/8/2014 | 1:43:42 PM
Vấn đề lương tháng đóng bảo hiểm xã hội và mức hưởng lương hưu luôn là vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm, đặc biệt là trong bối cảnh Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang được đưa ra thảo luận tại Ủy ban Thường Vụ Quốc hội.
Những thay đổi về việc đóng bảo hiểm xã hội và hưởng lương hưu sẽ được thực hiện theo lộ trình.
|
Thay đổi mức đóng bảo hiểm từ 2018
Theo Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, liên quan đến vấn đề tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc (Điều 91), nhiều ý kiến ĐBQH tán thành quy định từ ngày 1/1/2018 trở đi mới áp dụng cách tính tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động theo pháp luật lao động. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị cần thực hiện quy định này ngay khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2015.
Về vấn đề này, hiện có 2 phương án, thứ nhất là đề nghị áp dụng tiền lương đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Bộ luật lao động từ ngày 1/1/2018 và phương án 2 là đề nghị áp dụng mức tiền lương đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Bộ luật lao động từ ngày Luật BHXH có hiệu lực (1/7/2015).
Theo ý kiến của Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội, việc quy định đầy đủ các yếu tố của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là cần thiết để nâng mức hưởng lương hưu của người lao động, góp phần tăng nguồn thu cho quỹ BHXH . Tuy nhiên, việc áp dụng ngay quy định này trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, tiền lương tối thiểu đang trong lộ trình thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động nên việc quy định lộ trình thực hiện từ ngày 1/1/2018 sẽ đảm bảo tính khả thi hơn.
Về việc điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng (quy định tại Điều 57), có ý kiến ĐBQH chưa tán thành việc điều chỉnh mức lương hưu hàng tháng như dự thảo Chính phủ trình khi tuổi nghỉ hưu của người lao động thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, việc sửa đổi này là cần thiết để khắc phục tình trạng mất cân đối trong đóng – hưởng BHXH.
Về vấn đề này hiện cũng có 2 phương án, thứ nhất là điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng theo lộ trình, từ năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH của lao động nữ và 20 năm đóng BHXH của lao động nam. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Trong khi đó, phương án 2 tán thành với ý kiến của Chính phủ, theo đó, số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm; năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm; năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%.
Theo ý kiến của Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội, cả 2 phương án đều hướng tới mục tiêu bảo đảm việc cân đối đóng – hưởng BHXH, tuy nhiên trong điều kiện tuổi nghỉ hưu được thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động thì cần giảm thiểu tác động bất lợi đối với người lao động nghỉ hưu, đặc biệt là lao động nữ.
Việc thực hiện quy định này phải đồng bộ với lộ trình thu BHXH trên cơ sở mức tiền lương tháng đóng BHXH theo quy định tại Điều 90 của Bộ luật lao động để đảm bảo tiền lương hưu người lao động thực nhận không bị sụt giảm nhiều so với trước đó. Bên cạnh đó, do tuổi nghỉ hưu của nam, nữ chênh lệch 5 năm nên cần phải cân nhắc bảo đảm bình đẳng giới trong khi điều chỉnh chính sách này.
“ Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội tán thành với phương án 1, đồng thời đề nghị quy định lộ trình nâng số năm đóng BHXH của nam giới từ 15 năm lên 20 năm để đạt 45% mức bình quân tiền lương tháng tính lương hưu (cụ thể như sau: năm 2018 là 16 năm; năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm; năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm), lộ trình này tạo điều kiện để lao động nam có thời gian thích ứng với các thay đổi chính sách theo hướng cân đối đóng – hưởng như mục tiêu xây dựng Luật đã đặt ra.” - Chủ nhiệm Ủy ban Trương Thị Mai cho biết.
Lương hưu: Tính bình quân lương tháng theo lộ trình
Về mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người tham gia BHXH (quy định tại khoản 1 Điều 63), một số ý kiến đại biểu tán thành với việc quy định cách tính bình quân toàn bộ thời gian đóng cho mọi đối tượng tham gia BHXH; một số ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành để không làm giảm lương hưu của khu vực cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, tạo khoảng chênh lệch lớn về thụ hưởng quyền lợi giữa các thời kỳ; một số ý kiến khác tán thành việc thay đổi cách tính bình quân, nhưng đề nghị cần có lộ trình hợp lý để tạo đồng thuận xã hội.
Thường trực Ủy ban thấy rằng, hiện nay khu vực tư đã thực hiện quy định tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu. Để đảm bảo mục tiêu bình đẳng, việc thay đổi cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người tham gia BHXH thuộc khu vực công cần có lộ trình thực hiện hợp lý, đồng bộ với lộ trình thu BHXH vào năm 2018.
Trên cơ sở này, hiện có 2 phương án. Phương án 1 (phương án có lộ trình) là tính bình quân của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu đối với người lao động tham gia BHXH từ ngày Luật có hiệu lực thi hành (1/7/2015) đến 31/12/2019; từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm cuối; từ ngày 1/1/2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian .
Phương án 2 (phương án của Chính phủ) là tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian từ 1/1/2018.
“Thường trực Ủy ban thấy rằng, việc điều chỉnh mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người tham gia BHXH theo phương án 1 sẽ đảm bảo chính sách được điều chỉnh dần và tạo được sự đồng thuận xã hội. Ngoài ra, cần quy định quỹ bảo hiểm của người lao động ở khu vực công và tư được hạch toán riêng để đảm bảo công bằng, minh bạch trong đóng – hưởng BHXH của người lao động từng khu vực.” - bà Trương Thị Mai nêu rõ.
(Theo VnMedia)
Các tin khác
YBĐT - Sữa mẹ là thức ăn thích hợp nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú mẹ trong hai năm có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ.
YBĐT - Là lực lượng nòng cốt giữ vững an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở, những năm qua, Công an xã Cảm Ân, huyện Yên Bình (Yên Bái), luôn làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, góp phần giảm số vụ việc vi phạm pháp luật trên địa bàn.
YBĐT - Phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan nhằm tạo ra sự đồng thuận và sức mạnh tổng hợp là một trong những giải pháp để đưa các chính sách, pháp luật về người lao động nói chung và bảo hiểm xã hội (BHXH) nói riêng vào thực tiễn cuộc sống.
YBĐT - Tiếp xúc cử tri (TXCT), giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, kiến nghị sau giám sát là hoạt động quan trọng của HĐND. Trong những năm qua, HĐND huyện Trạm Tấu đã triển khai khá hiệu quả các hoạt động này, góp phần quan trọng khẳng định tiếng nói, vai trò, vị thế của cơ quan dân cử ở địa phương. Thành công đó bắt đầu từ việc hóa giải những điều kiện đặc thù, từ tư tưởng phải làm sao để gần dân, hiểu dân và lắng nghe thấu đáo ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.